Mẹ bạo hành con ruột
Trong thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến những hành vi bạo hành trẻ em khiến pháp luật phải can thiệp. Những người bạo hành trẻ em cũng chính là cha mẹ ruột của trẻ. Điều này đặt ra nhiều vấn đề về những áp lực cuộc sống mà phụ huynh phải ứng xử với chính con ruột của mình.
Cụ thể, ngày 21.11, Bệnh viện Q.12, TP.HCM tiếp nhận bé L.C nhập viện trong tình trạng rối loạn tri giác, mất phản xạ ánh sáng. Sau đó, bệnh nhi được Bệnh viện Q.12 chẩn đoán chấn thương sọ não, cho thở ô xy và chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2. Lúc này bệnh nhi đã hôn mê, đồng tử giãn. Người nhà cho biết bé bị té cầu thang dẫn đến bầm mắt và ói.
|
Qua thăm khám, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 ghi nhận bệnh nhi có nhiều vết thương tụ máu khắp cơ thể. Các kết quả khám, chẩn đoán hình ảnh ghi nhận bệnh nhi bị chấn thương sọ não, xuất huyết não, dập lách…, tiên lượng bệnh nhi trong tình trạng nặng.
Từ phản ánh của bệnh viện, Công an Q.1 đã phối hợp với Công an Q.12 vào cuộc xác minh và mời những người liên quan làm việc. Tại Cơ quan công an, T.T.D (mẹ của bé L.C) khai nhận đang sống cùng 4 người con trong căn phòng trọ tại P.Tân Chánh Hiệp (Q.12). Trong những ngày trước đó có đánh, làm đứa con 3 tuổi của mình bị thương. Khi thấy bé nôn ói, hôn mê, D. đưa con vào bệnh viện cấp cứu. Nguyên nhân đánh bé là do D. có 4 người con (không có chồng chính thức) thường xuyên bị áp lực kinh tế, cuộc sống.
Vì sao mẹ đơn thân bạo hành con mình?
Chuyên gia tâm lý Đặng Hoàng An cho rằng xã hội hiện nay nhiều người đang chịu rất nhiều áp lực. Từ chuyện cơm áo gạo tiền, áp lực trong công việc và nhiều vấn đề phát sinh làm cho tâm lý của con người ít nhiều bị ảnh hưởng. Do đó, có nhiều nguyên nhân tác động và điều mà chúng ta dễ nhận thấy khi con người quá tức giận về điều gì đó thì cơ chế hưng phấn - ức chế của hệ thần kinh có sự thay đổi khiến chúng ta khó kiểm soát lời nói, cảm xúc cho đến hành vi của mình.
Chuyện cha mẹ không quản lý tốt cảm xúc và không biết cách tiết chế hành vi của mình thì rất dễ dẫn đến bạo hành. Song song, vẫn còn tồn tại một bộ phận nhất định các ông bố bà mẹ tự trao cho mình cái quyền dạy dỗ, trách phạt khi con sai phạm hay không vâng lời. Bạo hành từ lời nói đến hành động được lặp đi lặp lại như một thói quen. Xét ở một góc độ nào đó khi mâu thuẫn gia đình được đẩy lên đỉnh điểm mà không có phương án giải quyết ổn thỏa thì có một số trường hợp lựa chọn tác động lên đối tượng thứ ba là con cái. Trong khi đó, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương, chưa đủ sức lực và kỹ năng để ứng phó trước những tình huống bạo hành gia đình. Thế nên các bé rất dễ trở thành đối tượng bị bạo hành.
|
Chuyên gia An cũng nói thêm, đã gọi là bạo hành thì dù bằng hình thức thông qua lời nói hay hành động đều để lại những ảnh hưởng nặng nề ở các em cả về sức khỏe lẫn tinh thần. Trước vấn nạn này đòi hỏi cha mẹ phải giữ cho mình “cái đầu lạnh” để luôn làm chủ chính mình và sáng suốt trong mọi vấn đề. Biết đâu là việc nên và không nên làm đối với trẻ. Đồng thời, cha mẹ giữ cho mình “trái tim nóng” để biết đặt mình vào hoàn cảnh của con trẻ. Cha mẹ nên dành thời gian chăm sóc dạy dỗ làm bạn đồng hành cùng con bởi suy cho cùng, con cái là đối tượng cần được yêu thương.
“Để giảm thiểu và ngăn chặn những vụ việc bạo hành trẻ em đòi hỏi cần phải kết hợp đồng bộ với nhiều giải pháp, song lấy phòng ngừa là chính. Dưới góc độ cá nhân, tôi thấy giải pháp được xem căn cơ nhất dành cho các mẹ đơn thân là dù trong hoàn cảnh thế nào thì cũng không nên mang những u uất, áp lực, căng thẳng tâm lý trút lên đứa trẻ. Bởi con trẻ sống thiếu tình thương đã là thiệt thòi rất lớn nên có gì đi nữa mẹ đơn thân phải thật sự bình tĩnh để tránh làm tổn thương đến trẻ”, chuyên gia này nói thêm.
Cũng theo ông An, mục đích cốt lõi của giáo dục từ phía gia đình là giúp trẻ nhận ra những thiếu sót, uốn nắn để giúp chúng dần hoàn thiện về mặt nhân cách. Việc giáo dục con bằng những bạo hành là hoàn toàn sai phạm, phụ huynh cần tránh. Một lưu ý dành cho các mẹ đơn thân là khi gặp phải bất kỳ mâu thuẫn, căng thẳng nào nên tìm cách hóa giải, tránh dồn nén cảm xúc quá lâu...
Bình luận (0)