Lúc 11 giờ 30 ngày 17.4, thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) dùng giải ngộ độc vi khuẩn Clostridium Botulinum nghi do dùng pate chay bị hư đã về đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).
Theo thông tin PV Thanh Niên có được, Bộ Y tế cấp phép cho Bệnh viện Chợ Rẫy được mua 30 lọ BAT.
Trong hôm nay (17.4), 6 lọ thuốc đã được công ty nhập khẩu thuốc nhập về, bao gồm 1 lọ tặng cho bệnh viện để cứu người. Việc sử dụng số thuốc này như thế nào sẽ thực hiện theo quỵ định của Bộ Y tế.
Theo công ty nhập khẩu, thuốc BAT về lần này mỗi lọ là 50 ml, có giá hơn 6.000 USD/lọ.
|
6 người ngộ độc sau bữa ăn chay
Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 20.3, hai chị em bà C.N.H. (53 tuổi) và C.N.M. (42 tuổi, đều ngụ Bình Dương) đến Miếu Chiêu Liêu (Khu dân cư Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) do cha 2 bà làm chủ trì, để nấu đồ chay ăn trưa, gồm: Bún riêu, cơm, khổ qua kho, đậu hủ kho, cà chua, chè thập cẩm, trà tắc...
Bữa trưa vào khoảng 11 giờ 30 ngày 20.3, có khoảng từ 25 - 30 người là phật tử đang sinh hoạt tại miếu, ăn. Sau khi dùng bữa trưa, từ ngày 21 đến 25.3 có 6 người nhập viện (trong đó, 1 người nhập Bệnh vện Nhi đồng 2, 1 người nhập Bệnh viện Chợ Rẫy và 4 người nhập Bệnh viện Nhân dân 115). Tất cả đều có biểu hiện nhược cơ, suy tuần hoàn, suy hô hấp… và được thở máy.
Trong số 6 bệnh nhân, riêng bà C.M.N. (được nhập viện Bệnh viện Chợ Rẫy) tử vong thì 3 trong số 5 người đang điều trị được tiêm thuốc giải BAT (do Bệnh viện Bạch Mai đưa vào), sức cơ cải thiện. Còn 2 người phải thay huyết tương nhiều lần vì hết thuốc giải.
|
Qua điều tra ban đầu của các cơ quan chức năng Bình Dương, bà C.N.H. và bà C.N.M. là người trực tiếp mua nguyên liệu và chế biến các món ăn trên. Theo Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Bình Dương, hiện bà H. đang nguy kịch và bà M. đã tử vong nên không xác định chính xác nguyên liệu đã mua và nơi mua. Có người cũng có dùng bữa trưa hôm đó và sức khỏe bình thường…
Trong một diễn biến liên quan, ngày 17.4, tin từ Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết trong 4 bệnh nhân hiện đang nằm viện tại Bệnh viện Nhân dân 115 nghi ngộ độc pate chay thì có một ca (đã được tiêm BAT) đang đã bỏ máy thở, được theo dõi sát. Hai ca đang giảm thông số máy thở, cho tập tự thở ngắt quảng. Riêng bệnh nhân C.M.H còn rất nặng, phải thở máy.
Trong khi đó, sau khi được tiêm thuốc BAT, ca bệnh nghi ngộ độc nghi do ăn pate chay, hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2, sức khỏe đã có tiến triển mặc dù hiện vẫn phải thở máy.
Bình luận (0)