Vụ ô tô đỗ ‘vỉa hè tiền tỉ’ ở Hà Nội: Công an xử phạt được không?

17/01/2023 08:31 GMT+7

Nêu quan điểm về thực trạng lực lượng chức năng không thể xử phạt ô tô đỗ trên vỉa hè phố Lê Trọng Tấn (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) vì không có biển cấm, các chuyên gia pháp lý đã đưa ra những ý kiến trái ngược nhau.

Không có căn cứ xử phạt vì không có biển cấm?

Theo luật sư Trần Xuân Tiền, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, để xác định việc người dân đỗ ô tô tràn lan trên vỉa hè phố Lê Trọng Tấn (P.Khương Trung, Q.Thanh Xuân) có phải là hành vi vi phạm pháp luật hay không cần căn cứ vào quy định của luật Giao thông đường bộ và các văn bản có liên quan.

Ô tô đỗ tràn lan trên vỉa hè phố Lê Trọng Tấn là một phần nguyên nhân khiến vỉa hè xuống cấp nhanh chóng

Nguyễn Trường

Về quy định liên quan đến đỗ xe, Quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ (QCVN 41:2019/BGTVT) ban hành kèm theo Thông tư số 54/2019/TT-BGTVT có quy định biển báo ký hiệu I.408a - nơi đỗ xe một phần trên hè phố, là biển để chỉ dẫn những nơi được phép đỗ xe một phần trên hè phố rộng, với yêu cầu xe phải đỗ sao cho các bánh phía ghế phụ trên hè phố.

Chiều dài nơi đỗ xe có thể được xác định giới hạn bằng vạch kẻ trên đường. Trong trường hợp cần thiết, có thể đặt thêm biển phụ chỉ hiệu lực của vùng cho phép đỗ.

Ô tô đậu tràn vỉa hè chiếm lối đi bộ ở Hà Nội, người dân nói gì?

Bên cạnh đó, theo quy định tại điều 18, 19 luật Giao thông đường bộ 2008, người điều khiển phương tiện cần đảm bảo các quy định về đỗ xe trên đường bộ. Trong đó, không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí như: bên trái đường một chiều; trước cổng trong phạm vi 5 m hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức; tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe; không được để phương tiện ở lòng đường, hè phố trái quy định…

Điều 19 của luật này còn quy định, khi dừng xe, đỗ xe trên đường phố, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25 m và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông. Trường hợp đường phố hẹp, phải dừng xe, đỗ xe ở vị trí cách ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20 m.

“Từ quy định trên có thể thấy, người dân hoàn toàn có quyền dừng, đỗ xe ở những nơi không có biển cấm, và không vi phạm quy định về nguyên tắc đỗ xe theo luật Giao thông đường bộ”, luật sư Tiền nói và cho biết, trong trường hợp này, lực lượng chức năng không có căn cứ xử phạt ô tô đỗ trên vỉa hè vì phố Lê Trọng Tấn không có biển báo cấm dừng đỗ.

Theo đại diện cơ quan chức năng địa phương, do tuyến phố Lê Trọng Tấn không có biển cấm dừng đỗ nên không thể xử phạt ô tô đỗ trên vỉa hè. Thay vào đó, chính quyền sở tại dán thông báo để tuyên truyền cho người dân chấp hành

Nguyễn Trường

Vỉa hè dành cho người đi bộ, đương nhiên cấm dừng, đỗ ô tô

Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, cho biết hè phố là để dành cho người đi bộ nên đương nhiên cấm đỗ ô tô, trừ trường hợp được phép.

Vì vậy, luật Giao thông đường bộ năm 2008 có một loạt quy định về việc này, cụ thể tại khoản 3 điều 8 về “các hành vi bị nghiêm cấm” quy định một trong những hành vi bị nghiêm cấm là sử dụng hè phố trái phép.

Tại khoản 1 điều 32 về “người đi bộ” quy định “người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường”. Ngoài ra, khoản 2 điều 19 về “dừng xe, đỗ xe trên đường phố” quy định “không được để phương tiện giao thông ở hè phố trái quy định”.

Vì vậy, điểm d khoản 3 điều 5 về “xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ” và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 132/2021/NĐ-CP) đã quy định phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô “đỗ, để xe ở hè phố trái quy định của pháp luật; đỗ xe nơi có biển “cấm đỗ xe” hoặc biển “cấm dừng xe và đỗ xe”.

Đá vỉa hè xuống cấp nhanh, người dân Hà Nội bức xúc ‘mới vài năm đã hỏng’

“Căn cứ vào quy định như trên của luật, quy định xử phạt về đỗ xe khác nhau ở hè phố và lòng đường như vậy thì không thể hiểu khác rằng chỉ được đổ, để xe ở hè phố nếu có quy định (biển báo) được phép ngược lại với việc chỉ không được dừng, đỗ xe ở lòng đường nếu có biển cấm”, luật sư Đức phân tích.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, quy chuẩn 41:2019/BGTVT quy định tài xế ô tô có thể đỗ xe một phần trên hè phố nếu gặp biển I.408a. Điều này có nghĩa là nếu đúng quy chuẩn thì người dân chỉ được đỗ xe trên hè phố có biển báo này. Do đó, luật sư Đức cho rằng, lực lượng chức năng hoàn toàn có thể xử phạt các hành vi đỗ ô tô trên vỉa hè phố Lê Trọng Tấn.

Dãy dài ô tô chiếm gần một nửa vỉa hè phố Lê Trọng Tấn ngay sau khi nơi này được tu bổ, sửa chữa

Nguyễn Trường

Như Thanh Niên đã đưa tin, thời gian gần đây, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Q.Thanh Xuân đã triển khai duy tu, bảo trì, thay mới các đoạn vỉa hè lát bằng đá tự nhiên bị hư hỏng, xuống cấp trên phố Lê Trọng Tấn. Đây là tuyến phố kiểu mẫu về thiết kế đô thị được đầu tư từ năm 2016, với tổng mức đầu tư hơn 224 tỉ đồng; trong đó vỉa hè được lát bằng đá tự nhiên.

Tuy nhiên, ngay sau khi vỉa hè tuyến phố Lê Trọng Tấn được bảo trì, lát lại các vị trí xuống cấp thì nơi đây tiếp tục bị ô tô “xâm chiếm”.

Đáng chú ý, dù ô tô đỗ tràn lan trên vỉa hè nhưng lực lượng công an trên địa bàn cho biết không thể không thể xử phạt vì tuyến phố Lê Trọng Tấn không có biển cấm dừng đỗ.

Trước đó, vào tháng 12.2022, trong bối cảnh nhiều tuyến phố lát đá tự nhiên được cho là có độ bền 50 - 70 năm nhưng xuống cấp nhanh chóng sau một thời gian sử dụng, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát, tạm dừng ngay việc sử dụng hè phố làm các điểm đỗ xe ô tô, tập kết vật liệu xây dựng; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các phương tiện xe ô tô tải trọng lớn đi trên hè phố; xử nghiêm các hành vi dừng, đỗ xe trên hè phố không đúng quy định…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.