Vụ nhận hối lộ tại Cục Lãnh sự: Bộ GTVT nói gì về yêu cầu cung cấp thông tin bay 'giải cứu'?

19/02/2022 19:47 GMT+7

Bộ GTVT khẳng định không được giao trách nhiệm trong việc đánh giá, tổng hợp nhu cầu, phê duyệt danh sách công dân, cấp phép cho các doanh nghiệp tổ chức các chuyến bay "giải cứu", chuyến bay “combo”.

Liên quan đến thông tin Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an gửi công văn đề nghị Bộ GTVT cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công tác điều tra vụ án nhận hối lộ tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), Bộ GTVT vừa có thông tin ban đầu.

Bộ GTVT cho biết không được giao trách nhiệm phê duyệt danh sách công dân hay cấp phép cho các doanh nghiệp thực hiện các chuyến bay "giải cứu", bay "combo"

đậu tiến đạt

Theo Bộ GTVT, ngay sau khi nhận được đề nghị của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, Bộ GTVT đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương tổng hợp và báo cáo các thông tin, tài liệu.

Trước đó, thực hiện chủ trương nhân đạo của Đảng, Nhà nước về tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có nhu cầu về nước trong bối cảnh đại dịch Covid-19, theo phân công nhiệm vụ của Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Bộ GTVT đã phối hợp rất tích cực với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng trong công tác bảo hộ công dân.

Bộ GTVT với vai trò là cơ quan phối hợp, chịu trách nhiệm chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam triển khai phép bay, kế hoạch phục vụ bay cho các chuyến bay.

“Kế hoạch giải cứu công dân được Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao phê duyệt trên cơ sở ý kiến thống nhất của các bộ, ngành liên quan. Đây là quy trình bắt buộc theo pháp luật về hàng không và thông lệ quốc tế đối với tất cả các chuyến bay. Bên cạnh đó, Cục Hàng không chịu trách nhiệm thông báo, hướng dẫn các hãng hàng không, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu trong và ngoài nước và doanh nghiệp khai thác cảng hàng không triển khai thực hiện kế hoạch bay cũng như các quy định phòng, chống dịch Covid-19 trên các chuyến bay và tại các cảng hàng không tiếp nhận chuyến bay”, thông cáo của Bộ GTVT nêu.

Cũng theo bộ này, Bộ GTVT không được giao trách nhiệm trong việc đánh giá, tổng hợp nhu cầu, phê duyệt danh sách công dân, cấp phép cho các doanh nghiệp tổ chức các chuyến bay "giải cứu", chuyến bay “combo”. Ngành giao thông trên tinh thần phối hợp trách nhiệm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để tổ chức các chuyến bay một cách sớm nhất nhằm đáp ứng mong mỏi và nguyện vọng được về nước của bà con.

Trong văn bản gửi Bộ GTVT ngày 17.2, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị cung cấp tài liệu làm rõ chủ trương tổ chức các chuyến bay "giải cứu" (không trả phí) và chuyến bay "combo" (có trả phí) đưa công dân Việt Nam về nước bắt đầu từ thời điểm nào.

Căn cứ tiêu chí, cơ sở nào để Bộ GTVT xét, duyệt cấp chuyến bay và các quy trình, thủ tục xử lý việc xét duyệt cho hãng hàng không bay "combo", "giải cứu" như thế nào.

Đây là động thái mới để phục vụ điều tra vụ án bắt giữ Cục trưởng Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao và nhiều thuộc cấp về hành vi "nhận hối lộ" vừa qua.

Cơ quan An ninh điều tra còn đề nghị các cơ quan thuộc Bộ GTVT cung cấp danh sách chi tiết hãng hàng không, chuyến bay (thời gian, số hiệu máy bay, sân bay cất, hạ cánh) và các doanh nghiệp đã được Bộ GTVT cấp phép triển khai các chuyến bay "giải cứu", "combo". Danh sách công dân đã được đưa từ nước ngoài về trên các chuyến bay "giải cứu" và hợp đồng, chi phí thanh toán của từng chuyến bay cũng được đề nghị làm rõ.

Đáng chú ý, Bộ Công an còn đề nghị cung cấp danh sách cá nhân tại Bộ GTVT được phân công thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, xét duyệt cho hãng hàng không, doanh nghiệp thực hiện các chuyến bay “giải cứu”, “combo”.

Bộ Ngoại giao cho hay, từ năm 2020 đến nay đã triển khai hơn 1.000 chuyến bay và đưa 240.000 công dân Việt Nam từ 60 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.