Sau một ngày xét xử phúc thẩm, chiều 10.3, TAND cấp cao tại TP.HCM tuyên giữ nguyên án sơ thẩm vụ án “tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab (Grab).
Theo đó, về thiệt hại của Vinasun, tòa phúc thẩm đánh giá có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính vẫn là từ hành vi vi phạm pháp luật của Grab.
Vì vậy, TAND TP.HCM xử sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab bồi thường hơn 4,8 tỉ đồng cho Vinasun, là có tính chất tương đối, hợp tình hợp lý.
Đối với các kiến nghị của cấp sơ thẩm, HĐXX phúc thẩm đánh giá trong quá trình cách mạng công nghệ 4.0, Grab đã mang đến mô hình kinh tế chia sẻ, tận dụng xe nhà giúp người lao động có thu nhập và người sử dụng dịch vụ có thêm lựa chọn.
Lợi ích Grab mang lại cho người dân và thị trường vận tải là không thể phủ nhận, song hình thức này đã bị biến tướng, núp bóng, đã và đang mang lại nhiều hệ lụy, kể cả về mặt kinh tế và xã hội nói chung, cũng như đối với các doanh nghiệp vận tải nói riêng.
Bởi Grab không phải đóng thuế giống các doanh nghiệp vận tải, không phải đóng logo, không bị kê khai giá, không bị đóng thuế, bảo hiểm xã hội cũng như bảo hiểm y tế cho người lao động...
Vì vậy, theo tòa phúc thẩm, các kiến nghị của tòa sơ thẩm đối với các cơ quan thẩm quyền liên quan là có căn cứ, nhằm tạo ra được môi trường kinh doanh văn minh, bình đẳng, minh bạch trong giai đoạn hội nhập.
Trước đó, năm 2015, Vinasun cho rằng Grab vi phạm Đề án 24 của Bộ GTVT gây thiệt hại cho mình nên khởi kiện, đề nghị TAND TP.HCM buộc Grab phải bồi thường hơn 41 tỉ đồng.
Bình luận (0)