Vụ 'mua bán logo xe vua': Liệu có sự thay đổi về 'thân phận' 78 CSGT, TTGT ?

20/05/2022 09:45 GMT+7

Đây là vụ án 'mua bán logo xe vua' từng gây xôn xao dư luận từ năm 2015, khi vụ án có người môi giới và đưa hối lộ. Nhưng khi các bị cáo khai về người nhận hối lộ là 80 CSGT, thanh tra giao thông (TTGT) thì cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng không có chứng cứ vật chất nên không xử lý.

Sáng nay (20.5), TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm lần 2 vụ án mua bán “logo xe vua” đối với bị cáo Nguyễn Cảnh Chân (47 tuổi, nguyên cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai) và 9 bị cáo khác về tội “môi giới hối lộ”, “đưa hối lộ”.

Các bị cáo tại phiên tòa

phan thương

Trong đó bị cáo Nguyễn Cảnh Chân bị Viện KSND tối cao truy tố về tội “môi giới hối lộ”.

9 bị cáo còn lại: Nguyễn Văn Thới (44 tuổi), Trần Quốc Thái (49 tuổi), Lê Thị Cẩm Vân (38 tuổi) cùng 6 đồng phạm bị Viện KSND tối cao truy tố về tội “đưa hối lộ”.

Vụ án từng gây bức xúc dư luận khi có người môi giới, đưa hối lộ nhưng cơ quan tiến hành tố tụng không xác định được người nhận hối lộ. Trong khi đó, Nguyễn Văn Thới, Lê Thị Cẩm Vân và các đồng phạm khác trong vụ án khai đưa hối lộ cho 80 cán bộ CSGT, thanh tra giao thông (TTGT) tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương để cán bộ CSGT bỏ qua lỗi xe quá tải của các tài xế mua logo.

Trước đó, ngày 4.10.2018, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm lần 1 tuyên phạt bị cáo Nguyễn Cảnh Chân 8 năm tù về tội “môi giới hối lộ”. Bị cáo Nguyễn Văn Thới 14 năm tù và Lê Thị Cẩm Vân 9 năm tù cùng về tội “đưa hối lộ”. 7 bị cáo đồng phạm bị tuyên 1 năm 6 tháng 23 ngày tù (bằng thời gian tạm giam) dến 10 năm tù.

Vì sao có tên hàng chục cán bộ CSGT, TTGT nhận hối lộ nhưng không truy cứu trách nhiệm hình sự ?

Năm 2019, TAND cấp cao tại TP.HCM hủy bản án sơ thẩm lần 1 vì cho rằng có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Bởi cáo trạng của Viện KSND tối cao nêu đích danh tên 80 cán bộ CSGT, TTGT nhận hối lộ, cụ thể địa điểm nhận hối lộ. Song những người bị nêu tên trong cáo trạng lại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ là không điều tra một cách triệt để vụ án...

Song khi điều tra bổ sung lại, kết luận điều tra và cáo trạng tiếp tục nhận định: kết quả xác minh lại đối với 78 cán bộ CSGT, TTGT (một người đã mất, một người đang bị truy nã về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản), cho thấy lời khai của các bị can phù hợp với nhau về các khoản tiền đưa hối lộ cho một số cán bộ CSGT, TTGT; tài liệu sổ sách ghi lại tiền đưa hối lộ; qua kiểm tra điện thoại thu giữ của các bị can có những số điện thoại các bị can khai là của CSGT, TTGT, và trùng với số điện thoại Cơ quan CSĐT xác minh, thu thập tại đơn vị công tác của các cán bộ liên quan. Điều đó thể hiện lời khai của các bị can về mối quan hệ, đưa tiền hối lộ cho CSGT, TTGT là có căn cứ.

Nhưng, Cơ quan CSĐT Bộ Công an nêu tất cả là tài liệu một phía, không có chứng cứ vật chất và không có tài liệu khác chứng minh. Trong khi tất cả cán bộ CSGT, TTGT đều không thừa nhận đã nhận tiền hối lộ để bảo kê xe quá tải. Vì vậy, Cơ quan CSĐT chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự về hành vi nhận hối lộ của cán bộ CSGT, TTGT liên quan.

Cụ thể, Cơ quan CSĐT đã làm việc với 60 CSGT, trong đó chỉ có 7 cán bộ thừa nhận có biết một trong hai bị can Vân và Thới, nhưng khẳng định không nhận tiền, không giúp Vân, Thới bảo kê xe quá tải. 53 cán bộ CSGT còn lại trình bày không quen biết Vân, Thới; không có hành vi nhận tiền để bảo kê xe quá tải.

Cơ quan CSĐT cũng cho các bị can nhận dạng 60 CSGT trên, chỉ có bị can Trần Quốc Thái nhận ra ảnh của 3 cán bộ, do bị can trực tiếp gặp đưa tiền nhiều lần để họ bảo kê xe quá tải mua logo của Thới. Còn Vân nhận ra ảnh của 6 cán bộ CSGT nhận tiền của Vân để họ bảo kê xe quá tải mua logo của Vân; kết quả đối chất với những cán bộ CSGT được nhận dạng qua bản ảnh, những cán bộ này thừa nhận biết Thới và Vân nhưng khẳng định không nhận tiền.

Đối với lực lượng TTGT, qua làm việc, có 2/18 cán bộ thừa nhận có quen biết Thới và Vân nhưng khẳng định không nhận tiền để “bảo kê” xe quá tải. Còn lại 16 TTGT khẳng định không quen biết và không có quan hệ gì với Vân, Thới.

Về kết quả nhận dạng thể hiện, Thới, Vân và đồng phạm chỉ nhận ra một vài TTGT do từng gặp nhiều lần. Tuy nhiên, khi tham gia đối chất, những TTGT liên quan đều khẳng định không nhận tiền.

Đây là vụ mua bán “logo xe vua” cho khoảng 15.000 lượt ô tô trên một số tuyến đường thuộc TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai được Bộ Công an triệt phá vào năm 2015.

Chi hơn 5,5 tỉ đồng hối lộ CSGT, TTGT

Theo kết luận điều tra, từ tháng 1.2014 đến tháng 8.2015, Thới và Thái tổ chức in logo có số “68” và chữ “Garage Thành Đô”, bán cho chủ xe, tài xế với giá 2,5 - 3 triệu đồng/logo, làm mật hiệu nhận biết khi bị TTGT, CSGT kiểm tra. Cơ quan điều tra xác định Thới và đồng phạm đã bán được khoảng 15.000 logo. Trừ chi phí đưa hối lộ cho CSGT và TTGT là gần 5 tỉ đồng và chi phí khác, Thới thu lợi bất chính hơn 1,3 tỉ đồng. Trong đó, Thới đưa cho Nguyễn Cảnh Chân (nguyên cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai) 1,2 tỉ đồng, thông qua số tài khoản của vợ Chân.

Đối với đường dây do Lê Thị Cẩm Vân cầm đầu, Vân in logo “Xe chở hàng” và hình “ông mặt trời” hoặc “ngôi sao” bán với giá 2,2 - 2,3 triệu đồng/logo/tháng. Vân khai chi cho lực lượng CSGT, TTGT hơn 576 triệu đồng/tháng. Nhưng căn cứ vào lời khai nhận tội của Vân và một số lời khai của bị can khác, xác định Vân chỉ đưa hối lộ từ tháng 6 - 8.2015, với tổng số tiền 627 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản đưa hối lộ, chung chi, Vân thu lợi từ việc bán "logo xe vua"gần 1,6 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.