Vụ Vinasun kiện Grab: Quan điểm của viện kiểm sát

24/10/2018 06:13 GMT+7

VKS nêu quan điểm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab phải bồi thường một lần hơn 41,2 tỉ đồng về thiệt hại phát sinh do các hành vi vi phạm của Grab gây ra.

Chiều 23.10, đại diện Viện KSND TP.HCM (VKS) đã phát biểu quan điểm vụ kiện "tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng" giữa nguyên đơn là Công ty CP Ánh Dương VN (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab (Grab).
Theo đó, VKS nhận định, dựa vào chứng cứ có trong hồ sơ và kết quả tranh tụng tại tòa, đủ cơ sở chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab phải bồi thường một lần hơn 41,2 tỉ đồng về thiệt hại phát sinh do các hành vi vi phạm của Grab gây ra.
Cụ thể, về pháp lý để chứng minh Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải, theo VKS, tại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 14.2.2014, cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, điều lệ của Grab, đều thể hiện mã ngành kinh doanh là “vận tải hành khách đường bộ trong nội thành, ngoại thành (trừ xe buýt)”, cùng ngành nghề với Vinasun. Trong khi đó, theo đề án thí điểm (QĐ 24 của Bộ GTVT), Grab chỉ được phép cung cấp ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.
Ngoài ra, VKS nêu, dựa trên thực tế hoạt động của Grab tại thị trường VN, có thể khẳng định Grab không đơn thuần là đơn vị cung cấp nền tảng kết nối cho đơn vị kinh doanh vận tải theo đề án thí điểm. Bởi, Grab đang lợi dụng QĐ 24 để điều hành trọn vẹn một quy trình kinh doanh vận tải taxi, tương tự Vinasun, gồm: tuyển tài xế, điều hành xe và chỉ định tài xế đón khách; quyết định giá cước và điều chỉnh tăng/giảm giá; thu tiền trực tiếp của khách hàng vào tài khoản Grab. Tài xế phải mở tài khoản nộp tiền vào Grab mới được sử dụng ứng dụng và đón khách. Grab quyết định mức chiết khấu cho tài xế, tăng giảm mức chiết khấu này. Grab quy định thưởng/phạt đối với tài xế, kể cả phạt tài xế không đón khách, mở hoặc tắt ứng dụng đối với tài xế; mua bảo hiểm tai nạn tự nguyện cho hành khách và tài xế.
Mặt khác, theo VKS, Grab đã thực hiện nhiều chương trình khuyến mại trái với quy định, dựa trên giá cước vận chuyển, trong đó có những chuyến đi 0 đồng. Theo báo cáo năm 2017 của Bộ Tài chính thể hiện, từ năm 2014 - 2017, Grab kinh doanh lỗ 1.726,2 tỉ đồng, trong đó, phần lớn là chi phí tiếp thị, quảng cáo, khuyến mại (trong khi vốn điều lệ chỉ 20 tỉ đồng).
Từ những cơ sở pháp lý và thực tế hoạt động trên, VKS nhận định có đủ cơ sở xác định Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi.
Liên quan đến trách nhiệm bồi thường, VKS phân tích, dựa vào Nghị quyết 03/2006 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, về xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, yêu cầu đòi bồi thường của Vinasun là có cơ sở.
VKS nêu Vinasun so sánh lợi nhuận năm 2016, 6 tháng đầu năm 2017 giảm sút so với lợi nhuận năm 2015 x 54,25% (lượng xe Grab đăng ký chiếm trên thị trường) để tính mức tiền đòi bồi thường; đồng thời, Vinasun đã chứng minh được hành vi trái pháp luật của Grab; mối quan hệ nhân quả từ hành vi trái pháp luật của Grab dẫn đến thiệt hại của Vinasun, rằng theo kết quả khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Quốc Việt thì có đến 74% khách hàng của Vinasun đã chuyển qua sử dụng xe của Grab do giá cước rẻ và được hưởng từ các chương trình khuyến mại.
HĐXX sẽ nghị án dài ngày và tuyên án vào ngày 29.10 tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.