>> Nổ nhà máy pháo hoa do trời mưa ?
Hiện trường vụ nổ - Ảnh: Hà An
Vẻ thất thần, sự hoảng sợ là những gì mà Thanh Niên Online thấy rõ nhất trên khuôn mặt từng người công nhân may mắn thoát ra được và còn sống sót sau vụ nổ vào lúc 7 giờ 50 phút sáng 12.10.
Anh Mạnh, một công nhân làm việc tại phân xưởng sản xuất pháo hoa, nhớ lại: Đang làm việc bỗng anh nghe một tiếng nổ cực mạnh, người anh như bị nhấc bổng lên, rồi như bị ai đó túm lấy phần áo sau lưng lôi tuột lại, ném về bức tường.
Bị choáng váng, mắt mũi tối sầm, nhưng anh Mạnh vẫn nén đau đứng dậy và lấy hết sức vùng chạy ra ngoài. “Lúc này khắp khu xưởng vang tiếng người kêu thét. Mắt nhòa đi vì khói bụi, nhưng tôi vẫn loang loáng thấy bóng dáng nhiều anh chị em khác máu me khắp người, cố gắng vùng vẫy tìm cách thoát ra ngoài. Chạy được một đoạn, tôi bị vấp ngã vào đống cát. Theo bản năng, tôi cố đào bới, vùi mình thật sâu trong đống cát. Khi ngớt tiếng nổ, tôi chạy thẳng một mạch ra ngoài đường lớn”, Mạnh kể lại với vẻ mặt đầy thảng thốt.
Bức tường và cánh cổng sắt nhà máy bị sức công phá vụ nổ "thổi" bay - Ảnh: Hà An
Tuấn, một công nhân làm việc trong Xí nghiệp pháo hoa - thuốc nổ, cũng may mắn chạy thoát được ra khỏi vụ nổ, kể: “Sau tiếng nổ đầu tiên, xưởng sản xuất gần như tan hoang, tiếng kêu thét vì đau đớn, tiếng hô hoán di tản vang lên khắp xưởng, thấy vậy mọi người gồm có cả tôi ùa tứ phía tìm cách thoát thân. Chạy được một quãng, tiếng nổ thứ hai lớn hơn rất nhiều vang lên khiến tôi ngã sấp về đằng trước. Thật may mắn, khi đó trước mặt là cái cống thoát nước, không cần nghĩ thêm, tôi lập tức chui xuống dưới cống thoát nước”.
Vẫn theo anh Tuấn, ngồi trong cống nước, nhưng anh này vẫn cảm nhận được sức công phá, sức ép cực lớn phát ra từ những tiếng nổ. Kèm theo đó là những tiếng va đập của gạch đá, bê tông, sắt thép liên tiếp dội từ trên cao xuống mặt đất. Chưa hết, Tuấn còn bảo, trong quá trình chạy thoát, anh chứng kiến nhiều công nhân phải giẫm đạp lên hàng rào có thép gai.
Trong khi đó, một công nhân xin được giấu tên kể lại, thời điểm xảy ra vụ nổ, anh này đang xem qua bảng lương, bất ngờ tiếng nổ vang lên. Mọi người kêu thét, mạnh ai người đó chạy, chạy thật nhanh về hướng cổng ra vào. Khi chạy ngang qua đống đổ nát, anh thấy một tiếng kêu cứu. Ngoái lại, anh thấy một công nhân bị sức công phá làm mất hoàn toàn hai chân, hai tay vẫy vẫy đoàn người. Bất chấp mạng sống, anh cùng nhiều người khác hò nhau khiêng công nhân này đi cấp cứu. Nhưng thật đau lòng, khi vừa tới viện, người công nhân này đã tử vong.
Nhà cửa của các hộ dân cách đó cả trăm mét cũng bị tàn phá - Ảnh: Hà An
“So với những anh chị em khác, chúng tôi đã may mắn hơn rất nhiều lần rồi. Mấy tối nay, cứ nghĩ tới những gì tôi nhìn thấy trong nhà xưởng, trên đường chạy thoát thân là không làm sao chợp mắt nổi”, người công nhân vừa nói, vừa hướng đôi mắt đượm buồn về cổng xí nghiệp.
Gạch ngói rơi trúng giường ngủ - Ảnh: Hà An
Nhà ở xã Võ Lao, cách hiện trường vụ nổ khoảng 500 m, nhưng theo lời ông Đinh Công Bàn (52 tuổi), phúc nhà ông phải to bằng cái đình thì ông và bà mẹ đẻ ra ông năm nay 92 tuổi mới may mắn thoát chết sau vụ nổ pháo hoa. Ông Bàn cho biết, thời điểm đó ông đang ngồi trong nhà thì có một tiếng nổ lớn long trời vang lên. Theo phản xạ tự nhiên, ông lao ra cây cột nhà gần đó và đưa tay lên đầu. Ngay lập tức, hàng loạt những mảnh gạch ngói, vôi vữa trên trần nhà rơi ào ào xuống chỗ ông ngồi và giường ngủ của mẹ đẻ ông (trước đó ông Bàn đưa mẹ sang chơi bên nhà chị gái).
Những miếng sắt to bay trúng nhà ông Bàn - Ảnh: Hà An
Chưa hết bàng hoàng, sợ nhà sập, ông Bàn lao ra sân, thì ngay lập tức, một thanh sắt chữ “V” dài hơn chục mét, nặng hàng chục kg và nhiều mảnh sắt to bằng bàn tay người lớn (từ hiện trường vụ nổ pháo hoa) bay tới, găm ngay vào chỗ cây cột mà ông Bàn vừa đứng. Hoảng hốt, ông Bàn cắm cổ chạy lên ngọn đồi cao vút, rầm rì cây phi lao ở phía sau nhà. Tới gần trưa, khi đã không còn tiếng nổ, ông Bàn mới dám gọi điện cho vợ, con quay lại nhà dọn dẹp.
Hà An
Bình luận (0)