Vụ Nhật Cường: 'Sao đã làm chuyên án mà vẫn để đối tượng bỏ trốn?'

28/05/2019 20:39 GMT+7

Các đại biểu cho rằng, luật Xuất nhập cảnh cần xử lý được các đối tượng trong các vụ việc nghiêm trọng bỏ trốn như trường hợp Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy, hay ông chủ Công ty Nhật Cường Mobile Bùi Quang Huy mới đây.

Thảo luận tại tổ về dự án luật Xuất nhập cảnh đối với người Việt Nam chiều 28.5, một trong những vấn đề nhiều đại biểu quan tâm là bổ sung, hoàn thiện quy định về đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh tại dự thảo Luật.
Theo đó, dự thảo luật này bổ sung các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh là bị can, bị cáo, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ. Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, quy định này "vừa thừa, vừa thiếu".
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho rằng, vừa qua dư luận rất bức xúc với các trường hợp như Trịnh Xuân Thanh và mới đây nhất ông chủ Công ty Nhật Cường Mobile Bùi Quang Huy, là các đối tượng liên quan tới những vụ việc nghiêm trọng, nhưng vẫn xuất cảnh và trốn đi được, trong khi chiếu theo quy định của dự thảo Luật thì những đối tượng này chưa bị bắt, chưa bị tạm giữ và cũng chưa có đơn tố giác.
[VIDEO] Truy nã “đại gia” Bùi Quang Huy – Tổng giám đốc công ty Nhật Cường
“Tôi cho rằng luật này phải xử lý được những trường hợp mà dư luận quan tâm như vừa qua”, ông Hiển nêu quan điểm, đồng thời cho rằng trong nhiều trường hợp, dù chưa có đơn tố giác nhưng trong quá trình điều tra, xác minh, cơ quan tố tụng làm chính xác thì dù chưa đưa ra bất cứ quyết định tố tụng nào, vẫn cần đưa đối tượng vào diện hạn chế xuất cảnh.
“Về mặt pháp lý, chưa có bất cứ quyết định gì nhưng về mặt thực tế, nếu những trường hợp này không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, không có biện pháp hoãn xuất cảnh, thì chắc chắn đối tượng sẽ trốn, dẫn đến rất nhiều hệ luỵ mà dư luận vô cùng bức xúc”, ông Hiển nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) Ảnh Ngọc Thắng
Ngược lại, theo ông Hiển, quy định trong dự Luật chỉ cần một công dân đưa đơn tố giác, dù chưa xác minh đủ chứng cứ phạm tội, thì đã ngăn người nào đó xuất cảnh, như vậy là không đúng.
“Cơ quan có thẩm quyền phải kết luận rằng tố giác này có căn cứ hay không, lúc đó chúng ta mới áp dụng biện pháp hạn chế xuất cảnh. Nếu quy định như thế này thì rộng quá và thừa”, ông Hiển nói.

Sơ hở to lớn khiến nhà nước mất nhiều tiền của, công sức

Đại biểu Trần Văn Quý (Hưng Yên) cũng cho rằng, cần bổ sung thêm quy định về đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh để xử lý được những trường hợp như vụ Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy, hay ông chủ Công ty Nhật Cường Bùi Quang Huy vừa qua.
“Chúng ta thiếu những chế tài, không có quy định của luật, chưa có quyết định của người có thẩm quyền để giải quyết vấn đề đó trong thực tiễn”, ông Quý nêu.
Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng (đại biểu Bến Tre) cũng nhấn mạnh những đối tượng như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy hay Bùi Quang Huy đã nằm trong các chuyên án, đưa vào trong diện điều tra mà chúng ta lại thả lỏng, thì không chấp nhận được.
“Những trường hợp này khi đã làm chuyên án rồi thì chúng ta phải có trinh sát nội, ngoại tuyến theo dõi, phải dự phòng các trường hợp để cấm xuất cảnh, tại sao vẫn có trường hợp bỏ trốn?”, ông Nhưỡng nêu vấn đề, và kiến nghị: “Tất cả đối tượng liên quan đến các vụ án đang được xem xét, điều tra thì chúng ta phải quy định cấm xuất cảnh, phải đề phòng vì thực tiễn xảy ra nhiều, lại toàn trường hợp đầu to. Có dấu hiệu rồi mà đi ko biết, đây là sơ hở to lớn để nhà nước mất nhiều tiền của, công sức, lại tạo ra dư luận không tin tưởng vào hoạt động của chúng ta”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.