Vụ trẻ mầm non tử vong ở Thái Bình: Sở GTVT Hà Nội cấp phù hiệu xe đưa đón

01/06/2024 20:13 GMT+7

Liên quan vụ trẻ mầm non tử vong do bị bỏ quên trên xe, qua kiểm tra trên hệ thống giám sát hành trình, xe đưa đón trẻ tại Trường mầm non Hồng Nhung 2 ở Thái Bình thuộc Hợp tác xã vận tải Hồng Hà và do Sở GTVT TP.Hà Nội quản lý cấp phù hiệu xe hợp đồng.

Hiệu trưởng vắng mặt từ hôm xảy ra vụ việc

Sau sự việc thương tâm trẻ mầm non tử vong do bị bỏ quên trên xe, những ngày này, tại Trường mầm non Hồng Nhung 2 vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, theo người bảo vệ trường, thì dịch vụ xe đưa đón học sinh đến trường đã dừng hoạt động ngay sau khi sự việc xảy ra. 

Ông cho biết, trước đây, có khoảng hơn 20 trẻ được phụ huynh đăng ký sử dụng dịch vụ xe đưa đón hàng ngày. Nhà trường chỉ sử dụng duy nhất chiếc xe ô tô 29 chỗ để đưa đón các bé. Tuy nhiên, hiện chỉ còn 10 cháu sử dụng dịch vụ này bởi có cháu đã chuyển trường, có cháu lên lớp nên không học ở đây nữa. 

Vụ trẻ mầm non tử vong ở Thái Bình: Sở GTVT Hà Nội cấp phù hiệu xe đưa đón- Ảnh 1.

Nhà trường đã chấm dứt dịch vụ đưa đón trẻ bằng ô tô, các phụ huynh phải chủ động đưa trẻ đến lớp

CÙ HIỀN

Ông này cũng cho biết thêm, hiệu trưởng vắng mặt từ ngày xảy ra sự việc, đến nay vẫn chưa đi làm trở lại.

Sáng 1.6, tại cổng Trường mầm non Hồng Nhung 2, các phụ huynh vẫn đưa con đến trường, trao đổi với PV Thanh Niên, chị Nguyễn Ngọc Anh (34 tuổi, trú tại xã Phú Xuân, TP.Thái Bình), cho biết, con chị 4 tuổi, đang học tại trường. Những ngày này, giáo viên chủ nhiệm động viên, trấn an phụ huynh bình tĩnh trước sự việc không mong muốn đã xảy ra.

"Tôi cũng lo lắng lắm, dù gia đình không sử dụng dịch vụ đưa đón con bằng ô tô. Tuy nhiên, trong lòng vẫn có gì đó rất bất an sau sự việc này", chị Ngọc Anh chia sẻ.

Xem nhanh 12h ngày 31.5: Cập nhật vụ em bé bị bỏ quên

Anh Trịnh Văn Đoàn (37 tuổi, trú tại P. Phúc Khánh, TP.Thái Bình) vẫn chưa hết lo lắng và đang có kế hoạch cho con chuyển trường. Anh nói, từ lâu gia đình anh đăng ký dịch vụ đón con đi học vào mỗi buổi sáng, chi phí 250.000 đồng/tháng. Sau hôm xảy ra sự việc, giáo viên đã gọi điện thông báo dừng dịch vụ đưa đón trẻ. Mấy ngày này hai vợ chồng anh thay nhau đưa đón con.

"Tôi rất lo lắng và có thể sẽ cho con chuyển trường bởi thực sự vợ chồng tôi không còn tin tưởng vào dịch vụ đón trẻ do trường cung cấp. Tuy nhiên, nếu tự sắp xếp đưa con đến trường thì không tiện cho công việc của hai vợ chồng".

Anh Đoàn cho biết thêm, từ ngày xảy ra sự việc, giáo viên chủ nhiệm thường xuyên nhắn tin trên nhóm Zalo để trấn an tinh thần các phụ huynh. Tuy nhiên, phía nhà trường không tổ chức bất kỳ cuộc họp phụ huynh để thông tin gì về việc chấn chỉnh của nhà trường.

Xe hoạt động ở Thái Bình nhưng do Sở GTVT Hà Nội quản lý

Theo thông tin từ Sở GTVT tỉnh Thái Bình, xe ô tô 29 chỗ màu mận chín mang biển kiểm soát 17F-000.91 là xe đưa đón học sinh Trường mầm non Hồng Nhung 2, do ông Phạm Văn Đông (trú tại P.Phú Khánh, TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình) làm chủ phương tiện. Xe đăng kiểm ngày 20.5 và hết hạn ngày 19.8.2024.

Vụ trẻ mầm non tử vong ở Thái Bình: Sở GTVT Hà Nội cấp phù hiệu xe đưa đón- Ảnh 2.

Chiếc xe đưa đón học sinh đã được lực lượng chức năng đưa về trụ sở cơ quan điều tra

CÙ HIỀN

Tài xế Nguyễn Văn Lâm có giấy phép lái xe hạng D, cấp ngày 10.3.2022, có thời hạn đến 10.3.2027. Qua kiểm tra trên hệ thống giám sát hành trình, xe ô tô mang biển kiểm soát 17F-000.91 thuộc Hợp tác xã vận tải Hồng Hà và do Sở GTVT TP.Hà Nội quản lý cấp phù hiệu xe hợp đồng.

Ngày xảy ra sự việc thương tâm tại Trường mầm non Hồng Nhung 2, chiếc xe đã được lực lượng chức năng đưa về trụ sở cơ quan điều tra ngay trong đêm.

Trao đổi với PV Thanh Niên, luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh sâu về vấn đề tiêu chuẩn tài xế điều khiển xe đưa đón học sinh, mà chỉ có quy định chung đối với phương tiện là xe ô tô chở học sinh đang được các Sở GTVT cấp phép hoạt động theo loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Các phương tiện này phải tuân thủ các quy định về chất lượng phương tiện khi khai thác kinh doanh dịch vụ.

Theo đó, tại điểm a khoản 2 điều 11 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định đơn vị kinh doanh vận tải phải theo dõi, giám sát hoạt động của lái xe và phương tiện trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh vận tải.

Nghị định 10 cũng quy định đơn vị kinh doanh vận tải phải có phương án kiểm soát để bảo đảm không còn hành khách ở trên xe khi đã kết thúc hành trình (áp dụng đối với xe kinh doanh vận tải hành khách).

Ngoài ra, điểm b khoản 6 điều 4 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT cũng quy định, sau khi kết thúc hành trình hoặc kết thúc ca làm việc, trước khi rời khỏi xe, người lái xe phải kiểm tra khoang hành khách để bảo đảm không còn hành khách ở trên xe (áp dụng đối với xe kinh doanh vận tải hành khách).

Như vậy, dù không nêu cụ thể xe chở học sinh nhưng rõ ràng hoạt động dịch vụ đưa đón học sinh đã được quy định trong các thông tư, nghị định về kinh doanh vận tải hành khách.

Tuy nhiên, theo luật sư Khuyên, cần bổ sung việc kinh doanh vận tải giữa nhà xe với nhà trường dịch vụ đưa đón xe là ngành nghề kinh doanh có điều kiện riêng, phải xin giấy phép con, đủ điều kiện về phương tiện đạt tiêu chuẩn, nhân sự được đào tạo bài bản, có phương án ứng xử với các tình huống diễn biến khi đưa đón học sinh được Sở GD-ĐT thẩm định. Cần siết chặt như vậy hoạt động kinh doanh vận tải đưa đón học sinh mới chặt chẽ và hạn chế việc xảy ra rủi ro nguy hiểm đến sức khoẻ, tính mạng của học sinh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.