Mạng xã hội đang lan truyền thông tin về 2 đoạn clip "nóng" liên quan đến nạn nhân được cho là một nữ diễn viên. Nạn nhân của vụ lộ clip "nóng" đã có đơn trình báo, cho rằng những hình ảnh riêng tư đã rò rỉ sau khi bị Công an P.Trung Hòa (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) kiểm tra hành chính, thu điện thoại, còn yêu cầu cung cấp mật khẩu điện thoại.
Lãnh đạo Công an TP.Hà Nội cho biết sau khi tiếp nhận đơn trình báo của nạn nhân, Giám đốc Công an TP.Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ vào cuộc điều tra, trong đó có cả lực lượng an ninh mạng.
Sáng 29.5, trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo P.Trung Hòa cho biết đã nghe báo cáo qua về vụ việc này và Công an TP.Hà Nội đang vào cuộc điều tra, xác minh. Cả đêm hôm qua, 28.5, Công an P.Trung Hòa phải báo cáo, giải trình với cấp trên để phối hợp làm rõ sự việc.
Trường hợp nào được khám xét điện thoại?
Trong tình huống có xảy ra việc công an kiểm tra hành chính, nhưng lại thu điện thoại, yêu cầu cung cấp mật khẩu, một luật sư nhận định hành vi này có dấu hiệu lạm quyền.
Luật sư Lê Trung Phát (Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát, Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết hiện nay, pháp luật nước ta quy định rất rõ về quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân. Cụ thể khoản 3 Điều 38 Bộ luật dân sự 2015 quy định “Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định”.
Đối chiếu với các quy định khác, luật sư Lê Trung Phát cho hay, chỉ có 2 trường hợp để tịch thu, khám phương tiện vận tải, đồ vật.
Thứ nhất, là khi có căn cứ cho rằng trong phương tiện vận tải, đồ vật đó có cất giấu tang vật vi phạm hành chính, theo Điều 128, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Thứ hai, nếu có căn cứ nhận định trong người, chỗ ở, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án hình sự có người có thẩm quyền ra lệnh khám xét, thu giữ theo Điều 192 Bộ luật tố tụng hình sự.
“Nếu công an phường chỉ làm việc vì nhóm người mở nhạc lớn, gây ồn ào trong khu dân cư, nhưng lại yêu cầu người dân đưa điện thoại, cung cấp mật khẩu điện thoại, là không đúng với quy định. Bởi hành vi mở nhạc lớn tiếng hiện nay có thể chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính là phạt tiền theo Nghị định 167/2013 hoặc Nghị định 155/2016, tùy hành vi”, luật sư Lê Trung Phát đánh giá.
Xử lý hành vi làm nhục người khác
Đối với việc clip "nóng" bị phát tán, theo luật sư Lê Trung Phát, nếu việc phát tán là cố ý, làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm của những người trong clip, thì hành vi này có dấu hiệu của tội “làm nhục người khác” theo Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015, với tình tiết định khung “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông”, và có thể đối mặt với hình phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Ngoài ra, luật sư Lê Mạnh Hùng (Đoàn luật sư Hà Nội) cũng cho rằng, người tung clip "nóng" của nữ diễn viên lên mạng có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, theo Điều 326 Bộ luật Hình sự năm 2015, với khung hình phạt là phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, hoặc phạt tù cao nhất có thể lên đến 15 năm tùy vào tính chất phức tạp và nghiêm trọng của hành vi vi phạm.
Bình luận (0)