Hôm 19.5, thông tin từ lãnh đạo Công an H.Gia Lộc (Hải Dương) cho biết, đã khởi tố Phạm Đức Hải (tức Hải Idol, 28 tuổi) và 3 người khác về tội gây rối trật tự công cộng.
Theo đó, Hải có nghề nghiệp bán quần áo, đã sử dụng nhiều tài khoản để bán hàng online trên Facebook, TikTok. Hải mượn đám cưới của Nguyễn Văn Năm (nhân viên cũ của Hải), để đánh bóng tên tuổi, nhằm tăng lượng người theo dõi và tương tác. Từ đó, Hải Idol đã dàn xếp dàn xe sang rước dâu dừng, đỗ dưới lòng đường tuyến trục Bắc - Nam để chụp ảnh, ghi hình hôm 21.4.
Theo công an, hành vi của Hải và 3 bị can (trong đó có chú rể) đã vi phạm nghiêm trọng quy định an toàn giao thông, gây ùn tắc trên đoạn đường từ quốc lộ 38 đi vào đường trục Bắc - Nam.
Tương tự, một trường hợp khác, hôm 17.5, trên quốc lộ 28B, H.Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, một nhóm phụ nữ gồm 5 người dừng ô tô trên đường đèo và nhảy múa trước mũi xe. Trong khi đó, thời điểm diễn ra vụ việc, trên đường đang có nhiều phương tiện lưu thông ở cả 2 chiều, gây nguy hiểm cho chính những người phụ nữ này và người đi đường.
Cuốn sổ tố Hải Idol 'phân công từng người khai báo gì' khi công an xét hỏi
Vậy pháp luật quy định sao về việc làm trên, khi nào thì bị xử phạt hành chính, hình sự?
Trao đổi với Thanh Niên, luật sư Phan Mậu Ninh (Công ty TNHH luật Thành Văn) cho biết, việc người dân ra đường nhảy múa, tập thể dục, hay dàn hàng ngang xe cô dâu ngoài đường… để chụp ảnh, quay clip đăng lên mạng xã hội là vi phạm pháp luật. Tùy theo mức độ vi phạm, mà người thực hiện hành vi có thể bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo điều 36 luật Giao thông đường bộ quy định "lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông". Đồng thời, tại khoản 2 điều 35 luật này còn quy định các hành vi bị cấm, trong đó có "tụ tập đông người trái phép trên đường bộ".
Việc tập trung đông người trái phép, nằm, ngồi trên đường bộ gây cản trở giao thông sẽ bị xử phạt từ 100.000 - 200.000 đồng (khoản 2 điều 11 Nghị định 100 năm 2019). Bên cạnh đó, người vi phạm còn có thể bị xử phạt từ 400.000 - 600.000 đồng nếu dừng, đỗ xe trên phần đường xe chạy (khoản 2 điều 5 Nghị định 100 năm 2019). Nếu việc làm này gây ra tai nạn giao thông, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng.
Cũng theo luật sư Ninh, người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Còn nếu người phạm tội có tổ chức, xúi giục người khác gây rối, gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng thì phạt tù từ 2 - 7 năm (khoản 2, điều 318 bộ luật Hình sự).
"Theo tôi, người tham gia giao thông nên chấp hành đúng quy định pháp luật để đảm bảo an toàn cho chính mình và cho người đi đường. Người dân không nên vì mục đích câu like trên mạng xã hội mà vướng phải vòng lao lý", luật sư Ninh nói.
Bình luận (0)