Trao đổi với Thanh Niên sáng 11.6, thầy P.T, một trong những người từng phản ánh sự bất thường trong trong công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi môn sinh học kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, cho biết: “Suốt đêm qua (10.6 - phóng viên), nhiều giáo viên môn sinh học không ngủ được, họ liên tục nhắn tin gọi điện cho nhau, phấn khởi vì Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, các lãnh đạo Đảng đã rất quyết liệt, nhất quán về chủ trương đem lại niềm tin cho xã hội”.
Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 |
độc lập |
Theo thầy P.T, những dấu hiệu bất thường trong kỳ thi tốt nghiệp THPT môn sinh học năm 2021 đã được các giáo viên, giảng viên môn sinh học phát hiện từ rất sớm và có phản ánh tới Bộ GD-ĐT nhưng trong thời gian dài, Bộ GD-ĐT dù đã “phát hiện có vấn đề” vẫn không có biện pháp xử lý những người liên quan.
Chính vì thế, từ tháng 11.2021, một nhóm giáo viên, giảng viên, chuyên gia môn sinh học đã có văn bản phản ánh gửi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Uỷ ban Kiểm tra T.Ư cùng nhiều cơ quan có thẩm quyền khác.
Đến tháng 12.2021, trả lời báo chí, Cục An ninh Chính trị nội bộ (Bộ Công an) cho biết đã vào cuộc xác minh và bước đầu xác định có một số dấu hiệu sai phạm.
Khởi tố 2 cựu giáo viên trường ĐHSP Hà Nội trong vụ "đề thi giống nhau bất thường" |
Theo nguồn tin Thanh Niên, văn bản gửi đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ngoài phản ánh bức xúc của dư luận còn kèm theo nhiều bằng chứng. Trong đó nêu rõ, ngày 7.7.2021, trước ngày thi môn sinh học của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, ông Phan Khắc Nghệ, giáo viên và là Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Tĩnh, dạy luyện thi đã phát trên mạng xã hội video dạy và chữa các câu hỏi môn sinh học cho hơn 4.000 học sinh. Video này có các câu hỏi trùng tới 97,5% số câu hỏi trong đề thi chính thức của môn sinh học tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Video này đã được một giảng viên môn sinh học gửi cho lãnh đạo Bộ GD-ĐT khi đó. Đầu tháng 8.2021, Bộ GD-ĐT lập tổ công tác liên ngành xác minh. Sau 5 ngày làm việc nhận thấy, “phần mềm không rút câu hỏi một cách ngẫu nhiên như quy chế thi của Bộ GD-ĐT quy định mà chọn đề đã ra sẵn. Đây chính là một nguyên nhân chính dẫn đến làm lộ đề thị.
Điều đặc biệt nữa là tổ hợp đề gồm 20 đề thi được máy tính chọn ra thì có 4 đề đầu tiên được chọn làm đề thi tốt nghiệp năm 2021 là trùng với đề mà ông Phan Khắc Nghệ dạy cho học sinh, với sự trùng lắp lên tới 97,5%.
16 đề gốc không được chọn ra cho kỳ thi, thì không có đề nào trùng với nội dung câu hỏi mà ông Nghệ đã dạy học sinh.
Chính vì thế, nhóm giáo viên, giảng viên, chuyên gia môn sinh học đặt ra nghi vấn có sự móc nối giữa người ra đề thi và người dạy ôn luyện cho học sinh. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các em học sinh, gây mất công bằng trong xã hội và chất lượng nhân lực cho cả đất nước.
Như Thanh Niên phản ánh, tối 10.6, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Bộ GD-ĐT, đồng thời khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Phạm Thị My (59 tuổi), nguyên giáo viên Trường đại học Sư phạm Hà Nội; khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cứ trú đối với ông Bùi Văn Sâm (73 tuổi), nguyên giáo viên Trường đại học Sư phạm Hà Nội, cùng để điều tra về tội danh nêu trên.
Theo nguồn tin Thanh Niên, bà Phạm Thị My là Tổ trưởng tổ ra đề thi môn sinh học và ông Bùi Văn Sâm là tổ phó.
Bình luận (0)