Vụ nữ sinh lớp 10 tự tử ở An Giang: Cái sai đến từ đâu?

Cũng là người làm giáo dục , tôi rất đồng cảm với giáo viên đứng lớp, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm trong các trường học. Họ không chỉ chịu trách nhiệm trước học trò mà còn có vô vàn áp lực khác.

Nhưng trong trường hợp dẫn đến chuyện nữ sinh lớp 10 tự tử ở An Giang, cô giáo chủ nhiệm học sinh (HS) này đã sai. Cái sai đã được nhiều người đề cập, song cái sai lớn nhất chính là việc cô giáo đưa lên Zalo với dòng trạng thái (status) mà theo tôi là không thể chấp nhận được.
Cái sai này đang khá phổ biến. Câu chuyện này làm tôi nhớ đến một sự việc vừa xảy ra tại một ngôi trường ở Q.Thủ Đức (TP.HCM). Một học sinh lớp 4 đã trộm tiền của bạn, cô giáo đã đi bàn tán khắp nơi, “thông báo” cho toàn bộ giáo viên trong trường biết và thậm chí, ngay tại cuộc họp phụ huynh toàn lớp, cô giáo công khai luôn danh tính HS. Đó là một ứng xử phản giáo dục, thậm chí là thiếu văn hóa của một bộ phận giáo viên hiện nay.
Mạng xã hội có vô vàn ưu điểm, nhưng nếu sử dụng nó không an toàn, văn minh thì cực kỳ nguy hiểm.
Tôi cũng từng biết rất rõ một giáo viên chủ nhiệm đã vứt toàn bộ sách vở của một HS ra cửa vì lý do HS này không làm bài hay bắt một HS đứng ngoài cửa cả buổi vì dám cãi cô giáo. Cũng có cô học trò đã nói với phụ huynh “Con không phục cô giáo vì cô không trung thực”... Hãy thử đặt cô giáo hay những người có trách nhiệm vào chính bản thân những người học trò đó, chúng ta sẽ nghĩ gì?
Xử lý triệt để bài toán này thực sự khó. Nó không chỉ là việc nêu ra các giải pháp mang tính chất xử lý tình huống, mà cần có lộ trình, với sự chung tay của nhiều người, nhiều cấp, nhiều ngành…
Hãy đặt câu hỏi: Ngôi trường nơi các thầy cô giáo này công tác, đã bao giờ lãnh đạo nhà trường tổ chức cho các thầy, cô nghe một buổi báo cáo chuyên đề về ứng xử, kỹ năng giao tiếp với học trò; về sử dụng mạng xã hội an toàn, văn minh? Có bao giờ trường tổ chức một buổi sinh hoạt chuyên đề mà ở đó có cả phụ huynh HS lẫn thầy cô giáo?

Nên nhớ rằng giáo dục giống như một hệ sinh thái. Để thành người, HS cần sự chung tay, vun đắp, giáo dục đa chiều, ở đó có cả gia đình, nhà trường, xã hội và cả truyền thông đại chúng

Tiến sĩ xã hội học Lê Hoàng Việt Lâm

Tuy nhiên, xảy ra những vụ việc như thế này thật sự lỗi không phải hoàn toàn ở giáo viên hay nhà trường. Nên nhớ rằng giáo dục giống như một hệ sinh thái. Để thành người, HS cần sự chung tay, vun đắp, giáo dục đa chiều, ở đó có cả gia đình, nhà trường, xã hội và cả truyền thông đại chúng. Ai đó đã nói rằng “để giáo dục trẻ em cần phải có một ngôi làng”. Triết lý này hoàn toàn đúng trong một xã hội đầy biến động và phức tạp hiện nay.
Ngoài ra một dấu hỏi lớn nữa là liệu những quy định của pháp luật, đặc biệt những quy định gắn với chế độ lương bổng của giáo viên; về những “thành tích cần đạt được” trong các trường; về điểm số của từng lớp để xét thi đua; về cơ chế bảo vệ giáo viên khi bị miệt thị hay phỉ báng; về khen thưởng và kỷ luật đối với HS... liệu có đúng và phù hợp với thực tế?
Vậy nên, cần có cách nhìn tổng thể và lộ trình căn cơ để giải quyết.
Bộ GD-ĐT cần lấy ý kiến để xây dựng và ban hành những văn bản luật sát với thực tế và thực sự quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của đội ngũ nhà giáo, giảm bớt những áp lực, căn bệnh thành tích đang đè nặng lên đôi vai những người làm giáo dục. Ban giám hiệu các trường cần có sự quan tâm đặc biệt đến việc trang bị các kỹ năng cho cả giáo viên lẫn HS về giao tiếp, ứng xử, sử dụng mạng xã hội an toàn, văn minh. Giáo viên cần tĩnh tâm, ứng xử phù hợp, cần trau dồi tri thức mới, tuyệt nhiên đừng sử dụng “tri thức kinh nghiệm lỗi thời” để xử lý với học trò…
Có như vậy, mới có thể giải quyết thấu đáo sự việc, không chỉ nhất thời mà còn mang tính lan tỏa, định hướng cho xã hội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.