Chiều 21.3, TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét xử 15 bị cáo về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong vụ án xảy ra tại Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (gọi tắt là Tập đoàn Tân Hoàng Minh).
Sau khi đại diện Viện KSND TP.Hà Nội trình bày bản luận tội, các luật sư tham gia tranh luận, gỡ tội cho thân chủ của mình.
Số tiền khắc phục hậu quả đặc biệt lớn
Trong số 15 bị cáo, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, là người bị đề nghị mức án cao nhất, 9 - 10 năm tù.
Bào chữa cho ông Dũng, luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng Luật sư Giang Thanh, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) gửi lời chia sẻ đến những khó khăn, vất vả, thiệt thòi của các bị hại kể từ thời điểm vụ án khởi tố đến nay.
Xét xử vụ án Tân Hoàng Minh: Bị cáo Đỗ Anh Dũng bị đề nghị 9 - 10 năm tù
Giống như phần trả lời của bị cáo Dũng tại phần xét hỏi trước đó, luật sư khẳng định khi đồng ý chủ trương phát hành trái phiếu, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh chưa bao giờ có ý định chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.
Theo luật sư, bị cáo Dũng luôn tâm niệm có vay có trả. Hơn nữa, Tập đoàn Tân Hoàng Minh tại thời điểm đó đang phát triển rất nhiều dự án, nếu huy động trái phiếu mà không trả khi đến hạn sẽ khiến uy tín của bị cáo cũng như tập đoàn giảm sút, thiệt hại lớn hơn rất nhiều.
Luật sư Thanh nhấn mạnh đến số tiền hơn 8.600 tỉ đồng mà cơ quan tố tụng tạm giữ và các bị cáo tự nguyện nộp khắc phục. Đây là con số rất lớn, mà phần lớn trong số này do bị cáo Dũng vận động gia đình, bạn bè, người thân huy động để khắc phục toàn bộ hậu quả của vụ án.
Số tiền trên có lẽ cũng là khoản tiền khắc phục hậu quả lớn nhất từ trước đến nay trong các vụ án xâm phạm quyền sở hữu; thể hiện sự ăn năn hối hận, dám nhận trách nhiệm của bị cáo và mong muốn giảm thiệt hại đến mức tối đa đối với nhà đầu tư…
Từ những căn cứ đã nêu, luật sư Thanh đề nghị hội đồng xét xử, viện kiểm sát cân nhắc áp dụng chế định phạm tội chưa đạt của bộ luật Hình sự, áp dụng chính sách hình sự đặc biệt để cho thân chủ hưởng mức hình phạt nhân văn, sớm có cơ hội trở về đóng góp cho xã hội.
Tự bào chữa trước tòa, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh đồng ý với quan điểm bào chữa của luật sư, mong hội đồng xét xử xem xét để mình được hưởng mức án phù hợp.
Xem nhanh 20h ngày 21.3: Mức án đề nghị vụ Tân Hoàng Minh
Bài học đắt giá
Vụ án này, ngoài ông Đỗ Anh Dũng, con trai của ông là Đỗ Hoàng Việt, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, cũng bị đề nghị 5 - 6 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bào chữa cho bị cáo Việt, luật sư Nguyễn Anh Tú, Công ty Luật Fanci, Đoàn Luật sư Bắc Giang, cho rằng Việt và cha mình có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Điển hình như có tới hơn 1.400 bị hại xin giảm án, các bị cáo đã nỗ lực khắc phục hậu quả một cách nhanh và triệt để nhất.
Tương tự người bào chữa cho ông Dũng, luật sư của Đỗ Hoàng Việt nhấn mạnh về "nỗ lực khắc phục hậu quả" của các bị cáo.
Theo luật sư Tú, vụ án có 2 điều đặc biệt. Thứ nhất là số lượng bị hại lớn và số lượng bị hại xin giảm án cũng rất lớn, thậm chí "hàng trăm bị hại đội mưa đến tòa cũng xin giảm án cho bị cáo".
Thứ hai là số tiền chiếm đoạt rất lớn và số tiền nộp lại để khắc phục cũng đặc biệt lớn. Nhất là, việc khắc phục được thực hiện trong bối cảnh kinh tế khó khăn, càng cho thấy ý thức của bị cáo.
Tiếp tục bào chữa, luật sư cho rằng bị cáo Dũng và Việt không có ý thức chiếm đoạt tiền của bị hại, nhưng xuất phát từ nhận thức chưa đầy đủ mà vi phạm quy định pháp luật. Đây là bài học đắt giá cho những doanh nhân "chưa hiểu sâu sắc pháp luật".
Sau cùng, vị luật sư đề nghị hội đồng xét xử cân nhắc, xem xét và áp dụng mức án đối với Đỗ Hoàng Việt thấp hơn mức án mà viện kiểm sát đề nghị trước đó.
Bình luận (0)