Vụ thắng kiện hơn 55 triệu USD: Làm sao đảm bảo thi hành án?

10/01/2013 03:30 GMT+7

Dưới góc độ pháp lý, luật sư (LS) Bùi Quang Nghiêm (Phó chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM) phân tích: Việt Nam là quốc gia mới gia nhập vào lĩnh vực kinh doanh trò chơi có thưởng vì vậy các nhà quản lý nên học hỏi quy định của các nước đi trước.

Các nước trên thế giới có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực này đều bắt buộc các nơi kinh doanh sòng bạc phải đăng ký tỷ lệ trả thưởng tối đa. Đây là cơ sở để giải quyết tranh chấp. Đặc biệt, trong các máy trò chơi có thưởng còn thể hiện con số mà khách chơi có thể trúng “độc đắc” tối đa. Tuy chơi đánh bạc với máy là tham gia vào trò chơi may rủi nhưng đó cũng là một giao dịch dân sự.

Đã là một giao dịch dân sự thì phải tôn trọng sự thỏa thuận giữa các bên trên cơ sở bình đẳng. Theo đó, người chơi phải biết máy trả thưởng tối đa bao nhiêu. Nếu không, doanh nghiệp đó phải trả đúng bằng con số thể hiện trên máy. Ngoài ra, theo LS Nghiêm, căn cứ trên con số đăng ký trả thưởng tối đa với các cơ quan quản lý, đơn vị kinh doanh máy trò chơi có thưởng còn phải ký quỹ một số tiền tương đương hoặc mua bảo hiểm bằng trị giá giải thưởng tối đa cho mỗi máy trò chơi có thưởng để đảm bảo việc thi hành án khi xảy ra tranh chấp và bảo vệ người chơi.

  Vụ thắng kiện hơn 55 triệu USD: Làm sao đảm bảo thi hành án? 1
Ông Ly Sam, người đàn ông nổi tiếng nhờ vụ thắng kiện hơn 55 triệu USD - Ảnh: Lê Quang

Vụ thắng kiện hơn 55 triệu USD: Làm sao đảm bảo thi hành án? 2
Câu lạc bộ Palazzo

Ở một góc độ khác, LS Hồ Ngọc Diệp (Đoàn LS TP.HCM) đánh giá, việc thi hành án đối với vụ kiện này trong trường hợp nguyên đơn thắng kiện sẽ khó khăn nếu không phong tỏa tài khoản, không kê biên tài sản. Trong trường hợp không kê biên để đảm bảo thi hành án, bị đơn vẫn có quyền chuyển nhượng tài sản. Luật không cấm thì mọi giao dịch chuyển nhượng đó vẫn hợp pháp.

Nếu bị đơn không có tài sản thì bản án tuyên thắng kiện chỉ cầm chơi… chờ đến khi nào bị đơn có tài sản thì thi hành, không thì "bó tay". Cũng theo LS Diệp, việc kê biên đảm bảo thi hành án chỉ được áp dụng trong giai đoạn sơ thẩm. Còn bây giờ nếu các bên kháng cáo, chuyển sang xét xử phúc thẩm thì nguyên đơn không còn quyền yêu cầu kê biên đảm bảo thi hành án nữa.

“Theo quy định của pháp luật, muốn kê biên, đảm bảo thi hành án, nguyên đơn phải nộp đảm bảo một số tiền tương ứng với trị giá tài sản kê biên. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều tòa chỉ buộc người yêu cầu kê biên nộp số tiền ít hơn, dựa trên tính toán con số thiệt hại có thể xảy ra trong việc tiến hành kê biên”, LS Diệp nói.

Trao đổi với PV Thanh Niên, một chấp hành viên cho biết khi án có hiệu lực (án phúc thẩm, hoặc án sơ thẩm hết hạn kháng cáo) thì bị đơn được tự nguyện thi hành án trong thời gian 30 ngày theo quy định. Hết thời hạn này, cơ quan thi hành án sẽ cưỡng chế thi hành án bằng cách kê biên tiền mặt trong tài khoản ngân hàng của bên thua kiện. Nếu tiền trong tài khoản không đủ thì kê biên tài sản gồm bất động sản, động sản… để bán đấu giá lấy tiền thi hành bản án.

Ông Ly Sam có nhận được tiền nếu Công ty Đại Dương phá sản?

Phía Công ty liên doanh Đại Dương cho hay sẽ kháng cáo. LS của công ty này cho rằng: “Nếu cấp phúc thẩm tuyên chúng tôi thua kiện thì sẽ đẩy doanh nghiệp vào ngõ cụt...” (Thanh Niên ngày 9.1). Hiện dư luận rất quan tâm đến việc nếu công ty này tuyên bố phá sản, người thắng kiện sẽ nhận được bao nhiêu tiền?

 Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Công ty liên doanh Đại Dương được cấp giấy phép đầu tư vào ngày 7.5.1994 với tổng vốn đầu tư là 125 triệu USD, vốn điều lệ 29,1 triệu USD. Mục đích hoạt động là xây dựng khách sạn 5 sao và văn phòng, trò chơi điện tử có thưởng. Theo đánh giá của một cán bộ thuế Cục Thuế TP.HCM, công ty này là một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực trò chơi có thưởng tại Việt Nam. Thu nhập về trò chơi có thưởng của công ty này có năm lên đến 68 triệu USD.

LS Nguyễn Minh Thuận (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng: “Có thể nói quá sớm về vấn đề công ty này có phá sản hay không vì còn phiên tòa phúc thẩm tiếp theo. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp tuyên bố phá sản tòa án đều chấp nhận. Tòa sẽ cân nhắc vào tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có đi đến bế tắc hay không mới có quyết định cho phá sản chứ không phải vì khoản nợ quá lớn mà doanh nghiệp tuyên bố phá sản”. Theo luật Phá sản, việc trả nợ sẽ thực hiện theo thứ tự ưu tiên: các khoản phí, chi phí theo pháp luật cho việc giải quyết phá sản doanh nghiệp; các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội của người lao động; nợ thuế; các khoản nợ trong danh sách chủ nợ.

Lê Nga - T.Xuân

 >> Vụ thắng kiện hơn 55 triệu USD: Luật sư bên thua nói “tòa không có kinh nghiệm”
>> Các luật sư nói gì về "vụ thắng kiện 55 triệu USD"?
>> Thắng kiện hơn 55 triệu USD

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.