Ngày 22.7, trao đổi với Thanh Niên, đại diện bên khởi kiện là Công ty CP Dịch vụ du lịch Đảo Cát Dứa cho biết, trong lúc doanh nghiệp (DN) này đang làm thủ tục kháng cáo bản án sơ thẩm thì ngày 14.7 vừa qua, bên bị kiện là Thanh tra Sở Xây dựng đã ra văn bản thông báo sẽ tiến hành cưỡng chế phá dỡ công trình của DN.
Đảo Tai Kéo, nơi được 1 trong 6 doanh nghiệp kinh doanh du lịch đã gây dựng lên |
DNCc |
Theo đó, văn bản số 161/QĐ-CCXP của Thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng đã quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với Công ty CP Dịch vụ du lịch Đảo Cát Dứa (Công ty Đảo Cát Dứa).
Bãi Tai Kéo sau khi bị Thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng cưỡng chế tháo dỡ |
DNCC |
Hậu quả do hành vi vi phạm hành chính gây ra cần được khắc phục là: phá dỡ công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng tại khu vực Bãi Cát Dứa II, thuộc phân khu phục hồi sinh thái biển Vườn quốc gia Cát Bà (TT.Cát Bà, H.Cát Hải) do Công ty Đảo Cát Dứa xây dựng.
Biện pháp khắc phục là: buộc phá dỡ công trình xây dựng vi phạm sau 15 ngày, kể từ ngày Công ty Đảo Cát Dứa nhận được quyết định này mà không tự thực hiện phá dỡ công trình vi phạm.
Doanh nghiệp từng bị tòa sơ thẩm từ chối yêu cầu ban hành biện pháp khẩn cấp tạm thời
Ông Trịnh Phúc Mãn, Phó giám đốc Công ty Đảo Cát Dứa, cho biết, trước đó, vào ngày 29.3, DN nhận được văn bản số 149/TTrSXD-ĐTTC của Thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng yêu cầu thực hiện quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Sau ngày 4.4, nếu DN không tự tháo dỡ công trình du lịch sinh thái thì thanh tra sở sẽ tổ chức cưỡng chế.
Đảo Cát Dứa, nơi có hàng chục "gia đình" khỉ đang sinh sống, đứng trước nguy cơ bị phá dỡ trong thời gian tới |
D.n.c.c |
Do đó, ngày 4.4, Công ty Đảo Cát Dứa đã có văn bản yêu cầu TAND TP.Hải Phòng áp dụng quy định tại Điều 68 luật Tố tụng hành chính năm 2015 để ban hành biện pháp khẩn cấp tạm thời, tạm dừng việc thực hiện quyết định số 176 của Thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng để bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có, tránh gây ra thiệt hại không thể khắc phục được, bảo đảm việc giải quyết vụ án, quyền và lợi ích hợp pháp của bên khởi kiện.
Tuy nhiên, theo ông Mãn, đến ngày 7.4, công ty ông nhận được thông báo của TAND TP.Hải Phòng do thẩm phán Lương Thị Hải Hà ký với nội dung không chấp nhận áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời với lý do “việc cưỡng chế thực hiện quyết định số 176 của Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng không ảnh hưởng đến việc giải quyết yêu cầu khởi kiện của DN”.
Bên cạnh đó, không có căn cứ xác định việc thực hiện quyết định số 176 thuộc trường hợp “cần bảo vệ ngay chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có”.
Về việc này, ông Mãn khẳng định, việc cưỡng chế thực hiện quyết định số 176 của Thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giải quyết yêu cầu khởi kiện của DN. Ông Mãn lý giải rằng, quyết định này đã yêu cầu DN tự tháo dỡ công trình, nếu DN không tự tháo dỡ, Thanh tra Sở Xây dựng sẽ cưỡng chế thực hiện tháo dỡ. Các công trình xây dựng nói trên là tài sản, vật chất hiện hữu, là đối tượng bị tác động của quyết định hành chính đang bị khởi kiện.
"Thời điểm TAND TP.Hải Phòng thụ lý giải quyết vụ án hành chính trên thì lúc đó đúng sai còn chưa được phán quyết bằng 1 bản án có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, Sở Xây dựng lại ra văn bản thể hiện họ đang xúc tiến công tác chuẩn bị cưỡng chế phá dỡ. Như vậy, đó chính là tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra không thể khắc phục được một khi các công trình bị cưỡng chế phá dỡ. Vậy nên chúng tôi rất không đồng tình với việc tòa bác yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời”, ông Mãn bức xúc.
Theo luật sư Đinh Thị Hòa, Công ty Luật TNHH Hưng Hòa và cộng sự - Đoàn Luật sư Hà Nội, đến thời điểm này, các căn cứ mà bên khởi kiện nêu trong đơn kháng cáo bản án sơ thẩm cho thấy Thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng không hề có thẩm quyền tiến hành thanh kiểm tra các công trình xây dựng của Công ty Đảo Cát Dứa.
Do đó, Thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng cũng không có thẩm quyền ban hành các văn bản, quyết định liên quan đến việc buộc Công ty Đảo Cát Dứa phải tháo dỡ hay cưỡng chế buộc tháo dỡ công trình xây dựng.
Tuy nhiên, trên thực tế, Thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng hiện đã ban hành văn bản áp dụng biện pháp cưỡng chế với Công ty Đảo Cát Dứa và các văn bản thúc giục đơn vị này thực hiện tháo dỡ công trình xây dựng.
“Bản án sơ thẩm chưa phải là bản án có hiệu lực pháp luật, DN hiện đang tiếp tục kháng cáo lên tòa phúc thẩm. Vậy khi tòa đang xét xử chưa có phán quyết có hiệu lực của cấp phúc thẩm thì lý do gì mà Thanh tra Sở Xây dựng phải vội vàng cưỡng chế phá dỡ công trình này? Cho nên, rất cần cấp phúc thẩm khẩn trương vào cuộc để áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi DN có đơn đề nghị để tránh thiệt hại, tổn thất đáng tiếc xảy ra do cố tình tháo dỡ”, luật sư Hòa khẳng định.
Đề nghị UBND TP.Hải Phòng tổ chức đối thoại với các DN
Ngày 18.7, Ban Tiếp công dân Trung ương - Thanh tra Chính phủ có văn bản chuyển đơn của một số DN du lịch ở khu vực Vườn quốc gia Cát Bà đến Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng.
Theo nội dung văn bản này, các DN trên đã khiếu nại, kiến nghị các quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với một số DN đã ký hợp đồng liên doanh liên kết với Vườn quốc gia Cát Bà để thực hiện đề án mô hình thí điểm du lịch sinh thái kết hợp bảo vệ rừng và biển.
Theo các DN, trong thời gian chờ kết quả cuối cùng của TAND tối cao, đề nghị UBND TP.Hải Phòng tạm dừng thực hiện việc cưỡng chế các công trình trên đất.
Theo đó, các DN cũng đề nghị lãnh đạo UBND TP.Hải Phòng tổ chức đối thoại với các DN để giải quyết dứt điểm vụ việc, có sự tham dự của đại diện một số cơ quan Trung ương và cơ quan truyền thông.
Qua đó, Ban Tiếp công dân Trung ương chuyển đơn đến Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng để chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết và trả lời theo quy định của pháp luật, đồng thời đề nghị thông báo kết quả giải quyết đến Ban Tiếp công dân Trung ương.
Bình luận (0)