* Sớm nhất 2 ngày nữa mới có thể thông hầm
Ngày 17.12, lực lượng cứu hộ cứu nạn vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo tiếp tục đào hầm để giải cứu 12 người đang kẹt bên trong, đồng thời chuẩn bị phương tiện khảo sát phía trên đường hầm, nếu đất không sụt lở sẽ đào đất thông ống 60 cm hoặc 90 cm để 12 người bị kẹt chui ra.
Công tác cứu hộ vẫn đang khẩn trương - Ảnh: Lâm Viên |
Sau khi khảo sát hiện trường, ông Trần Ngọc Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty Sông Đà 10, cho biết nước bên trong đang tiếp tục dâng cao, nếu không hút ra kịp sẽ ngập và bít ống thông hơi vào hầm.
|
Ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng chỉ đạo, việc làm cấp thiết trước mắt là khoan lỗ để hút nước ra; đồng thời phải tiếp tế lương thực, nước uống cho các nạn nhân.
Tiếp tế cháo, trà gừng... qua ống truyền đạm
Tin từ Ban Chỉ huy cứu hộ cho biết, đêm qua 12 nạn nhân chia nhau lên chiếc ô tô trộn bê tông mắc kẹt bên trong để ngủ, một số khác kê giàn gỗ ngủ qua đêm. Việc chuyển nước uống, sữa và thức ăn (chủ yếu là cháo gà, vịt xay nhuyễn) đều được bơm qua ống nhựa truyền đạm, các công nhân bên trong dùng mũ bảo hộ lao động để hứng. Cứ 5 tiếng đồng hồ, cháo được bơm vào trong hầm một lần.
Các bác sĩ cũng hướng dẫn bơm trà gừng nóng vào để các nạn nhân đề kháng cảm lạnh. Ngoài cháo, nước, lực lượng cứu hộ còn buộc xúc xích vào dây thép để đẩy vào ống thép. Việc đẩy xúc xích vào rất khó khăn vì bị vướng vật cản. Mỗi lần nhận được xúc xích các công nhân mắc kẹt rất vui mừng báo tin ra ngoài.
Các công nhân mắc kẹt cho biết mực nước tối qua đã dâng lên 1,2 m. Trong khi đó, lực lượng cứu hộ bên ngoài khẩn trương khoan thêm các mũi khoan để đặt ống hút nước nhưng liên tục đụng phải đá nên chỉ có một mũi khoan vào được 15 m. Ông Phạm Đình Hiếu (Công ty CP Sông Đà 505), chỉ huy đơn vị thi công, cho biết thêm việc đào hầm chống kè chữ A cũng gặp rất nhiều khó khăn vì đào vào đất lại sập xuống.
Trước đó, lúc 2 giờ 30 sáng cùng ngày, lực lượng công binh của Quân khu 7 gồm 31 chiến sĩ đến hiện trường phối hợp cứu hộ cứu nạn. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng cũng huy động 110 cán bộ chiến sĩ đến hiện trường tích cực tham gia vận chuyển gỗ, sắt thép phục vụ việc cứu hộ trong hầm. Công an Lâm Đồng cũng huy động hơn 100 cảnh sát cơ động tham gia. Một trạm phát sóng bộ đàm để liên lạc cũng được lập. Ngành y tế cử 15 bác sĩ, 21 điều dưỡng túc trực tại hiện trường cùng 9 xe cấp cứu và nhiều phương tiện cấp cứu.
|
Thiếu tướng Bùi Văn Sơn, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Công ty CP Sông Đà 505 phải luôn có cán bộ túc trực trong hầm để điều phối việc cứu hộ cứu nạn. Ông Lê Viết Quang, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty nhôm Lâm Đồng (chuyên gia về đào hầm mỏ) nói: “Nếu làm liên tục và tích cực thì sớm nhất 2 ngày nữa mới có thể thông hầm”.
Ba bộ trưởng có mặt, chủ đầu tư đi vắng
Trưa hôm qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đến hiện trường để chỉ đạo công tác cứu hộ cứu nạn. Yêu cầu gặp ngay chủ đầu tư nhưng không có, Bộ trưởng Dũng nói thẳng là thiếu trách nhiệm. “Đây là sự cố nghiêm trọng, trong khi Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đơn vị cứu hộ có mặt túc trực thường xuyên, vậy mà người của chủ đầu tư thì lại rất ít”, Bộ trưởng Dũng nói. Đại diện nhà đầu tư cho biết chủ đầu tư đang ở nước ngoài, thì Bộ trưởng yêu cầu thông báo phải về ngay.
Theo các đơn vị cứu hộ, lượng đất đá bị sập cả hàng ngàn khối, sâu 30 - 40 m, công tác cứu hộ đang gặp rất nhiều khó khăn. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải thực hiện nhiều phương án, ít nhất phải là 2 phương án cứu hộ, cùng lúc phải khoan ngang từ phía trước, đồng thời triển khai khoan cọc nhồi từ phía trên, nếu thuận lợi thì thả dây kéo người lên. “Phải tập trung cứu người, tìm phương án nhanh nhất, hiệu quả nhất nhưng phải chú ý đảm bảo an toàn cho những người cứu hộ. Những người mắc kẹt đã có không khí, có thức ăn nhưng cần phải tìm cách đưa áo quần vào để đảm bảo ấm cho họ. Trước mắt, cần phải tiến hành cấp bách việc khoan hút nước ra, bởi nước trong hầm đang dâng cao, nếu không làm kịp sẽ rất nguy hiểm. Đồng thời tập trung đào đường hầm đủ kích thước để có thể đưa người ra. Mọi việc phải tiến hành đồng bộ, khẩn trương. Phải giữ sự liên hệ với bên trong, cố gắng trong 2 ngày phải đưa được người ra”, ông Dũng nói.
16 giờ cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã đến hiện trường kiểm tra, chỉ đạo công tác chuẩn bị cứu hộ, cứu nạn của lực lượng y tế. Theo TS Phạm Thị Bạch Yến, Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng, những người mắc kẹt cơ bản sức khỏe vẫn đảm bảo. “Tuy nhiên chúng tôi vẫn lo lắng khi họ bị mắc kẹt trong hầm cũng khá lâu trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn. Trong hầm phải chịu ẩm ướt nhiều, không biết thân nhiệt của họ có bị giảm không. Chúng tôi cũng đã hòa nước gừng đưa vào cho họ uống thêm. Cán bộ Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đang trên đường đến hiện trường để tham gia hỗ trợ công tác cứu hộ”, TS Yến nói.
Điều máy khoan cọc nhồi từ TP.HCM lên
Triển khai phương án khoan cọc nhồi, lực lượng cứu hộ cho biết địa phương không có loại máy này. Bộ trưởng Dũng chỉ đạo Tổng công ty xây dựng số 1 phải điều máy khoan cọc nhồi từ TP.HCM lên để hỗ trợ.
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đề nghị tỉnh Lâm Đồng liên lạc với Công ty TNHH MTV nhôm Lâm Đồng - Vinacomin nếu có phương tiện phù hợp thì hỗ trợ ngay. Với phương án khoan cọc nhồi từ phía trên được các chuyên gia cứu hộ nhận định cũng sẽ rất khó khăn khi phải khoan từ 60 - 70 m trở lên, nếu không gặp đá thì mất khoảng một ngày, trong khi chưa nói việc vận chuyển, lắp ráp cũng mất cả ngày nữa.
Thống nhất ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Xây dựng yêu cầu phải ngừng thi công công trình thủy điện này. “Qua các cơ quan tham mưu của tỉnh, khi nào thấy đủ đảm bảo an toàn thì tỉnh có văn bản gửi các bộ để cho thi công trở lại”, ông Dũng nói. Bộ trưởng Dũng cũng đề nghị tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các ngành chuyên môn phối hợp triển khai phương án cứu hộ và xác định nguyên nhân, trách nhiệm trong vụ việc này...
Màn đêm dần buông xuống, công việc cứu hộ vẫn đang khẩn trương. Tại hiện trường, máy móc thiết bị cũng được đưa đến thêm...
Danh sách 12 nạn nhân đang mắc kẹt trong hầm 1. Phạm Xuân Đăng, 1964, ngụ Hợp Hòa, Tam Dương, Vĩnh Phúc 2. Nguyễn Anh Tuấn, 1981, ngụ Hà Tĩnh 3. Phạm Viết Lành, 1994, ngụ Nghệ An 4. Phạm Viết Nam, 1973, ngụ Nghệ An 5. Đặng Thị Hồng Ngọc, 1988, ngụ Nghệ An 6. Trương Tuấn Việt, 1984, ngụ Hà Nội 7. Nhỡ Văn Tường, 1986, ngụ Hà Nam 8. Hoàng Tiến Đoàn, 1989, ngụ Nam Định 9. Hoàng Anh Văn, 1980, ngụ Nam Định 10. Hoàng Đình Hường, 1984, ngụ Nam Định 11. Hoàng Đình Thịnh, 1986, ngụ Nam Định 12. Nguyễn Văn Quang, 1976, ngụ Hà Tĩnh |
Cần có liệu pháp tâm lý
Theo PGS-TS Nguyễn Hoài Nam (Trường đại học Y Dược TP.HCM), những công nhân bị mắc kẹt trong đường hầm, ngoài việc thiếu dưỡng khí ô xy, còn có nguy cơ hít phải lượng khí CO2 tăng cao (do môi trường bị bịt kín), gây hại cho sức khỏe. Trường hợp thiếu ô xy hoàn toàn thì chỉ trong 5 phút sẽ ảnh hưởng đến não, làm chết não. PGS-TS Nguyễn Hoài Nam cũng lưu ý thêm, với những người gặp phải sự cố như mắc kẹt trong đường hầm, sau khi đưa được họ ra bên ngoài, cần phải có liệu pháp tâm lý vì họ rất dễ rơi vào tình trạng hoảng loạn tâm thần phản ứng, biểu hiện bằng lo sợ, la hét... Bác sĩ Nguyễn Thế Hiệp - Phó khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy cũng cho rằng, đáng ngại nhất với những công nhân mắc kẹt trong đường hầm là việc thiếu dưỡng khí. Thanh Tùng
TP.HCM chi viện
Theo đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM, ngay khi nhận được lệnh hỗ trợ cứu hộ cứu nạn, chiều 17.12, Ban Giám đốc Cảnh sát PCCC TP đã điều động 1 xe chuyên dùng chở trang thiết bị kỹ thuật, 1 xe chở 45 cán bộ chiến sĩ do thượng tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó giám đốc Cảnh sát PCCC TP chỉ huy, khẩn trương lên đường đến hiện trường. Cảnh sát PCCC TP đã mang theo các trang thiết bị cắt thủy lực, mặt nạ chống độc, bình ô xy, máy nạp ô xy, thiết bị dụng cụ lặn, thang dây chuyên dùng... Với những trang thiết bị này sẽ giúp lực lượng cứu hộ tiến sâu vào đường hầm thiếu ô xy hoặc xuất hiện khí độc; kể cả đề phòng phương án nước dâng cao trong đường hầm cũng có phương tiện kỹ thuật để can thiệp kịp thời tìm cứu người chìm trong nước. Đàm Huy |
Bình luận (0)