Vụ xe khách gặp nạn ở Tam Đảo: Kỹ năng dùng phanh khi lái xe đường đèo

29/02/2024 15:53 GMT+7

Ngoài việc tuân thủ luật giao thông, việc nắm vững những kỹ năng, thao tác với phanh cũng giúp tài xế hạn chế những nguy hiểm, rủi ro khi lái xe đường đèo.

Những cung đường đèo với nhiều dốc cao, cua gắt khuất tầm nhìn luôn tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tai nạn. Vì vậy, để hạn chế rủi ro khi lái xe di chuyển trên những tuyến đường này, tài xế cần tuân thủ luật giao thông, đồng thời nắm vững các kỹ năng đi đường đèo, nhất là kỹ năng sử dụng phanh.

Sai lầm vì lạm dụng phanh khi đổ đèo

Mạng xã hội mới đây lan truyền một đoạn video, ghi lại tình huống tai nạn khiến nhiều người phải "thót tim". Theo đó, một xe khách loại 29 chỗ ngồi đang di chuyển tại đoạn đường đèo dốc trên Quốc lộ 2B (đoạn qua địa bàn huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) thì bất ngờ mất phanh, đâm gãy hàng rào hộ lan và lao xuống dưới ta-luy.

Mặc dù may mắn không gây thiệt hại về người, nhưng vụ việc này một lần nữa cảnh báo các tài xế về nguy cơ tiềm ẩn tai nạn do xe bị mất phanh tại những cung đường đèo. Đặc biệt là những đoạn đèo dốc cao và dài.

Vụ xe khách gặp nạn ở Tam Đảo: Kỹ năng dùng phanh khi lái xe đường đèo- Ảnh 1.

Ô tô bị mất phanh là một trong những nguyên nhân chính gây ra tai nạn trên đường đèo

Thống kê cho thấy, xe mất phanh là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tai nạn trên những cung đường đèo tại Việt Nam. Theo nhiều tài xế có kinh nghiệm, sở dĩ xe gặp phải tình trạng mất phanh là do nhiều tài xế thiếu kỹ năng, lạm dụng phanh để hãm tốc độ trong quá trình đổ dốc.

Cụ thể, khác với những đoạn đường bằng phẳng, khi xe đổ dốc, ngoài lực kéo từ động cơ, xe sẽ có xu hướng lao nhanh hơn do tác động cộng hưởng từ trọng lực và lực quán tính. Chính vì vậy, để ghìm xe lại, nhiều lái xe có xu hướng đạp và rà phanh liên tục. Tuy nhiên, thực tế đây lại chính là sai lầm chết người. Bởi lẽ, khi đạp phanh, ma sát sẽ làm cho má phanh nóng lên rất nhanh. Vì vậy, việc liên tục rà phanh trong thời gian dài sẽ gây hiện tượng quá nhiệt trong hệ thống phanh, dẫn đến cháy má phanh, sôi dầu phanh. Điều này sẽ khiến hệ thống phanh mất tác dụng tạm thời.

Xử lý thế nào khi lái xe đổ đèo?

Như đã đề cập, khi lái xe đổ đèo (nhất là những cung đèo dài), việc rà phanh liên tục sẽ làm phanh nóng lên và lực hãm giảm dần đến lúc mất hẳn tác dụng. Tuy nhiên, điều đáng nói là tại thời điểm cảm thấy lực hãm của phanh giảm dần (có dấu hiệu mất phanh), các tài xế thiếu kinh nghiệm lại thường có thói quen đạp phanh sâu hơn nữa. Hành động này chỉ càng khiến hệ thống phanh nóng hơn, cho đến khi phanh hoàn toàn mất tác dụng và chiếc xe chỉ còn lao tự do xuống dốc.

Vụ xe khách gặp nạn ở Tam Đảo: Kỹ năng dùng phanh khi lái xe đường đèo- Ảnh 2.

Sử dụng phanh kết hợp với hộp số và động cơ để kiểm soát tốc độ của xe sẽ giúp hạn chế nguy hiểm khi lái xe đổ đèo

Chính vì vậy, để tránh gặp phải tình trạng mất phanh, người lái cần phải biết sử dụng phanh linh hoạt, kết hợp với hộp số và động cơ để kiểm soát tốc độ của xe. Đây là lý do nhiều "tài già" hay truyền tai nhau nguyên tắc "lên số nào xuống số đó".

Nghĩa là đối với những đoạn đèo dốc, tài xế linh hoạt tùy chỉnh cấp số 1, 2 hoặc 3 tùy theo độ dốc của đường (đối với xe số sàn). Dốc càng cao chọn số càng thấp và ngược lại. Trong khi đó, với những dòng xe sử dụng hộp số tự động, người lái chỉ cần trả về chế độ S, L hoặc D1, D2, D3 hay chế độ bán tự động "+, -", tùy mẫu mã hoặc phiên bản xe.

Với kỹ năng này, tài xế không sử dụng chân ga trong quá trình xe thả dốc. Thay vào đó, chỉ đặt hờ ở cần đạp phanh và nhấn phanh khi xe lao với tốc độ cao, ngoài tầm kiểm soát. Tuy nhiên, khi xe giảm tốc đến mức an toàn, phải nhấc chân ra khỏi cần đạp phanh.

Lưu ý, tài xế có thể lặp lại thao tác phanh kiểu này nhiều lần, tuy nhiên cần có thời gian giãn cách và tuyệt đối không được giữ chân ở trạng thái phanh hờ (rà phanh).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.