Ông Chính nhận định, vấn đề giám định tâm thần đang nổi cộm hiện nay. Hà Nội là địa phương đã nổ phát súng đầu tiên bằng việc khởi tố, bắt tạm giam 2 bác sĩ của Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1 để điều tra hành vi làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần.
Tuy nhiên, theo Chánh án Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội, vụ việc ở Hà Nội chỉ là một phần rất nhỏ. “Tôi nghĩ ở cả 63 tỉnh thành, công tác giám định hiện nay cũng còn những vấn đề tồn tại”, ông Chính nói, và cho biết Hà Nội trong thời gian vừa qua đã quyết tâm làm, đồng thời đề nghị các ban, ngành tố tụng xem xét lại công tác giám định tâm thần.
“Hiện, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã đưa ra 11 vụ án để yêu cầu xem xét lại giám định tâm thần. Tại tòa, các luật sư đưa ra chứng nhận bị cáo bị tâm thần từ nhỏ thì theo quy định tố tụng phải yêu cầu giám định. Đến khi có kết luận giám định thì bị cáo tâm thần trước, trong và sau khi phạm tội. Như vậy, chúng tôi buộc phải dừng, không làm được mà biết chắc rằng việc giám định đó không đúng”, ông Chính nói thêm.
Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, cho rằng có những người bị tâm thần thật, nhưng lại để ngoài xã hội và gây án. Tuy nhiên, một số đối tượng khi phạm tội thì bình thường, đến khi xử lý thì có giám định là bị tâm thần khi phạm tội, nên không xử lý được.
“Vấn đề này Ủy ban Tư pháp đã cảnh báo từ năm 2013 và đề nghị Chính phủ xử lý nhưng không được trả lời. Mới đây, Hà Nội mới phát hiện hơn 90 bệnh án tâm thần giả và đã khởi tố 2 bác sĩ tại Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1, nhưng khả năng vấn đề này không nằm ở Hà Nội”, bà Nga nói, và đề nghị các cơ quan tư pháp phải kiểm tra, vì cho rằng đây là vấn đề rất nghiêm trọng.
Chưa có giải pháp
Trong báo cáo một số ý kiến của nhóm nghiên cứu Ủy ban Tư pháp Quốc hội về báo cáo của Chính phủ đối với công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018, ông Nguyễn Văn Pha, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, cũng nhận định vấn đề làm giả hồ sơ tâm thần để trốn tránh trách nhiệm hình sự sau khi thực hiện hành vi phạm tội xảy ra từ nhiều năm trước, nhưng chưa có giải pháp để khắc phục triệt để, dù đã được Ủy ban Tư pháp nêu từ lâu.
Từ đó, ông Pha đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở sản xuất thuốc, quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu kinh doanh thuốc trên thị trường, phối hợp với Bộ Công an rà soát kiểm tra với các quy trình khám, chữa bệnh, xác định pháp y tâm thần và xử lý nghiêm đối tượng vi phạm.
Ông Nguyễn Bá Sơn, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho rằng vấn đề này đã được Ủy ban Tư pháp cảnh báo từ năm 2013 nhưng vừa rồi mới chỉ có Hà Nội khởi tố 1 - 2 bị cáo để điều tra thì không ổn. "Câu hỏi đặt ra là chúng ta đã rà soát xem lại những vụ án mà các bị can có giấy chứng nhận tâm thần thì họ có bị tâm thần thật không?”, ông Sơn nêu vấn đề.
Giải trình thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, trước đây, một số địa phương cũng đã có một số vụ việc được xử lý, kể cả vấn đề làm giả hồ sơ để được hưởng đặc xá. Ông Vương khẳng định, vụ việc làm giả hơn 90 bệnh án tâm thần ở Hà Nội vừa qua là hết sức điển hình và trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ kiểm tra kỹ, có báo cáo chi tiết.
Bình luận (0)