Từng hướng dẫn đồ án tốt nghiệp cho 9 sinh viên
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên vào sáng 1.12, PGS-TS Cao Hào Thi, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, cho biết đại diện Công an PA03 đã có buổi làm việc với nhà trường về ông Nguyễn Trường Hải, người sử dụng bằng tiến sĩ giả. Ông Hải đang gây xôn xao dư luận vì bị phát hiện sử dụng bằng tiến sĩ giả và từng làm giảng viên hướng dẫn đồ án/khóa luận tốt nghiệp cho sinh viên Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn.
Theo PGS-TS Cao Hào Thi, vào tháng 4.2021, ông Hải nộp hồ sơ vào trường ở vị trí giảng viên thỉnh giảng.
"Thời điểm đó, trưởng khoa công nghệ thông tin của trường từng quen biết ông Hải khi ông này giảng dạy tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nên đã đề xuất trường tiếp nhận. Giai đoạn này, do dịch Covid-19 bùng phát nên sinh viên học trực tuyến tại nhà. Chúng tôi cũng đã ký hợp đồng để ông Hải hướng dẫn 3 sinh viên làm đồ án/khóa luận tốt nghiệp và ông Hải chủ yếu hướng dẫn qua online", PGS-TS Thi thông tin.
XEM NHANH 20H ngày 4.12: Thực hư việc tiến sĩ giả đứng tên bài báo khoa học với nhiều người có tiếng
Sau đó, vào năm 2022, Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn cũng tiếp tục để ông Hải hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp cho sinh viên. Tổng cộng có tất cả 9 sinh viên được ông Hải hướng dẫn.
"Khi trường tiếp nhận hồ sơ (năm 2021), ông Hải nộp bản photo công chứng bằng thạc sĩ chứ chưa có bằng tiến sĩ. Chúng tôi thấy giấy tờ có công chứng đầy đủ nên tin tưởng", ông Thi cho hay.
Khi được hỏi liệu rằng nhà trường sẽ xem xét lại kết quả đồ án/khóa luận tốt nghiệp của 9 sinh viên do ông Hải hướng dẫn, ông Thi nói: "Đồ án/khóa luận tốt nghiệp được đánh giá bằng một hội đồng gồm nhiều thầy cô chứ không phải một cá nhân nào, nên kết quả của hội đồng chấm đồ án/khoá luận là đảm bảo đúng yêu cầu".
Ứng tuyển vị trí phó trưởng khoa, lương 40 triệu đồng/tháng
Trước đó, đại diện Trường ĐH Văn Hiến hôm 30.11 đã có buổi làm việc với Công an PA03 về vụ việc ông Hải dùng bằng tiến sĩ giả.
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, đại diện Trường ĐH Văn Hiến cho biết: "Trường cũng đã kể lại toàn bộ sự việc với cơ quan công an về việc ông Hải từ khi ông này nộp hồ sơ ứng tuyển vị trí phó trưởng khoa công nghệ thông tin của trường đến khi ông Hải xin nghỉ".
Vụ tiến sĩ giả: Thêm nhiều tình tiết khi trường làm việc với công an
Theo đó, vào năm 2022, ông Hải đã nộp hồ sơ để ứng tuyển vị trí phó trưởng khoa công nghệ thông tin tại Trường ĐH Văn Hiến. Trong buổi phỏng vấn, mức lương ông Hải đề xuất là 40 triệu đồng/tháng, lương thử việc là 35 triệu đồng/tháng. Thấy bằng tiến sĩ và các giấy tờ khác đều được công chứng nên trường cũng đã tiếp nhận và để ông Hải thử việc.
Thời gian này, ông Hải chỉ vào khoa đọc tài liệu, làm quen với công việc chứ chưa được giao công việc chính thức nào. "Sau khoảng gần một tháng thì ông Hải xin nghỉ việc vì lý do không hội nhập được và nhà trường cũng yêu cầu nhân sự xác minh văn bằng".
Theo thông tin từ một cán bộ Trường ĐH Văn Hiến, thời điểm đó nhân sự của khoa công nghệ thông tin không chỉ phát hiện bằng tiến sĩ, thạc sĩ của ông Hải là giả, mà còn phát hiện toàn bộ lý lịch bài báo khoa học của ông Hải ghi trong hồ sơ là của người khác.
"Các bài báo này đều đã công bố nên rất dễ dàng nhận thấy tác giả không phải ông Hải, nhưng ông Hải đã kê khai vào hồ sơ và lắp tên mình vô. Trong lý lịch khoa học, ông Hải còn ghi trước đó là trưởng bộ môn tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nhưng thực tế ông Hải chưa từng làm trưởng bộ môn ở trường này", vị cán bộ thông tin thêm.
Được biết đến nay, ông Hải đã bị phát hiện dùng bằng giả để đi lừa gần 10 trường ĐH, CĐ tại TP.HCM.
Bình luận (0)