Chiều 13.5, trao đổi với PV Thanh Niên, lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sau khi xảy ra vụ tàu kéo và sà lan bị chìm ở vùng biển Lý Sơn (Quảng Ngãi), Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ngãi đang tích cực thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định có dấu hiệu tội phạm xảy ra hay không.
"Nếu đủ căn cứ xác định vụ việc xảy ra có dấu hiệu tội phạm, chúng tôi sẽ khởi tố vụ án ngay", lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh.
Đến nay đã gần 20 ngày tính từ ngày tàu LA-06695 kéo theo sà lan LA-06883 từ cảng Kỳ Hà (Quảng Nam) đi đến đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) gặp nạn trên biển. Sự cố khiến cả tàu kéo và sà lan bị chìm cách đảo Lý Sơn khoảng 4 hải lý. Cơ quan chức năng đã phát hiện được 4 thi thể gần vị trí xảy ra tai nạn.
Chị Võ Thị Thịnh (29 tuổi), con gái của ông Võ Tấn Khương (máy trưởng, 1 trong 5 nạn nhân mất tích trong vụ tai nạn) cho biết gia đình chị cùng với thân nhân của các nạn nhân khác thuê thợ lặn để tìm kiếm người mất tích, nhưng vẫn không thấy.
"Vụ tai nạn này rất khó hiểu, nên gia đình mong muốn các cơ quan chức năng làm sáng tỏ vụ việc", chị Thịnh nói.
Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND H.Lý Sơn, cho biết trong vụ tai nạn, có 3 người dân ở Lý Sơn, hiện vẫn mất tích.
"Sau khi lực lượng chức năng nỗ lực tìm kiếm 5 người mất tích không có kết quả, một số ngư dân ở Lý Sơn cũng đã tổ chức tìm kiếm, lặn xuống nơi tàu kéo bị chìm để tìm kiếm. Phía Công ty Lý Tuấn cũng thuê người lặn xuống biển tìm kiếm các nạn nhân nhưng đến nay vẫn không có tung tích", bà Hương cho biết thêm.
Doanh nghiệp phải có trách nhiệm
Theo thông tin ban đầu mà PV Thanh Niên có được, Công ty TNHH Lý Tuấn (Quảng Ngãi) làm hợp đồng thuê của Công ty TNHH MTV Minh Linh (Long An) tàu kéo LA-06695 và sà lan LA-06883, kèm theo 3 nhân sự vận hành là thuyền trưởng, máy trưởng và thủy thủ. Giá thuê 340 triệu đồng/tháng, tổng trị giá hợp đồng thuê trong 6 tháng với số tiền hơn 2 tỉ đồng. Phía Công ty TNHH Lý Tuấn thuê thêm 2 thuyền viên và chi trả lương để đảm bảo đủ 5 thuyền viên theo quy định.
Theo đó, phương tiện vận chuyển vật tư từ cảng Kỳ Hà (Quảng Nam) đi thi công các công trình ở cảng Bến Đình, đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng) và công trình tại biển Cửa Đại (Quảng Nam).
Theo hợp đồng thỏa thuận, lương công nhân vận hành tàu kéo và sà lan do Công ty TNHH MTV Minh Linh chi trả và chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn lao động, con người cũng như các tài sản liên quan.
Khi xuất bến tại cảng Kỳ Hà (Quảng Nam), có 5 thuyền viên đăng ký làm việc trên tàu kéo và sà lan, gồm: Phạm Văn Hiệp, Đặng Minh Phương, Võ Tấn Khương, Võ Văn Nhiều và Bùi Minh Trí. Những người này đến nay vẫn mất tích.
Thi thể 4 người được phát hiện trong vụ tai nạn gồm: Võ Văn Sông, Đặng Văn Nhung, Đặng Văn Ước và Trần Văn Phúc. Những người này được cơ quan chức năng, ngư dân phát hiện ở gần khu vực xảy ra tai nạn. Đáng chú ý, 4 người này không có trong danh sách đăng ký làm việc trên tàu kéo và sà lan khi xuất bến tại cảng Kỳ Hà (Quảng Nam).
Vì vậy, lực lượng chức năng nghi có thể có đến 9 người đi trên chiếc tàu kéo LA-06695 và sà lan LA-06883 gặp nạn.
Ông Nguyễn Thái Long, Chánh thanh tra Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Ngãi, cho biết vụ tai nạn chìm tàu với số người chết, mất tích khá nhiều, rất đau lòng. Sở đã yêu cầu Công ty TNHH Lý Tuấn khai báo tai nạn lao động với Bộ GTVT và Thanh tra Sở LĐ-TB-XH tỉnh.
"Hợp đồng lao động có nhiều hình thức khác nhau như ký kết văn bản hay giao kết lao động bằng lời nói. Các căn cứ để xác định hai bên có quan hệ lao động gồm tiền lương, lịch làm việc, danh sách đi làm, xuất bến… Dù giao kết lao động bằng lời nói thì doanh nghiệp thuê nhân công phải có trách nhiệm nếu tai nạn lao động xảy ra; phải có trách nhiệm giải quyết chế độ, chính sách như hợp đồng lao động ký kết bằng văn bản", ông Long phân tích.
Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 13.5
Bình luận (0)