'Vụ Vạn Thịnh Phát quy mô rất lớn'

13/09/2023 15:27 GMT+7

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho biết, nhiều đại án tham nhũng vừa qua là chưa có tiền lệ về quy mô, tính chất phức tạp. Như vụ Vạn Thịnh Phát liên quan rất nhiều lĩnh vực, quy mô rất lớn, ảnh hưởng nguồn lực quốc gia.

Sáng 13.9, tiếp tục phiên họp 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác phòng chống tội phạm, tham nhũng, tiêu cực năm và công tác tư pháp năm 2023.

Viện trưởng VKSND tối cao:'Vụ Vạn Thịnh Phát liên quan nhiều lĩnh vực, quy mô rất lớn' - Ảnh 1.

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí tại phiên họp sáng 13.9

GIA HÂN

Nêu ý kiến tại phiên họp, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí nói sau dịch Covid-19 kinh tế - xã hội, đời sống đại đa số người dân khó khăn. Điều này dẫn đến tội phạm phát triển tăng cả về số lượng, tính chất phức tạp, thủ đoạn và phương thức hoạt động.

Nói riêng về tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ, ông Trí cho biết, cuối 2022, đầu năm 2023, các cơ quan tố tụng đã phải thụ lý điều tra những vụ án theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà về quy mô, tính chất phức tạp là "chưa có tiền lệ". Nhiều vụ án đến giờ này mới chỉ tách ra để xác định một số hành vi, vi phạm và tiếp tục phải phân tách để tiếp tục điều tra chứ làm hết ngay thì "làm không nổi".

"Quy mô tài sản, lĩnh vực của các vụ án thì trên rất nhiều lĩnh vực. Như vụ án Công ty Vạn Thịnh Phát khởi tố vừa rồi liên quan tới ngân hàng, chứng khoán, thẩm định giá, công chứng, phát hành trái phiếu, kể cả sai quy định. Quy mô lớn ảnh hưởng đến nguồn lực quốc gia và tài sản liên quan thế chấp của ngân hàng", ông Trí cho hay.

Theo ông Trí, những vụ án lớn khiến cơ quan tố tụng "rất mất sức", áp lực rất lớn vì quy mô, tính chất và nhiều vấn đề rất mới trong quá trình điều tra chứng minh tội phạm.

 Luật Đất đai chưa sửa, khiếu kiện hành chính còn phức tạp 

Về những tồn tại khác liên quan đến vấn đề giám định, định giá chưa cải thiện được, ông Trí nói đã giải trình mấy lần với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo ông Trí, hiện nay không có thời hạn cho định giá, giám định nhưng tiến độ điều tra có thời hạn nên mâu thuẫn.

"Chỗ này cũng sẽ trở thành chỗ sẽ tránh né và thậm chí cơ quan tố tụng sẽ bó tay trong một số trường hợp", ông Trí nói, đề nghị trong xây dựng pháp luật sắp tới phải tính toán để đảm bảo điều kiện cho các cơ quan định giá, giám định phải làm tốt hơn nữa, phải có trách nhiệm hơn nữa nhưng đồng thời cũng phải có những chế tài cụ thể, không thể nào để mâu thuẫn như vậy.

Về án hành chính, Ủy ban Tư pháp đánh giá tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm án hành chính chưa được chấp nhận chưa đạt yêu cầu. Ông Trí nói 70 - 80% vướng mắc án hành chính là các vấn đề liên quan tới đất đai. Luật Đất đai chưa sửa được, mà sửa có thấu đáo để có thể giảm bớt được tranh chấp hay không, là một vấn đề thách thức lớn.

"Nếu ngày nào luật Đất đai chưa sửa, sửa mà chưa đạt thì cơ sở của chuyện khởi kiện hành chính vẫn tiếp tục phức tạp", ông Trí nói thêm.

Cạnh đó, ông Trí cho rằng, chế tài trách nhiệm liên quan tới ông cán bộ bị kiện chưa có. Ông cung cấp tài liệu, ông đối thoại hay không, ông đối thoại như thế nào sẽ liên quan đến chuyện kháng nghị hay không kháng nghị của Viện kiểm sát và xét xử của tòa.

Tuy nhiên, ông Trí cho rằng, thực tiễn xử lý án hành chính có rất nhiều khó khăn, "muốn làm cho tới cùng nhưng không làm được".

"Tôi cũng làm Phó chủ tịch TP.HCM nhiều năm rồi tôi biết, bảo Chủ tịch TP.HCM đi đối thoại thì không bao giờ ông làm được việc gì khác nữa", ông Trí nói và cho rằng vẫn còn những bất cập về pháp luật nhưng sửa thế nào thì rất khó.

Buông đầu này thì sẽ lọt đầu nọ chứ không đơn giản

Ông Trí cũng nêu vấn đề giữa yêu cầu chống oan sai và chống để lọt, phải chấp nhận một con số nào đó chứ không thể muốn một con số tuyệt đối là không.

"Tôi 8 - 9 năm làm Viện trưởng tôi muốn phấn đấu một số tuyệt đối thử 1 năm nhưng không nổi, vì làm mạnh đầu này thì sẽ buông đầu kia, mà buông đầu này thì sẽ lọt đầu nọ chứ không phải đơn giản", ông Trí phân trần.

Nhấn mạnh trong thực tiễn không có con số zero (số 0) về oan sai, ông Trí cho rằng, cần phải chọn một con sai số cho phép. Nếu anh điều hành vượt con số đó 2 lần, nhắc anh sửa không nổi thì anh từ chức.

"Viện trưởng thì hồi hộp đi giải trình với Quốc hội, với Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, còn cán bộ dưới thì hồi hộp với viện trưởng, không biết ông cách chức mình ngày nào, kỷ luật mình ngày nào. Chúng ta phải bảo vệ cả 2 phía, cả người không có hành vi phạm tội bị oan nhưng cũng phải bảo vệ cán bộ trong môi trường này", ông Trí nói và cho rằng, với xác suất sai 0,001% là "có thể tha thứ được để anh em an tâm hành nghề".

Ông Trí phân tích, hiện cán bộ tố tụng có tới 4 "vòng kim cô": một là quy định của Đảng; hai là luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước; kỷ luật các ngành và trách nhiệm pháp luật hình sự đều rất nghiêm.

Ông Trí cũng cho biết, vừa rồi ông ra lệnh khởi tố 1 vụ án, bắt giam 5 cán bộ của viện kiểm sát liên quan đến tiêu cực, tham nhũng, nhận hối lộ. "Xử anh em thì đau lòng nhưng mình nghiêm để răn đe, để người khác không làm nữa, chứ không phải không thương các em, nhưng phải làm như thế. Muốn nói hết như thế để được sự chia sẻ của các đồng chí, còn vấn đề gì thuộc trách nhiệm phải làm là vẫn làm", ông Trí phân trần.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.