Vụ VN Pharma giai đoạn 2: Thuốc giả được thẩm định sớm trước 1.000 hồ sơ vì là 'ngoại lệ'

13/05/2022 15:37 GMT+7

Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuốc của Công ty Vimedimex, cựu Trưởng phòng Đăng ký thuốc (Cục Quản lý dược, Bộ Y tế ) đã “bút phê”, ngay sau đó, hồ sơ của Vimedimex được thẩm định trước 1.000 hồ sơ khác, sau công văn “ngoại lệ”.

Ngày 13.5, TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét hỏi các bị cáo trong vụ án buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh liên quan đến Công ty CP VN Pharma giai đoạn 2.

Trong phần thẩm vấn các bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), HĐXX tập trung làm rõ những sai phạm dẫn tới việc 6/7 loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 Canada được cấp phép đăng ký, sau đó nhập khẩu và tiêu thụ tại Việt Nam.

Vụ thuốc giả tại VN Pharma: Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường hầu tòa

2 thuốc giả được thẩm định trước 1.000 hồ sơ sau "bút phê" của sếp

Theo cáo trạng, ngày 16.5.2010, bộ phận một cửa Văn phòng Cục Quản lý dược tiếp nhận hồ sơ xin cấp số đăng ký cho 2 thuốc H2K Levofloxacin và H2K Ciprofloxacin, mang nhãn mác Health 2000 Canada, do Công ty Vimedimex đứng tên đăng ký. Hồ sơ sau đó được chuyển về Phòng Đăng ký thuốc (Cục Quản lý dược) để thẩm định.

Bị cáo Trương Quốc Cường tại phiên tòa

trần cường

2 tháng sau, Công ty Vimedimex có công văn số 12, xin sớm thẩm định hồ sơ đăng ký thuốc của mình. Nhận công văn này, bị cáo Trương Quốc Cường thời điểm đó giữ chức Cục trưởng Cục Quản lý dược, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng xét duyệt thuốc (Bộ Y tế), đã bút phê, chuyển tới bị cáo Phạm Hồng Châu, cựu Trưởng phòng Đăng ký thuốc. Sau đó, bà Châu lại bút phê công văn số 12 và chuyển cho 2 chuyên viên của phòng nghiên cứu, giải quyết theo chủ trương chung.

Thực hiện chỉ đạo, 2 chuyên viên của Phòng Đăng ký thuốc đã đưa hồ sơ 2 thuốc kể trên thẩm định sớm trước 1.000 hồ sơ khác. Cả 2 chuyên viên này đều khai việc đưa ra thẩm định sớm này là thực hiện ý kiến chỉ đạo của bà Châu. Nội dung bút phê của bà Châu tại công văn số 12 được 2 chuyên viên hiểu là phải đưa 2 thuốc ra thẩm định sớm theo đề nghị của Công ty Vimedimex. Nội dung “thực hiện theo chủ trương” có nghĩa là đưa hồ sơ ra thẩm định sớm đã được bà Châu trao đổi, giải thích từ trước.

Bị cáo Phạm Hồng Châu khai báo trước tòa

trần cường

Tại tòa, bị cáo Châu thừa nhận việc đã bút phê công văn số 12. Bị cáo này khai bút phê như vậy để 2 chuyên viên phối hợp với nhau, chức năng giải quyết là của các chuyên viên.

Bị cáo Châu cũng đổ lỗi cho việc đưa ra thẩm định sớm là của chuyên viên và cho rằng bản thân không biết chuyên viên đưa ra thẩm định sớm và không có ai báo cáo lại việc đưa hồ sơ ra thẩm định sớm.

“Nguyên tắc thì người ta nộp sớm, được giải quyết sớm chứ? Trình tự có theo thứ tự hay lộn xộn?”, HĐXX hỏi.

Đáp lại, bị cáo Châu cho rằng, Phòng Đăng ký thuốc cứ đưa ra theo tuần tự. Trong quá trình thực hiện, đa số đều tuần tự và không có quy định nào. Phòng Đăng ký thuốc phải chịu trách nhiệm về việc giám sát, quản lý.

Khai trước tòa về công văn đề nghị thẩm định sớm 2 hồ sơ thuốc của Công ty Vimedimex, bị cáo Châu cho rằng “đó là trường hợp ngoại lệ”.

“Chính vì ngoại lệ mới được cấp trên chuyển cho bị cáo, bị cáo chuyển cho cấp dưới đúng không?”, HĐXX truy vấn.

“Vâng!”, bị cáo Châu đáp lại.

Sau đó, HĐXX nhận định chính vì “ngoại lệ” nên 2 chuyên viên hiểu trường hợp này là “giải quyết sớm” trước 1.000 hồ sơ khác.

Cáo trạng thể hiện, hồ sơ 2 thuốc H2K Levofloxacin và H2K Ciprofloxacin khi đưa ra thẩm định không được hợp pháp hóa lãnh sự, chỉ có chữ ký mà không có tên đầy đủ của người ký và nhiều tồn tại nên 3/3 chuyên gia của nhóm pháp chế đã thống nhất không cấp số đăng ký.

Bị cáo Nguyễn Thị Thu Thủy, cựu Phó phòng Quản lý giá thuốc (Cục Quản lý dược) ghi ý kiến đề xuất của nhóm pháp chế là “không cấp số đăng ký”, đánh dấu vào ô “không cấp” trên biên bản thẩm định. Sau đó đã xảy ra việc đưa thêm trái quy định các tài liệu để khắc phục các lỗi chuyên gia thẩm định ghi trong biên bản.

Bị cáo Thủy thực hiện thẩm định lại hồ sơ 2 thuốc này trên các tài liệu được đưa thêm vào hồ sơ trái quy định, tự ghi thêm các ý kiến phía sau nhận xét, đánh giá trước đó của ông Cảnh và cũng là ý kiến chung của nhóm, xóa ý kiến đề xuất ban đầu của nhóm pháp chế, thay đổi từ “không cấp số đăng ký” sang cho “bổ sung hồ sơ” mà không trao đổi, thông báo lại với các chuyên gia trong nhóm. Sau đó, 2 loại thuốc này được cấp phép đăng ký.

Trả lời về vấn đề này, bị cáo Châu khai có biết việc tẩy xóa nhưng tưởng việc xóa đó là sự thống nhất của các bên liên quan.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.