Vụ phúc khảo từ 0 thành 9 điểm: Thí sinh khẳng định không tô sai, tô mờ!

03/08/2019 07:20 GMT+7

Xung quanh vụ phúc khảo từ 0 thành 9 điểm, ông Nguyễn Hữu Tài, Trưởng phòng Khảo thí - Công nghệ thông tin (Sở GD-ĐT Tây Ninh), trả lời với báo chí hôm qua 2.8 rằng có 34 thí sinh (TS) bị điểm 0 thì không có bài thi nào tô sai mã đề thi, tô sai số báo danh hay tô mờ. Còn TS cũng khẳng định không tô sai, tô mờ...

Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện tại, xung quanh vụ phúc khảo từ 0 thành 9 điểm những người có trách nhiệm của Bộ GD-ĐT vẫn cho là lỗi... do TS.
* "Ý kiến" của ông Trần Đức Thuận mà Bộ GD-ĐT gửi cho báo chí là thiếu thuyết phục và không trung thực!

Chưa có nguyên nhân thỏa đáng

Điều đáng nói hơn, ngày 1.8, Bộ GD-ĐT đã gửi cho báo chí “ý kiến” của ông Trần Đức Thuận, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai (trưởng ban phúc khảo), nêu rằng lỗi do kỹ thuật liên quan đến giấy in, chất lượng in phiếu trả lời trắc nghiệm... nên máy quét không nhận dạng được chính xác phiếu trả lời trắc nghiệm; TS tô sai mã đề; TS chọn lại phương án mới nhưng không tẩy hết phương án cũ.
“Ý kiến” này đã bị ông Nguyễn Hữu Tài, Trưởng phòng Khảo thí - Công nghệ thông tin (Sở GD-ĐT Tây Ninh), phản bác mạnh mẽ. Ông Tài trả lời VietNamNet vào sáng 2.8 rằng 3 nguyên nhân mà Bộ GD-ĐT gửi “ý kiến” ông Trần Đức Thuận cho báo chí là thiếu thuyết phục và không trung thực!
Theo ông Tài, trước khi tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Tây Ninh đã gửi cho Ban chấm thi trắc nghiệm 200 phiếu mẫu để kiểm tra và quét thử. Khi Ban chấm thi trắc nghiệm có ý kiến đồng ý với kỹ thuật in và chất lượng phiếu trả lời trắc nghiệm thì Tây Ninh mới đặt in để phục vụ cho kỳ thi (cùng nguồn cung cấp cho Hội đồng thi Hà Nội).
Mặt khác, trong biên bản tổng kết chấm phúc khảo đều không có nội dung nào đề cập đến kỹ thuật in và chất lượng phiếu trả lời trắc nghiệm làm ảnh hưởng đến công tác chấm trắc nghiệm. Hơn nữa, nếu do chất lượng phiếu hay kỹ thuật in sẽ ảnh hưởng đến hàng chục nghìn bài thi chứ không phải chỉ có 34 trường hợp.
Ông Tài cũng thông tin, sau khi chấm phúc khảo, Hội đồng thi có 36 TS được thay đổi điểm ở các môn trắc nghiệm, trong đó có 1 TS do tô sai mã đề thi, 1 TS tô trùng phương án trả lời, xóa không hết. Riêng 34 TS bị điểm 0 thì không có bài thi nào tô sai mã đề thi, tô sai số báo danh hay tô mờ.

Thí sinh khẳng định làm bài cẩn thận

Một số TS và phụ huynh trong diện vụ phúc khảo từ 0 thành 9 điểm cho rằng việc đổ “lỗi do TS” là không đúng và biện minh cho việc làm sai.
TS Nguyễn Thị Thu Thảo nhớ lại lúc tra cứu điểm thi và cảm thấy rất vô lý khi bị 3 điểm 0. TS này nói: “Sau khi làm bài, dò lại đáp án em thấy kết quả rất ổn. Hỏi các bạn trong trường không ai bị như em, em đã nghĩ chắc bài thi có vấn đề gì”. Nói về việc ghi, tô số báo danh và mã đề, Thu Thảo cho biết các cán bộ coi thi đã xuống từng bàn để kiểm dò, “bản thân em cũng tô và kiểm tra rất kỹ nên không thể có sai sót. Bây giờ họ nói em sai là không đúng”.
TS Lê Trương Vũ Hạ nói: “Em biết mình làm bài không tốt lắm nhưng điểm tất cả các môn khác đều đúng như dự tính trước đó, trừ môn tiếng Anh. Đến ngày có kết quả phúc khảo, điểm số 3,6 môn này cũng đúng như những gì em đã dự đoán sau khi làm bài và dò đáp án. Nhưng sau khi bị sốc, em đã bình tĩnh nhớ lại mọi việc. Em đã nghĩ mình không thể bị điểm liệt vì dù có tệ đến đâu em cũng sẽ có câu đúng. Và em đã hy vọng rằng việc chấm thi có gì đó nhầm lẫn. Đặc biệt là ở môn này em dư khá nhiều thời gian nên đã kiểm tra kỹ việc tô số báo danh, mã đề và đáp án”.
Trước ý kiến của Bộ GD-ĐT cho rằng lỗi TS tô sai và tô mờ, TS này khẳng định: “Chắc chắn là đáp án đã dò lại không mờ. Riêng số báo danh thì em đã kiểm tra, cán bộ coi thi cũng nhắc dò lại nên không có chuyện nhầm”.
Lê Thị Hồng Quế cũng đã có suy nghĩ tương tự khi cho rằng dù điểm bài thi có thấp cũng không thể không có điểm nào. Quế nói: “Em đã nghĩ thế, ngay tại thời điểm tra cứu và cố động viên mình không suy nghĩ theo hướng tiêu cực”.
Trước nguyên nhân cho rằng lỗi thuộc về TS, Hồng Quế kiên quyết: “Số báo danh, mã đề thi được kiểm tra kỹ và không thể nhầm. Em đã sử dụng một cây bút chì để tô đáp án, nhưng nếu đáp án có bị tô mờ thì cũng khó có khả năng mờ đáp án cả 50 câu để bài thi bị điểm 0”.

Những giờ phút hoang mang

Nguyễn Thị Thu Thảo (Trường THPT Lê Quý Đôn, Tây Ninh) là một trong số TS bị 3 điểm 0 trong các môn thành phần bài thi khoa học xã hội. Sau phúc khảo, các bài thi này đều tăng mạnh điểm số. Cụ thể, môn địa tăng từ 0 lên 7,5; giáo dục công dân từ 0 lên 8 và môn sử từ 0 lên 5,75 điểm.
Thu Thảo cho biết sau khi tra cứu điểm thi, Thảo tưởng đã là học sinh duy nhất rớt tốt nghiệp và không còn con đường học tập nào mở ra trước mắt vì 3 điểm liệt. “Em đã ngồi khóc, ba mẹ buồn lắm nhưng không la mắng câu nào”, Thảo nhớ lại.
Cũng nằm trong danh sách 34 TS bị điểm 0 của Tây Ninh, Lê Trương Vũ Hạ (Trường THPT Tây Ninh) từng là học sinh duy nhất của ngôi trường này bị điểm liệt môn tiếng Anh và cảm thấy hơi sốc.
Còn Lê Thị Hồng Quế (Trường THPT Quang Trung, Tây Ninh) cho biết đã thực sự hoang mang vì em không tin mình bị điểm 0 môn toán. Toán là môn bắt buộc để xét tốt nghiệp, đồng thời là một trong 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển khối A1 (toán, lý, tiếng Anh) của Quế năm nay. Điểm 0 này đã khiến Quế “không còn nghĩ được điều gì” vì trước mắt không chỉ rớt tốt nghiệp, con đường xét tuyển ĐH cũng không còn nữa.
Vụ phúc khảo từ 0 thành 9 điểm, mọi chuyện đã thay đổi sau phúc khảo, với môn toán tăng từ 0 lên 7,2 điểm, Hồng Quế đã có 21,85 điểm theo tổ hợp khối A1 và đang chờ kết quả xét tuyển từ Trường ĐH Kinh tế TP.HCM.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.