Vụ tấn công đẫm máu ở phi trường Istanbul: 41 người chết

30/06/2016 00:00 GMT+7

Đến chiều 29.6, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo ít nhất 41 người thiệt mạng, 239 người bị thương sau vụ xả súng và đánh bom tự sát tại sân bay quốc tế Ataturk, thuộc TP. Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ.

Vụ tấn công đẫm máu xảy ra vào rạng sáng 29.6 (giờ VN) khi 3 tay súng nã đạn vào đám đông ở lối vào nhà ga quốc tế trước khi kích hoạt đai bom mang trên người. Bước đầu chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đứng sau vụ này và tuyên bố sẽ “đòi lại nợ máu”.
Đến chiều 29.6, chính phủ nước này tuyên bố quốc tang để tưởng nhớ các nạn nhân. Theo Reuters, trong số những người thiệt mạng có 13 công dân nước ngoài mang quốc tịch Ả Rập Xê Út, Iraq, Iran, Jordan, Trung Quốc, Tunisia, Ukraine và Uzbekistan.
Thời khắc kinh hoàng

Giết cả nhà vì bị ngăn gia nhập IS

Hãng thông tấn Saudi Press dẫn thông tin từ Bộ Nội vụ Ả Rập Xê Út cho hay ít nhất 1 người thiệt mạng và 2 người bị thương nặng trong một vụ đâm chém nghiêm trọng tại thủ đô Riyadh. Thủ phạm là hai anh em sinh đôi đã dùng dao tấn công cả gia đình, bao gồm cha mẹ và người anh 22 tuổi. Hậu quả là người mẹ 67 tuổi thiệt mạng tại chỗ trong khi người anh và người cha đang trong tình trạng nguy kịch. Sau khi gây án, bọn chúng đã tháo chạy nhưng bị bắt sau đó. Theo giới chức, nguyên nhân của vụ án là do gia đình cố ngăn chặn hai anh em tìm đường sang Syria gia nhập IS.
Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua 29.6 đồng loạt đăng tải các đoạn phim do máy quay an ninh ghi lại được 2 trong số 3 vụ nổ. Hình ảnh trên truyền hình cho thấy một quả cầu lửa khổng lồ bùng lên tại cổng của nhà ga trong sự hoảng loạn tột độ của đám đông. Trong một đoạn phim khác, một kẻ tấn công mặc đồ đen, cố chạy thục mạng vào sâu bên trong nhà ga trước khi ngã ra đất vì trúng đạn của cảnh sát. Tuy nhiên, tên này vẫn kịp kích nổ bom mang theo người.
Theo Hãng thông tấn Dogan, nhà chức trách đã hoàn tất khám nghiệm tử thi của 3 hung thủ và nhiều khả năng những người này là người nước ngoài.
Reuters dẫn lời các nhân chứng mô tả cảnh tượng kinh hoàng sau vụ tấn công với thi thể nằm la liệt giữa đống vôi vữa. Các nhân viên y tế gấp rút cấp cứu tại chỗ nhiều người bị thương giữa tiếng la khóc khắp nơi. Theo AFP, hầu hết các bệnh viện gần sân bay đều trở nên hỗn loạn khi số người nhập viện quá đông. “Cảnh tượng thật khủng khiếp, chẳng còn nhận ra thứ gì nữa”, một người sống sót tên Ali Tekin bàng hoàng kể.
Một phụ nữ giấu tên cho biết bà đang làm thủ tục hải quan sau khi vừa đáp chuyến bay từ Đức thì bỗng một tiếng nổ động trời vang lên. “Ai nấy chạy tán loạn. Tôi vội nép người xuống đất. Máu vương vãi khắp nơi”, bà nhớ lại.
Một nhân chứng khác là ông Paul Roos, 77 tuổi, thì chứng kiến tận mắt một trong 3 tay súng xả đạn tán loạn. “Hắn mặc toàn đồ đen và không che mặt. Chúng tôi nấp sau một cái quầy và lén quan sát hắn. Sau 2 vụ nổ đầu tiên thì tay súng ngừng lại, quan sát một lúc rồi bước xuống thang cuốn. Chúng tôi nghe một loạt tiếng súng và thêm một vụ nổ nữa trước khi mọi việc kết thúc”, Reuters dẫn lời ông Roos cho hay.
IS là nghi can hàng đầu
Sau vụ tấn công đẫm máu nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ kể từ đầu năm đến nay, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nhận định rằng đây sẽ là bước ngoặt mới trong cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu. “Vụ tấn công diễn ra trong thời điểm tháng chay Ramadan của Hồi giáo và cho thấy khủng bố không màng đến niềm tin và những giá trị”, Reuters dẫn lời nhà lãnh đạo nói. Hôm qua 29.6, nhiều nước cực lực lên án vụ tấn công, còn Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh nhu cầu cấp bách nhằm tăng cường các nỗ lực toàn cầu trong cuộc chiến chống khủng bố.
Trong cuộc họp báo ngày 29.6, Thủ tướng Yildirim Binali cho hay dấu vết ban đầu chứng tỏ chủ mưu vụ tấn công là IS. Reuters dẫn lời giới chức chống khủng bố của Mỹ cũng nhận định IS là cái tên hàng đầu trong danh sách tình nghi. Theo một quan chức Ankara giấu tên, IS gần đây gia tăng các vụ tấn công tại Thổ Nhĩ Kỳ nhưng hiếm khi nhận trách nhiệm vì nước này bị cho là một trong những tuyến hành lang chính để các tay súng IS từ châu Âu sang Syria và Iraq. AFP dẫn lời giới chuyên gia nhận định vụ tấn công tại sân bay Ataturk, phi trường lớn nhất nước và nhộn nhịp thứ ba ở châu Âu (sau Heathrow của Anh và Charles De Gaulle của Pháp - NV) càng gây thêm khó khăn cho ngành du lịch Thổ Nhĩ Kỳ, vốn là một trong những nguồn thu chủ lực của nền kinh tế nước này.
Phi trường Ataturk còn nằm trong số những điểm trung chuyển chính kết nối châu Âu và châu Á, đón hơn 30 triệu hành khách mỗi năm. Ngoài lượng khách Nga sụt giảm mạnh do khủng hoảng quan hệ Ankara - Moscow, hàng loạt vụ đánh bom với nghi phạm chính là IS và lực lượng người Kurd từ năm ngoái đến nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến du lịch Thổ Nhĩ Kỳ. Theo AFP, trong giai đoạn tháng 1 - 6.2016, đã có khoảng 200 người chết và hàng ngàn người bị thương, bao gồm nhiều du khách nước ngoài, vì các vụ đánh bom tại Ankara và Istanbul.
Đến tối 29.6, nhà chức trách đã quyết định nối lại hoạt động tại sân bay và tăng cường nghiêm ngặt các biện pháp an ninh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.