Trải lòng của người trong cuộc
Như Thanh Niên đã thông tin, những ngày gần đây vụ việc có 34/41 lao động (LĐ) người Quảng Bình đi làm việc thời vụ ở TP.Yeongju (tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc) đã không về nước như cam kết vào ngày 15.9, mà... bỏ trốn. Đây là nhóm LĐ nằm trong đợt 1/2022 mà Quảng Bình tổ chức sang TP.Yeongju.
55 người được tuyển chọn trong đợt 2 đưa đi XKLĐ tại Hàn Quốc đều là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn |
Bá Hoàng |
Sau khi số LĐ đợt 1 được đưa đi xuất khẩu, chính quyền TP.Yeongju tiếp tục gửi văn bản đề nghị tỉnh Quảng Bình hỗ trợ tuyển dụng đợt 2 với số lượng 60 LĐ. Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Bình đã phối hợp các địa phương tổ chức phỏng vấn, tuyển chọn 55 LĐ đi làm việc thời vụ nông nghiệp tại Hàn Quốc đợt 2. Nhưng tất cả đã bị từ chối.
Trước thông tin "trời sập" đó, 55 người tưởng như "giấc mơ Hàn Quốc" đã đến gần trước mắt, thì nay họ phải ôm đầu suy nghĩ, lo lắng về khoản tiền đã vay mượn để chi trả cho các thủ tục, hoạt động để được lên đường sang Hàn Quốc.
Chị T.T.L (34 tuổi, xã Lâm Trạch, H.Bố Trạch, Quảng Bình) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nghe tin bị cấm xuất cảnh thì còn phải lo lắng thêm tương lai phải làm gì để có tiền trang trải cuộc sống.
"Gia đình chúng tôi thuộc diện khó khăn, để có đủ chi phí học tiếng, lo các thủ tục tôi phải bán cả bò, lợn trong nhà. Giờ tình hình thế này, không còn vốn liếng gì làm ăn, tôi thật sự bế tắc", chị L. nói.
Anh Q. thuộc số ít người đã về nước trong số 41 người được đưa đi XKLĐ trong đợt 1 năm 2022 |
Bá Hoàng |
Thuộc số ít các 41 LĐ đã xuất khẩu qua Hàn Quốc làm việc trong đợt 1, anh N.Đ.Q (37 tuổi, P.Nam Lý, TP.Đồng Hới) vẫn kiên quyết về nước dù được nhiều người rủ bỏ trốn, lao động bất hợp pháp.
“Ngay từ đầu xác định đi qua đó làm việc xong rồi về chứ không trốn để mà đi làm bất hợp pháp. Cũng có nhiều lời mời bỏ ra ngoài làm việc nhưng tôi đã xác định sang đó làm là để trở về nhà lại. Người lao động mà trốn thì bên kia người chủ cũng không tin tưởng, trốn nhiều quá thì thành phố bên kia cũng không cấp visa cho nữa thì cũng không qua lại được nữa", anh Q. chia sẻ.
Theo anh Q. mặc dù nhiều người bạn rủ rê ở lại, "quảng cáo" nghề này nghề nọ với mức thu nhập cao, nhưng việc bỏ trốn sẽ gây ảnh hưởng đến lao động Việt Nam và làm khó cho những người khác muốn đi XKLĐ qua Hàn Quốc sau này. Vì vậy, anh Q. là 1 trong 7 lao động đã quyết định chọn con đường trở về.
Sẽ hỗ trợ cho những người không được xuất cảnh
Cú sốc trên thật đáng buồn cho 55 người khi họ đều là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, phải đi vay mượn trang trải cho hàng tháng trời học tiếng tại TP.Đồng Hới.
Trước tình hình người dân "mất cả chì lẫn chài", chính quyền tỉnh Quảng Bình cũng đã đưa ra những phương án xử lý, hỗ trợ cho 55 người trên.
55 người bị từ chối cấp thị thực tại sẽ được chính quyền tỉnh Quảng Bình hỗ trợ chi phí và ưu tiên tìm kiếm việc làm |
BÁ HOÀNG |
Bà Đinh Thị Ngọc Lan, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện nay Sở và Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Bình phối hợp với cơ sở đào tạo và các đơn vị có liên quan hỗ trợ một số khoản kinh phí cho người lao động.
“Sau khi có các trường hợp người lao động bỏ trốn thì Sở đã làm việc với các địa phương. Nguyên nhân bỏ trốn là vì lợi ích cá nhân của họ khi trốn lại làm lao động bất hợp pháp. Những trường hợp này khi xảy ra rủi ro, tai nạn lao động hoặc chết người thì sẽ không được sự hỗ trợ từ phía mình", bà Lan nói.
Cũng theo bà Lan, bên cạnh việc được hỗ trợ kinh phí, 55 người tại Quảng Bình bị từ chối cấp thị thực trên cũng sẽ được ưu tiên giới thiệu việc làm trong nước và đi làm việc ở nước ngoài theo các chương trình khác phù hợp nếu họ có nhu cầu.
Bình luận (0)