Can nhiễu sóng là hiện tượng bình thường
Liên quan đến việc một cụm thu sóng phát thanh tại P.Khuê Mỹ (Q.Ngũ Hành Sơn) bị nhiễu sóng TQ vừa xảy ra, trả lời Thanh Niên vào chiều 19.7, ông Trương Công Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 3 (đóng tại Đà Nẵng) cho hay, không tồn tại đài phát sóng FM của TQ trên địa bàn quản lý và địa bàn TP.Đà Nẵng nói riêng.
“Không có hiện tượng cố tình “chế áp sóng”, chèn sóng tiếng TQ trong khi đài phát thanh đang phát”, ông Hạnh nói và cho biết, theo phản ánh của người dân, thời điểm xảy ra việc nhiễu sóng TQ tại bộ thu sóng phát thanh P.Khuê Mỹ là vào lúc đài phường đã ngừng phát.
Theo ông Hạnh, trung tâm đã từng ghi nhận việc can nhiễu sóng phát thanh tiếng TQ tại đài phát thanh P.Hòa Xuân (Q.Cẩm Lệ). Tương tự, trung tâm cũng đã xử lý việc can nhiễu sóng TQ tại TX.Hương Trà (Thừa Thiên – Huế), Triệu Phong (Quảng Trị). Riêng tại địa bàn Q.Ngũ Hành Sơn thì lần đầu tiên có phản ánh về tình trạng này.
Từ đó, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 3 cho rằng, việc can nhiễu là bình thường bởi sự lan truyền của sóng vô tuyến điện trong không gian là không biên giới và rất phức tạp.
Theo lý giải của các cán bộ có chuyên môn thuộc trung tâm này, hiện tượng can nhiễu thường xảy ra trong khoảng thời điểm từ tháng 5 - 9 mỗi năm do ảnh hưởng của yếu tố thời tiết dẫn đến việc tạo ra các đường truyền sóng bất thường.
Hiện tượng này gọi là ống dẫn sóng đối lưu. Sóng vô tuyến khi truyền trong môi trường này bị phản xạ nhiều lần và suy hao rất ít nên có thể truyền đi rất xa. Hiện tượng này thường xảy ra nhiều nhất ở các khu vực ven biển tiếp giáp với vùng biển rộng.
Do vậy, theo trung tâm này, việc các sóng vô tuyến từ TQ hay các quốc gia khác lan truyền đến và gây nhiễu theo cơ chế đã nêu là có thể xảy ra.
“Có những trường hợp và điều kiện thời tiết mà có thể nhiễu sóng ở những vùng rất xa mà trên lý thuyết là không thể xảy ra”, ông Hạnh nói và cho biết, trung tâm đã xử lý trường hợp một đài taxi tại Hưng Yên gây nhiễu cho một hãng taxi ở Huế.
Về thông tin cho rằng, nhiễu sóng từ bộ đàm từ các resort do chủ đầu tư là người TQ xây dựng dọc bờ biển Đà Nẵng, ông Hạnh khẳng định, không thể xảy ra vì hai hệ thống sử dụng hai băng tần khác nhau.
Bên cạnh đó, nguồn phát sóng, ông Hạnh cũng khẳng định không thể có nguồn trên đất liền. “Vì nếu có, chúng tôi sẽ phát hiện ngay và xử lý lập tức”, ông Hạnh nói.
Hiện Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 3 đang ưu tiên theo dõi, kiểm soát trên tần số 97,5 MHz (tần số bị nhiễu sóng TQ) để tiếp tục xử lý sự việc.
Tiếp tục phát sóng “chứ không dừng 1 tháng”
Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị Anh Thi, Chủ tịch UBND Q.Ngũ Hành Sơn liên quan đến thông tin hệ thống phát thanh trên địa bàn quận sẽ ngừng trong 1 tháng để nâng cấp các bộ thu sóng.
Bà Thi cho biết, ngày 18.7, sau khi nhận được thông tin, Quận ủy, UBND Q.Ngũ Hành Sơn đã kiểm tra và làm việc với Đài Phát thanh quận.
“Qua đó được được biết, cần phải nâng cấp bộ thu sóng để tránh nhiễu trong vòng thời gian hơn 1 tháng. Tuy nhiên, ngay sau khi xác định nhiễu sóng là hiện tượng can nhiễu thông thường, không ảnh hưởng gì đến chất lượng phát thanh thì lãnh đạo quận đã quyết định tiếp tục phát sóng chứ không dừng, để chuyển tải thông tin đến người dân”, bà Thi nói.
Bà Thi cũng cho biết, trong thời gian này, quận cử cán bộ chuyên môn theo dõi thường xuyên vụ việc, nếu tiếp tục có hiện tượng can nhiễu sóng thì báo cáo lãnh đạo quận, cơ quan chức năng xử lý.
Trong thời gian này quận cũng sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cấp để tiếp tục hoàn thiện để đảm bảo người dân sẽ được nghe thông tin tốt nhất.
Cũng theo bà Thi, hiện trên địa bàn quận chỉ có một cụm loa tại P.Khuê Mỹ bị can nhiễu sóng còn những nơi khác vẫn bình thường.
Liên quan đến giải pháp xử lý tình trạng can nhiễu sóng đối với hệ thống bộ thu sóng đài phường, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 3 cho biết, đã hướng dẫn việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật để khắc phục chất lượng thiết bị như: nâng mức ngưỡng máy thu, điều chỉnh hướng ăng ten thu phát…
Đặc biệt, theo trung tâm này, giải pháp quan trọng nhất là sử dụng công nghệ mã hóa các cụm thu để các cụm thu chỉ nhận tín hiệu đúng với tín hiệu đài phát đã được mã hóa.
“Nếu không có bộ mã hóa thì bộ thu sóng sẽ tự động phát thanh nếu có sóng cùng tần số. Khi đã lắp đặt bộ mã hóa thì đài phát thanh phường sẽ phát đi một cụm mã riêng. Bộ thu sóng nhận biết đúng sẽ tự động phát”, một cán bộ giải thích thêm.
Bình luận (0)