'Vu lan 3 miền’ tại bệnh viện dã chiến: Cầu nguyện cho nạn nhân mất vì Covid-19

21/08/2021 21:18 GMT+7

Bệnh viện dã chiến số 7 (TP.HCM) là một trong 3 đầu cầu đại lễ 'Vu lan 3 miền'. Lần đầu tiên, lễ Vu lan tổ chức tại bệnh viện dã chiến và có những giây phút xúc động tưởng niệm nạn nhân tử vong vì Covid-19.

Theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đại lễ Vu lan báo hiếu năm 2021 sẽ được tổ chức tại 3 điểm cầu: Chùa Ba Vàng (Quảng Ninh), chùa Thiên An (Bình Định) và Bệnh viện dã chiến số 7 (TP.HCM).
Chương trình "Vu lan 3 miền" được phát sóng vào 20 giờ hôm nay 21.8 (tức ngày 14.7 âm lịch) trên kênh truyền hình An Viên; các ứng dụng như: VTVcab, VNPT, Viettel, HTV, BTV, SCTV, FPT, AVG, VieOn; các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok của truyền hình An Viên.

Chương trình Vu lan 3 miền tại đầu cầu chùa Ba Vàng (Quảng Ninh)

Ảnh: T.H.A.V

Lễ Vu lan tại đầu cầu chùa Thiên An (Bình Định)

Ảnh: T.H.A.V

Chia sẻ với Thanh Niên, Đại đức Thích An Đạt - Thư ký Kênh truyền hình An Viên (Cơ quan ngôn luận của GHPG VN) phụ trách đầu cầu tại Bệnh viện dã chiến số 7 chia sẻ để đảm bảo phòng dịch, mỗi đầu cầu chỉ chọn trong khoảng 10 người để tổ chức buổi lễ. Có 3 đầu cầu nên việc chuẩn bị khá bất tiện, ban tổ chức phải thông qua địa phương là chủ yếu.
Riêng tại đầu cầu TP.HCM, đây cũng là lần đầu tiên lễ Vu lan được tổ chức tại bệnh viện dã chiến nên việc tổ chức lễ cũng kỹ càng hơn. Theo Đại đức, việc ghi hình phỏng vấn các nhân vật là bác sĩ, y tá và người thân là do nhóm phóng viên thực hiện, đa phần sử dụng phương tiện video call. Lễ được tổ chức tại bệnh viện dã chiến đơn giản, không lập bàn thờ vì không phải là không gian tâm linh, mọi người cũng không được phép sử dụng điện thoại cá nhân để ghi hình.

Chương trình văn nghệ dành tặng cho các y bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến số 7

Ảnh: T.H.A.V

Tại Bệnh viện dã chiến số 7, lễ Vu lan diễn ra gồm 3 phần. Phần đầu tiên là lễ tâm linh, cầu siêu cho người mất vì Covid-19; có một số tiết mục văn nghệ dành tặng cho các bác sĩ và bệnh nhân F0 đang điều trị tại bệnh viện. Phần thứ 3 là sinh hoạt văn hóa cộng đồng với nghi thức cài hoa hồng, tặng quà cho lực lượng tuyến đầu.
Để lan tỏa về tinh thần hiếu đạo, gắn kết gia đình trong mùa dịch, ban tổ chức ghi hình sẵn một vài phóng sự về tình mẫu tử trong đại dịch nhưng vẫn có kết nối, động viên nhau để vượt qua mùa dịch. Đại đức Thích An Đạt giải thích thêm, việc ghi hình trực tiếp tại bệnh viện dã chiến cũng như tổ chức chương trình văn nghệ phải đảm bảo giãn cách và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch như các chương trình văn nghệ mà nghệ sĩ tổ chức tại các bệnh viện dã chiến trước đó.

Chương trình văn nghệ cổ vũ tinh thần cho đội ngũ y bác sĩ

Ảnh: T.H.A.V

Người dân Uông Bí, Quảng Ninh theo dõi qua kênh trực tuyến 

Ảnh: Chùa Ba Vàng

“Tại bệnh viện dã chiến trong giai đoạn dịch bệnh, một trong những điều khiến người ta khắc khoải trong cuộc sống là sự nhớ thương gia đình. Hàng ngàn lực lượng tuyến đầu đã làm việc nhiều tháng trời không được về nhà, không gặp được người thân. Những người mẹ phải xa con, chồng phải xa vợ, rồi có những cháu nhỏ không được gần cha mẹ, trong đó lực lượng đặc biệt nhất là bác sĩ tuyến đầu tại bệnh viện dã chiến. Chương trình cũng là để động viên tinh thần cho bác sĩ”, Đại đức chia sẻ.
Trong khi đó, đầu cầu là chùa Thiên An (ở P.Bình Định, TX.An Nhơn, Bình Định) đã tổ chức 1 điểm thiết trí nội bộ để thuyết giảng, nối kết với Ban tổ chức chương trình để livestream trực tuyến.
Theo Đại Đức Thích Đồng Thành, trụ trì chùa Thiên An, do TX.An Nhơn đang thực hiện giãn cách xã hội, nhà chùa đóng cửa và chỉ sinh hoạt nội bộ nên các hoạt động trong dịp lễ Vu lan tại chùa không diễn ra như mọi năm, chỉ thực hiện các hoạt động từ thiện như phát gạo và rau củ quả cho bà con.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.