Vụ vợ bị đơn định nhảy lầu sau khi TAND TP.HCM tuyên án: Đại diện Hội đồng xét xử phúc thẩm nói gì?

08/07/2020 06:36 GMT+7

Vụ án tranh chấp dân sự giữa nguyên đơn là vợ chồng ông Phan Quý và 3 bị đơn Lê Văn Dư, Lê Sĩ Thắng, Khâu Văn Sĩ đang gây nhiều tranh cãi quanh bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM.

Liên quan vụ án tranh chấp dân sự giữa nguyên đơn là vợ chồng ông Phan Quý và 3 bị đơn Lê Văn Dư, Lê Sĩ Thắng, Khâu Văn Sĩ đang gây nhiều tranh cãi quanh bản án phúc thẩm, hôm qua 7.7, đại diện HĐXX phúc thẩm đã có những trao đổi với PV Báo Thanh Niên về nội dung vụ án cũng như nhận định của HĐXX.

“Bản án không đặt vấn đề hợp đồng chuyển nhượng vô hiệu hay không”

Cụ thể, theo đại diện HĐXX phúc thẩm, vợ chồng nguyên đơn chỉ khởi kiện các bị đơn trả lại 674 m2 đất tại Q.Gò Vấp. Vì vậy, tòa phúc thẩm căn cứ khoản 24 điều 3 luật Đất đai năm 2013 để xác định tranh chấp giữa các bên là tranh chấp về quyền sử dụng đất (QSDĐ), không phải tranh chấp hợp đồng dân sự chuyển nhượng QSDĐ như cấp sơ thẩm nhận định.
Vì xác định tranh chấp QSDĐ nên tòa phúc thẩm không áp dụng thời hiệu khởi kiện và căn cứ vào điều 503 bộ luật Dân sự 2015, rằng “việc chuyển quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký QSDĐ theo quy định pháp luật”. Tuy nhiên, do các bên chỉ mua bán bằng giấy tay, đến nay bị đơn chưa đăng ký với cơ quan có thẩm quyền về QSDĐ theo quy định, nên HĐXX nhận định 674 m2 đất đang tranh chấp vẫn thuộc quyền sử dụng của vợ chồng ông Quý.
“Nguyên đơn căn cứ vào sổ đỏ để nói đất đó là của mình, bị đơn dựa vào hợp đồng chuyển nhượng để nói đất đó là của họ, vì vậy đối tượng hướng tới là đất. Lúc này, hợp đồng chuyển nhượng, sổ đỏ là tài liệu, chứng cứ để các bên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”, đại diện HĐXX nêu và cho biết thêm: “HĐXX không tuyên hợp đồng chuyển nhượng giữa các bên vô hiệu hay không, và nguyên đơn cũng không kiện liên quan đến hợp đồng. Việc chuyển nhượng đất như thế nào chỉ là căn cứ xác lập QSDĐ. Khi xác định là tranh chấp QSDĐ thì xác định thời điểm chuyển dịch QSDĐ rất quan trọng, để xác định đất là của ai. Việc mua bán giấy tay là có nhưng thời điểm chuyển dịch QSDĐ chưa xảy ra, đất vẫn đang đứng tên ông Quý. Còn trong quá trình chuyển nhượng, nếu bị đơn cho rằng nguyên đơn bội tín, làm thiệt hại cho mình thì HĐXX phúc thẩm đã dành cho bị đơn quyền khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại”.
Việc bị đơn đưa ra các quy định đã thanh toán toàn bộ trong mua bán và đã nhận đất, vì vậy đương nhiên hợp đồng chuyển nhượng có hiệu lực, đại diện HĐXX một lần nữa khẳng định: “Bản án không đặt vấn đề hợp đồng chuyển nhượng vô hiệu hay không. Bị đơn dựa vào việc đã thanh toán toàn bộ để công nhận hợp đồng nhưng điều 129 bộ luật Dân sự 2015 chỉ nói đến vấn đề công nhận hợp đồng mà không nói đến công nhận hiệu lực của hợp đồng. Trong xét xử, việc công nhận chuyển nhượng bằng giấy tay rất nhiều và pháp luật có quy định. Vì vậy, nếu HĐXX xét xử mà tuyên không chấp nhận thì không khác gì đưa mình vào thế khó. Trong trường hợp này, nếu bị đơn làm thủ tục đăng ký QSDĐ và được điều chỉnh trong sổ đỏ thì đương nhiên bị đơn được công nhận QSDĐ. Thói quen dân gian là một chuyện nhưng tòa xử theo quy định pháp luật”.
Vụ vợ bị đơn định nhảy lầu sau khi TAND TP.HCM tuyên án: 1

Diện tích đất ông Phan Quý đã bán và xảy ra kiện

ẢNH: SONG MAI

Đã báo cáo vụ việc lên TAND cấp trên

Quá trình giải quyết vụ án, bị đơn cũng liên tục khiếu nại, cho rằng tòa sơ thẩm xét xử không khách quan do con gái nguyên đơn đang làm thẩm phán tại TAND Q.Gò Vấp (nơi xét xử sơ thẩm).
Về việc này, ngày 6.7, ông Trần Đăng Tân, Chánh án TAND Q.Gò Vấp, cho biết: “Đúng là con gái của ông Quý đang là thẩm phán của TAND Q.Gò Vấp, nhưng vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của tòa Q.Gò Vấp và ngay từ đầu chúng tôi không cho cô ấy tham gia bất cứ việc gì liên quan đến vụ án. Vụ án được HĐXX sơ thẩm xét xử độc lập, khách quan và HĐXX chỉ tuân theo pháp luật trong vụ án này. HĐXX cũng sẽ chịu trách nhiệm độc lập với bản án mình đã tuyên”.
Đối với nội dung bị đơn đề nghị thay đổi chủ tọa phiên tòa phúc thẩm, vì cho rằng thẩm phán này có mối quan hệ thân thiết, làm ăn chung với nguyên đơn, dẫn đến giải quyết vụ án không khách quan, ông Lê Thanh Phong, Chánh án TAND TP.HCM, cho biết khi thay đổi thẩm phán trong một vụ án, phải đối chiếu quy định pháp luật, kiểm tra tài liệu liên quan và nghe ý kiến thẩm phán. Trên cơ sở đó đánh giá có thay đổi hay không và chỉ thay đổi khi có căn cứ rõ ràng cho rằng thẩm phán không vô tư, khách quan khi làm nhiệm vụ.
Còn việc nội dung bản án đang có những dư luận trái chiều và phản ứng tiêu cực, ông Lê Thanh Phong khẳng định đã nhận được bản giải trình của chủ tọa và TAND TP.HCM đã báo cáo vụ việc lên TAND tối cao, TAND cấp cao tại TP.HCM.
“Bản án đúng sai như thế nào sẽ được người có thẩm quyền giải quyết và HĐXX chịu trách nhiệm về phán quyết của mình. Trường hợp có quyết định giám đốc thẩm đối với vụ án, thì trách nhiệm của thẩm phán tới đâu sẽ được xem xét theo Quyết định 120 của TAND tối cao về quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong TAND”, ông Lê Thanh Phong nêu.

Sẽ xem xét tính đúng đắn, căn cứ của bản án

Liên quan vụ việc nêu trên, ngày 7.7, lãnh đạo TAND cấp cao tại TP.HCM cho biết dư luận đang có những đánh giá trái chiều nên TAND cấp cao sẽ xem xét tính đúng đắn và căn cứ của những bản án liên quan, từ đó sẽ có quyết định kháng nghị hay không. Tương tự, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM cũng nêu đang chờ báo cáo của Viện KSND TP.HCM, cùng hồ sơ vụ án, từ đó sẽ có quyết định chính thức.
Theo diễn biến vụ án, trong các giai đoạn 2002 và 2009, vợ chồng ông Quý bán 674 m2 đất (bằng giấy tay) cho 3 bị đơn. Năm 2017, cho rằng việc mua bán chỉ bằng giấy tay, chưa công chứng, chứng thực, sang tên nhưng các bị đơn lại thỏa thuận chuyển nhượng qua lại với nhau, xây nhà trái phép trên đất nên nguyên đơn kiện ra TAND Q.Gò Vấp yêu cầu tuyên bố giao dịch chuyển nhượng đất chưa có hiệu lực. Không đồng ý, bị đơn phản tố, yêu cầu nguyên đơn hoàn tất việc chuyển nhượng.
Tháng 11.2019, TAND Q.Gò Vấp xét xử sơ thẩm vụ án “tranh chấp hợp đồng dân sự chuyển nhượng quyền sử dụng đất” giữa các bên. Theo đó, tòa này tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng 500 m2 đất giữa vợ chồng ông Quý và ông Khâu Văn Sĩ, do thời điểm chuyển nhượng ông Quý chưa có sổ đỏ, không đủ điều kiện giao kết hợp đồng. Song, với 2 hợp đồng chuyển nhượng giữa vợ chồng ông Quý và ông Lê Văn Dư, Lê Sĩ Thắng, theo tòa, thời điểm chuyển nhượng có vi phạm về hình thức và trái quy định pháp luật (không đủ điều kiện tách thửa) nhưng xét thực tế bị đơn đã và đang cư trú lâu dài trên phần đất nhận chuyển nhượng nên HĐXX công nhận 2 hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ liên quan. Từ đó, ông Dư có quyền liên hệ cơ quan chức năng tách thửa, đăng ký QSDĐ đối với 174 m2/674 m2 đang tranh chấp.
Tuy nhiên, ngày 1.7, xét xử phúc thẩm, TAND TP.HCM nhận định tranh chấp giữa các bên là “tranh chấp QSDĐ”, từ đó sửa bản án sơ thẩm, không công nhận việc chuyển QSDĐ giữa vợ chồng ông Phan Quý và 3 bị đơn; công nhận 674 m2 đất thuộc quyền sử dụng của nguyên đơn. Khi nhận lại đất, nguyên đơn có trách nhiệm thanh toán cho ông Sĩ hơn 1,32 tỉ đồng; ông Dư và ông Thắng gần 836 triệu đồng/người. Trường hợp có tranh chấp về các khoản tiền các đương sự đã thanh toán cho nhau khi nhận chuyển nhượng đất và các thiệt hại phát sinh từ giao dịch chuyển nhượng, các đương sự có quyền khởi kiện.
Sau khi nghe HĐXX phúc thẩm tuyên án, cho rằng bản án “bất công”, vợ ông Dư đòi nhảy lầu tự tử tại trụ sở TAND TP.HCM nhưng được bảo vệ cùng những người tham dự phiên tòa ngăn cản kịp thời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.