Vụ kiện tàu 67 ‘dai dẳng’ ở Quảng Nam: Buộc ngư dân phải trả nợ tiền tỉ

18/01/2021 22:16 GMT+7

Liên quan đến vụ kiện tàu 67 'dai dẳng' ở Quảng Nam, TAND H.Thăng Bình (Quảng Nam) đã tuyên buộc ngư dân Trần Văn Liên phải có nghĩa vụ trả nợ cho Công ty CP Đóng tàu Bảo Duy.

Chiều 18.1, TAND H.Thăng Bình (Quảng Nam) mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự về việc tranh chấp hợp đồng gia công đóng tàu giữa bị đơn là ngư dân Trần Văn Liên (53 tuổi, trú xã Bình Minh, H.Thăng Bình) chủ tàu vỏ thép (đóng theo Nghị định 67) số hiệu QNa 94679 TS và nguyên đơn là Công ty CP Đóng tàu Bảo Duy (Công ty Bảo Duy).

Theo nội dung đơn kiện của Công ty Bảo Duy, vào năm 2015 giữa công ty này và ngư dân Trần Văn Liên ký kết hợp đồng đóng tàu về việc đóng mới một tàu vỏ thép hành nghề lưới chụp, với tổng kinh phí hợp đồng là hơn 11 tỉ đồng.

Ngư dân Liên cho rằng vì con tàu bỏ thép vợ chồng ông chưa bao giờ ngủ ngon giấc.

ẢNH: NAM THỊNH

Trong quá trình thực hiện, công ty này đã thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ mình như đã cam kết trong hợp đồng. Hiện con tàu đã hoàn chỉnh, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật. Do đó, ngư dân Liên phải có trách nhiệm thanh toán số tiền còn thiếu hơn 7,5 tỉ đồng và thực hiện nhận tàu. Tuy nhiên ngư dân Liên đã không theo đúng cam kết, không thanh toán và nhận tàu.

Công ty trên yêu cầu ngư dân Liên thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo biên bản thanh lý hợp đồng số tiền còn lại là hơn 7,5 tỉ đồng, buộc ngư dân này phải hoàn trả số tiền mà công ty này đã ứng để khắc phục sự cố hơn 850 triệu đồng, tiền hỗ trợ sửa chữa hệ thống tời, chịu phạt do chậm thanh toán theo thỏa thuận. Tổng số tiền yêu cầu ngư dân Liên phải thanh toán là hơn 11 tỉ đồng.

Tại phiên tòa, ngư dân Trần Văn Liên cho biết, bản thân ông có nguyện vọng được phía Ngân hàng BIDV chi nhánh Quảng Nam tiếp tục cho vay để có tàu vươn khơi, bám biển mưu sinh, qua đó có tiền trả lãi cho ngân hàng.

Theo ngư dân Liên, những năm qua, vì con tàu vỏ thép này mà vợ chồng ông không thể nào ngủ yên giấc được, lo lắng, suy nghĩ nhiều dẫn đến đau ốm liên miên.

Trả lời nguyện vọng của ngư dân Liên tại phiên tòa, bà Vũ Thị Tố Nga, Phó giám đốc Ngân hàng BIDV chi nhánh Quảng Nam cho rằng, trên địa bàn H.Thăng Bình, BIDV Quảng Nam đã cho 6 tàu vỏ thép vay. Trong đó có tàu của ngư dân Trần Văn Liên, với tổng số tiền vay theo hợp đồng tín dụng là hơn 14,5 tỉ đồng, đã giải ngân là hơn 7,6 tỉ đồng, số nợ gốc hiện tại là hơn 7,6 tỉ đồng, tài sản bảo đảm là tàu vỏ thép hình thành từ vốn vay số hiệu QNa 94679 TS và toàn bộ máy móc, trang thiết bị trên tàu với tổng giá trị là hơn 15,6 tỉ đồng.

Theo bà Nga, các khoản vay của ngư dân Liên đã chuyển nợ quá hạn kể từ tháng 12.2016 và hiện đã chuyển sang nợ xấu làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng hoạt động tín dụng ngân hàng.

Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự về việc tranh chấp hợp đồng giữ ngư dân Liên và Công ty Cổ phần đóng tàu Bảo Duy diễn ra vào chiều 18.1.

ẢNH: NAM THỊNH

Bà Nga cũng cho rằng, hiện TAND tỉnh Quảng Nam đã tuyên bản án phúc thẩm đối với sự cố máy chính của tàu ngư dân Liên nhưng bên đơn vị cung cấp máy chính vẫn chưa thi hành bản án của tòa. Với những lý do này, BIDV Quảng Nam không thể tiếp tục giải ngân cho khoản vay đóng mới tàu cá khai thác hải sản xa bờ theo Nghị định 67 của chủ tàu Trần Văn Liên.

Kết thúc phiên tòa, HĐXX đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty Bảo Duy và tuyên buộc ngư dân Trần Văn Liên phải có nghĩa vụ trả nợ cho công ty này theo hợp đồng đã ký hết số tiền hơn 7,5 tỉ đồng, số tiền tạm ứng để thay tàu 120 triệu đồng.

Trước đó, ngày 30.8.2017, TAND TP.Tam Kỳ xử sơ thẩm vụ ngư dân Trần Văn Liên kiện Công ty Bảo Duy và Công ty TNHH dịch vụ kỹ thuật Liên Á, do hệ thống máy trên tàu QNa-94679 TS của ông (đầu tư hơn 16 tỉ đồng) bị hư hỏng, phải nằm bờ gần 2 năm nay.

Tháng 9.2015, Công ty Bảo Duy ký hợp đồng với ông Liên để đóng tàu vỏ thép (Nghị định 67). Ngày 3.12.2015, ông Liên tiếp tục ký hợp đồng với Công ty TNHH dịch vụ kỹ thuật Liên Á mua hệ thống đẩy thủy đồng bộ trị giá 2,8 tỉ đồng. Tuy nhiên, tối 29.3.2016, khi chạy thử thì tàu gặp sự cố hỏng máy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.