Vụ lập khống 57 hồ sơ án dân sự: Kỷ luật nhẹ vì 'không gây hậu quả'?

18/06/2021 06:35 GMT+7

Sáng 17.6, tại cuộc họp báo của UBND tỉnh Đắk Nông, ông Ngô Đức Thọ, Chánh án TAND tỉnh Đắk Nông, thông tin nội dung và quá trình xử lý đối với các công chức có sai phạm xảy ra ở TAND H.Đắk Song năm 2016.

Đây là vụ việc thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt sau khi cơ quan chức năng thi hành kỷ luật 3 nguyên cán bộ tòa án H.Đắk Song liên quan với hình thức khiển trách. Sau kỷ luật, những cán bộ hiện vẫn đang giữ những vị trí quan trọng trong ngành tòa án địa phương. Nhiều ý kiến cho rằng mức kỷ luật này quá nhẹ, bởi hành vi làm khống hàng chục hồ sơ vụ án ở ngay cơ quan tòa án thì dù với bất cứ mục đích gì cũng phải xử lý thật nghiêm để giữ niềm tin công chúng về ngành “bảo vệ sự thật, bảo vệ công lý”.

Lập khống hồ sơ nhằm đủ điều kiện tái bổ nhiệm thẩm phán

Trao đổi tại buổi họp báo, ông Ngô Đức Thọ nhận trách nhiệm về vụ việc cán bộ ở TAND tỉnh H.Đắk Song (Đắk Nông) lập khống 57 bộ hồ sơ án dân sự.
“Với tư cách là Chánh án TAND tỉnh Đắk Nông, tôi đã nhận trách nhiệm. Sau khi có kết luận của thanh tra TAND tối cao, Ban Cán sự Đảng TAND tỉnh đã họp và có báo cáo kiểm điểm gửi Ban Cán sự Đảng TAND tối cao. Cá nhân tôi cũng đã có bản kiểm điểm nghiêm túc trước Ban Cán sự Đảng TAND tỉnh và gửi toàn bộ các báo cáo, bản kiểm điểm đến TAND tối cao.Các bản kiểm điểm này đã được chấp nhận, không bị yêu cầu kiểm điểm lại”, ông Thọ nói và nhấn mạnh với tư cách là người đứng đầu ông phải chịu trách nhiệm đối với việc làm vi phạm của cấp dưới do mình quản lý vì “chưa làm tốt công tác giáo dục tư tưởng chính trị, giáo dục đạo đức, phẩm chất, bản lĩnh nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị đối với thẩm phán, dẫn đến việc thẩm phán có suy nghĩ lệch lạc, đối phó để rồi lập khống hồ sơ để nâng tỷ lệ giải quyết vụ án, giảm tỷ lệ án hủy để đủ điều kiện tái bổ nhiệm thẩm phán”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về vi phạm của những người trong vụ việc này có dấu hiệu vi phạm hình sự hay không, ông Thọ cho rằng bản thân ông không dám kết luận. Việc kết luận có vi phạm pháp luật hình sự hay không thuộc trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, mà cụ thể là Cơ quan điều tra của Viện KSND tối cao. Tuy nhiên, ông Thọ nói với quan điểm cá nhân thì vụ việc “không đủ yếu tố để cấu thành tội làm sai lệch hồ sơ vụ án theo quy định điều 375 bộ luật Hình sự năm 2019” và hành vi của thẩm phán làm khống hồ sơ là “không thêm, không bớt mà là làm khống, không gây hậu quả”.
Vụ lập khống 57 hồ sơ án dân sự: Kỷ luật nhẹ vì 'không gây hậu quả'?1

Ông Ngô Đức Thọ, Chánh án TAND tỉnh Đắk Nông, thông tin tại buổi họp báo

ẢNH: THANH QUÂN

Nhiều người tham gia giải quyết án khống

Theo ông Thọ, người trực tiếp làm khống các hồ sơ án là bà Bùi Thị Dung, thẩm phán TAND H.Đắk Song. Đầu năm 2016, nhận thấy tỷ lệ án hủy trong nhiệm kỳ cao hơn mức quy định (1,16%), bà Dung đã nhờ một số người và tự nộp nhiều đơn khởi kiện không có bị đơn và tranh chấp trên thực tế tại TAND H.Đắk Song. Bà Dung tự bỏ tiền tạm ứng án phí, sau đó báo cáo lãnh đạo xin được xét xử nhiều án để nâng cao tỷ lệ xét xử, giảm tỷ lệ án hủy nhằm đủ điều kiện tái bổ nhiệm thẩm phán sơ cấp. Các hồ sơ này đã được TAND H.Đắk Song thụ lý (57 hồ sơ) và giao cho một số thẩm phán, thư ký giải quyết theo hướng đình chỉ do đương sự rút đơn khởi kiện.
Sau khi biết thông tin, TAND tỉnh Đắk Nông đã yêu cầu Chánh án TAND H.Đắk Song báo cáo sự việc. Đến ngày 12.12.2016, Chánh án TAND tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định hủy kết quả thi đua đối với TAND H.Đắk Song, danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở và hạ mức đánh giá cán bộ công chức đối với ông Phạm Văn Phiếm (lúc này là Chánh án TAND H.Đắk Song). TAND tỉnh Đắk Nông cũng đã chủ động trao đổi, phối hợp với lãnh đạo Viện KSND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để làm rõ và đã có báo cáo, kết luận về vụ việc.
Đến ngày 6.6.2017, TAND tỉnh Đắk Nông có Kết luận số 183/KL-TA về sai phạm của công chức. Sau khi đánh giá tính chất, mức độ, hậu quả, thái độ, vai trò, trách nhiệm, hành vi vi phạm của các cá nhân, TAND tỉnh kết luận “không xử lý kỷ luật” đối với ông Phạm Văn Phiếm và công chức liên quan mà kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm tại cơ quan, đơn vị.
Ngày 31.7.2020, tại Kết luận thanh tra số 253, TAND tối cao nhận định: “Các hành vi vi phạm của công chức, thẩm phán TAND H.Đắk Song đã xảy ra từ lâu (2016); vụ việc đã được Đoàn kiểm tra liên ngành Viện KSND và TAND tỉnh Đắk Nông kiểm tra, xác minh, kết luận vi phạm. Sau khi phát hiện vi phạm, Chánh án TAND tỉnh Đắk Nông đã tiến hành kiểm tra, xác minh, kết luận về sai phạm của công chức, thẩm phán có liên quan. Các sai phạm nêu trên không có vụ lợi về vật chất, chưa gây thiệt hại về kinh tế cho tổ chức, cá nhân và nhà nước. TAND H.Đắk Song đã tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm trước cơ quan, đơn vị, một số công chức, thẩm phán có vi phạm đã nghỉ việc”.
Ngày 15.10.2020, Chánh án TAND tối cao có quyết định điều động ông Phạm Văn Phiếm về làm Chánh án TAND H.Tuy Đức. Chánh án TAND tỉnh cũng ra quyết định điều động bà Nguyễn Thị Hải Âu (Phó chánh án TAND H.Đắk Song) về làm Phó chánh án TAND H.Krông Nô kể từ ngày 1.10.2020. Ông Phạm Xuân Hoàng, thẩm phán sơ cấp TAND H.Đắk Song, cũng được điều động về công tác tại TAND H.Krông Nô. Ông Nguyễn Xuân Triệu, thẩm phán sơ cấp TAND H.Đắk Song, được điều về TAND H.Tuy Đức kể từ ngày 10.10.2020.
Đến ngày 3.6.2021, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông ban hành quyết định kỷ luật đối với các ông, bà: Phạm Văn Phiếm, Nguyễn Thị Hải Âu và Nguyễn Xuân Triệu bằng hình thức khiển trách.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.