Vụ phục kích Falluja tác động ra sao đến cuộc chiến của Mỹ ở Iraq?

Vụ phục kích Falluja tác động ra sao đến cuộc chiến của Mỹ ở Iraq?

Phúc Nguyên
Phúc Nguyên: biên tập, dựng clip | Cẩm Tú: đọc voice
21/03/2023 09:01 GMT+7

Một năm sau khi Tổng thống George W. Bush phát động cuộc tấn công vào Iraq do Mỹ lãnh đạo năm 2003, bốn nhà thầu an ninh dân sự của Hoa Kỳ đã bị quân nổi dậy phục kích và giết hại dã man ở thành phố Falluja. Nhà báo Michael Georgy của hãng tin Reuters đã có những lời giải thích về vụ tấn công đã trở thành một thời điểm quyết định trong cuộc xung đột ở Iraq ra sao.

20 năm kể từ khi chiến tranh Iraq bắt đầu, những cảnh bạo lực này vẫn được xem là một trong những thời khắc ghi dấu ấn trong cuộc xâm lược Iraq do Mỹ lãnh đạo.

Vào ngày 31 tháng 3 năm 2004, bốn nhà thầu an ninh dân sự Mỹ đã lái xe vào thành phố Falluja, với nhiệm vụ bảo vệ các xe tải chở thực phẩm tiếp tế. Tuy nhiên, xe của họ đã bị phục kích.

Nhà báo Michael Georgy của hãng tin Reuters đến tiếp cận hiện trường chỉ sau một giờ. Ông kể lại: "Cảnh tượng thật khủng khiếp, có những thi thể đang bị thiêu cháy, những người khác giẫm lên đầu những xác chết này, già trẻ lớn bé, và tôi nhớ ngay giữa lúc đó, khi tôi đang ghi chép và cố gắng hiểu chuyện gì đang xảy ra, thì một cậu bé khoảng 9 tuổi đến gần tôi và nói: 'Chúng tôi cũng bắt những người khác nữa, họ đã bị thiêu chết và đang bị treo trên một cây cầu, ông có muốn đi đến xem không?'. Trong hình dung của tôi, trong trí nhớ của tôi, cậu bé đó chẳng khác gì một người hướng dẫn du lịch của tử thần".

Cuộc phục kích Falluja là khoảnh khắc mang tính cột mốc trong cuộc chiến Iraq.

Còn lâu mới có chuyện "Nhiệm vụ đã hoàn thành" như cách mà Tổng thống Bush đã tuyên bố chưa đầy một năm trước đó. Cuộc xung đột thật ra chỉ mới bắt đầu.

Nhà báo Michael Georgy: "Biến cố ở Falluja xảy ra chỉ một năm sau khi ông Bush đứng trên tàu sân bay tuyên bố 'nhiệm vụ đã hoàn thành' trong tiếng vỗ tay của binh sĩ Mỹ. Tuy nhiên, sự thật lại hoàn toàn khác. Đó là khởi đầu cho cảnh địa ngục tăm tối ở Iraq".

Vào tháng 3 năm 2003, các lực lượng do Mỹ lãnh đạo đã tràn vào Iraq với cam kết sẽ chấm dứt chế độ của Tổng thống Saddam Hussein và phá hủy vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iraq.

Và rồi chẳng có thứ vũ khí huỷ diệt hàng loạt nào được tìm thấy.

Thành phố Falluja, cách thủ đô Baghdad khoảng 48 km về phía Tây, là một phần của Tam giác Sunni. Đây là khu vực ở miền trung Iraq, cư dân chủ yếu là người Hồi giáo dòng Sunni và cũng từng là căn cứ quyền lực của ông Saddam Hussein.

"Ông Saddam đã giành được nhiều sự ủng hộ ở những nơi như Falluja bằng cách giúp người dân ở đây có việc làm trong quân đội và các doanh nghiệp. Vì vậy, khi người Mỹ chiếm quyền, rõ ràng là điều này sẽ thay đổi, và người Shiite khi đó trở thành hệ phái chiếm ưu thế,  sự oán giận bắt đầu từ đó".

Sự hưng phấn bùng lên sau khi ông Saddam Hussein bị lật đổ nhanh chóng nhường chỗ cho nỗi sợ hãi về nguy cơ xung đột giáo phái, điều mà ông Saddam đã mạnh tay ngăn chặn trước đó.

Những sai lầm trong quản lý của Mỹ khi chiếm đóng Iraq cũng gây thịnh nộ trong người dân.

Vụ giết hại các nhà thầu an ninh của Blackwater đã châm ngòi cho hai cuộc tấn công trả thù của quân đội Mỹ vào Falluja, khi thành phố này bị bao vây, phong tỏa và vùi dập. 

Vụ việc đó không chỉ là dấu hiệu sẽ có thêm nhiều cuộc tấn công quân đội Mỹ, mà còn cho thấy một tinh thần nổi dậy rộng rãi đã dẫn đến sự lớn mạnh trong hàng ngũ của Al Qaeda và sau đó là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), nhấn chìm Iraq trong xung đột và hỗn loạn.

"Tôi thường nhớ đến cậu bé đó và không khí bạo lực ngày hôm đó. Rõ ràng là khu vực này, không có cách nào có thể ổn định sớm được".

Khi các lực lượng quân đội Mỹ rút khỏi Iraq vào năm 2011, bạo lực vẫn không chấm dứt.

Trong vòng vài tuần, Mỹ đã giải tán quân đội Iraq và đẩy 400.000 quân nhân vào cảnh thất nghiệp.

Bạo lực lan rộng khắp đất nước trong những năm tháng sau đó, thường là giữa người Sunni thiểu số chống lại người Shiite đa số.

Bom cài trong xe hơi và xe tải, thiết bị nổ tự tạo, những đội đánh bom tự sát, chặt đầu, giết người vì giáo phái, và các phòng tra tấn đã đẩy số người chết ở Iraq lên cao hơn nữa.

Tưởng rằng chỉ là một cuộc can dự quân sự ngắn, nhưng cuộc xâm lược của Mỹ đã biến thành cuộc chiến kéo dài 8 năm, làm thiệt mạng 4.000 binh sĩ Mỹ, hàng trăm lính nước ngoài, và hàng vạn dân thường Iraq. 

Đối với cư dân Falluja, như tộc trưởng bộ tộc Salman al-Falahi, những vết sẹo vẫn còn hằn sâu, từ cuộc xâm lược do Mỹ lãnh đạo năm 2003 đến việc Al Qaeda chiếm thành phố năm 2006 cho đến sự thống trị của Nhà nước Hồi giáo vào năm 2014.

Tộc trưởng bộ tộc Salman al-Falahi nói: "Khi những người từ Falluja bị bắn, bị giết hay bị thương. Mỹ và các đồng minh của họ đã làm gì? Họ có xin lỗi ai hay không? Họ có đưa binh lính rời khỏi Iraq không? Không, họ thậm chí còn quyết tâm hơn. Họ phái mật vụ của họ đến thành phố. Tất nhiên những người trẻ tuổi trong thành phố đã bị ảnh hưởng tâm lý. Ô tô lao đến, họ chặn người giữa đường rồi giết đi. Giết xong, họ ném những xác chết ra đường. Khi đó ai ai cũng sục sôi. Vậy họ đã làm gì? Họ lôi những người đó ra và treo cổ ở đó. Khi đưa quân vào, Mỹ định mang lại sự ổn định và dân chủ. Nhưng thay vào đó lại là sự hỗn loạn rộng khắp trong suốt, bạo lực, chủ nghĩa bè phái và nội chiến. Vì vậy, đó là những ký ức rất, rất buồn".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.