Thành lập như Mái ấm Hoa Hồng, phải đáp ứng những tiêu chí nào?

10/09/2024 04:00 GMT+7

Báo Thanh Niên vừa đăng loạt bài điều tra 'Tội ác trong một mái ấm' (TP.HCM) xảy ra bạo hành trẻ và trục lợi, vậy để thành lập như Cơ sở bảo trợ xã hội Mái ấm Hoa Hồng phải đáp ứng tiêu chí khắt khe nào?

Hôm 7.9, tại họp báo Chính phủ, thông tin về Mái ấm Hoa Hồng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Văn Hồi cho rằng: "Vụ việc bước đầu xác định là vụ việc bạo lực, bạo hành trẻ em và có yếu tố liên quan đến lợi dụng từ thiện, nhân đạo".

[VIDEO ĐIỀU TRA] Bóng tối sau mái ấm tình thương - Kỳ 1: Nỗi bất hạnh của trẻ sơ sinh

Cũng theo ông Hồi, đây không phải là cơ sở tự phát mà đã được Q.12 cấp phép hoạt động. Khi vụ việc xảy ra, cơ sở này đang chăm sóc 86 cháu, vượt số lượng được cấp phép (chỉ được cấp phép 39 cháu). Sở LĐ-TB-XH TP.HCM và Q.12 đã đưa các cháu vào 3 cơ sở bảo trợ xã hội công lập để đảm bảo chăm sóc.

Với 2 cháu có gia đình đã được đưa về gia đình. Với Mái ấm Hoa Hồng, Thứ trưởng Hồi cho hay, hiện đã bị thu hồi giấy phép và 2 nhân viên của cơ sở này đã bị khởi tố, bắt tạm giam.

Thành lập như Mái ấm Hoa Hồng, phải đáp ứng những tiêu chí nào?- Ảnh 1.

Trẻ còn quá nhỏ nhưng bảo mẫu ở Mái ấm Hoa Hồng lại dùng 1 tay để xách các bé

ẢNH: UYỂN NHI - TRẦN DUY KHÁNH

Trao đổi với PV Thanh Niên về quy định pháp luật nêu trên, TS Trần Thanh Thảo, Đại học Luật TP.HCM, phân tích theo Nghị định 103 năm 2017 của Chính phủ và Thông tư 33 năm 2017 của Bộ LĐ-TB-XH thì mái ấm tình thương cho trẻ mồ côi được coi là cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Việc thành lập cơ sở này bao gồm cả cơ sở công lập và ngoài công lập, phải đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực.

Thứ nhất, về điều kiện cơ sở vật chất, tại điều 24 Nghị định 103 năm 2017 quy định, diện tích đất tự nhiên bình quân 30 m2/đối tượng ở khu vực nông thôn, 10 m2/đối tượng ở khu vực thành thị. Diện tích phòng ở của đối tượng bình quân tối thiểu 6 m2/đối tượng. Đối với đối tượng phải chăm sóc 24/24 giờ một ngày, diện tích phòng ở bình quân tối thiểu 8 m2/đối tượng. Phòng ở phải được trang bị đồ dùng cần thiết phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của đối tượng.

Cơ sở phải có khu nhà ở, khu nhà bếp, khu làm việc của cán bộ nhân viên, khu vui chơi giải trí, hệ thống cấp, thoát nước, điện, đường đi nội bộ; khu sản xuất và lao động trị liệu (nếu có điều kiện); các công trình, các trang thiết bị phải bảo đảm cho trẻ em có thể tiếp cận và sử dụng thuận tiện.

[VIDEO ĐIỀU TRA] Bóng tối trong mái ấm tình thương – Kỳ 2: Hành hạ không thương tiếc

Thứ hai, điều kiện về cơ sở nhân lực, tại điều 5 Thông tư 33 năm 2017 quy định, 1 nhân viên chăm sóc phụ trách 1 trẻ em dưới 18 tháng tuổi, tối đa 6 trẻ em bình thường từ 18 tháng tuổi đến dưới 6 tuổi, hoặc tối đa 10 trẻ em bình thường từ 6 tuổi đến dưới 16 tuổi. Chăm sóc tối đa 4 trẻ em khuyết tật, hoặc tâm thần hoặc nhiễm HIV/AIDS từ 18 tháng tuổi đến dưới 6 tuổi. Chăm sóc tối đa 5 trẻ em khuyết tật, hoặc tâm thần, hoặc nhiễm HIV/AIDS từ 6 tuổi đến dưới 16 tuổi.

Ngoài ra, theo luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang, Giám đốc Công ty luật TNHH MTV Viên An, cho rằng đối với người đứng đầu mái ấm và nhân viên trợ giúp xã hội còn phải đảm bảo các tiêu chuẩn: có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có phẩm chất đạo đức tốt, không mắc tệ nạn xã hội và không thuộc đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự, hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích.

Riêng đối với nhân viên còn phải đáp ứng thêm tiêu chí đảm bảo đầy đủ sức khỏe; có kỹ năng để trợ giúp xã hội đối tượng. Đội ngũ nhân viên trợ giúp xã hội bảo đảm đủ về số lượng, trình độ chuyên môn đạt tiêu chuẩn phù hợp để thực hiện các nhiệm vụ của cơ sở (điều 25 và 26 Nghị định số 103 năm 2017).

[VIDEO ĐIỀU TRA] Bóng tối trong mái ấm tình thương – Kỳ 3: Tuổi thơ bị ‘đầu độc’

TS - luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh, nguyên thẩm phán TAND tối cao, phân tích thêm, cơ sở trợ giúp xã hội công lập là do cơ quan nhà nước thành lập, quản lý, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ của cơ sở trợ giúp xã hội.

Cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập, là do các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ của cơ sở trợ giúp xã hội.

"Cơ sở trợ giúp xã hội dù là công lập hay ngoài công lập, để được thành lập, tổ chức và hoạt động đều phải chịu sự quản lý của Nhà nước và phải có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng", TS Kim Vinh phân tích.

Cũng theo TS Kim Vinh, điều 39 của Nghị định 103 năm 2017 quy định các hành vi của cơ sở trợ giúp xã hội bị coi là vi phạm pháp luật là: đánh đập, nhốt, trói, không cho ăn, uống hoặc ngủ, ngừng chăm sóc y tế; đe dọa hoặc mắng nhiếc, xúc phạm đối tượng bằng những từ ngữ thiếu lịch sự, thô tục…

Khi mái ấm có những hành vi vi phạm trên thì sẽ bị thu hồi chứng nhận đăng ký hoạt động theo Nghị định 103 năm 2017.

[VIDEO ĐIỀU TRA] Bóng tối trong mái ấm tình thương – Kỳ 4: Nhẫn tâm trục lợi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.