Vụ YouTuber cứu sống đại bàng hiếm gặp: 3 tiến sĩ chăm sóc, phát hiện trúng đạn

18/03/2024 09:53 GMT+7

Sau khi phát hiện đại bàng hoàng đế bị thương do trúng đạn ở vùng cơ ngực, các chuyên gia quyết định không phẫu thuật gắp mảnh đạn ra mà để cho vết thương tự liền.

Liên quan đến vụ YouTuber Nguyễn Văn Quế cứu sống một cá thể đại bàng đông hoàng đế quý hiếm, đứng trước nguy cơ tuyệt chủng tại Bắc Giang, ngày 13.3, người này đã chuyển giao cá thể đại bàng cho Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật (Vườn quốc gia Cúc Phương). Sau 5 ngày chăm sóc, sức khỏe của đại bàng đang có những tiến triển tốt khi bắt đầu tự ăn.

Vụ YouTuber cứu sống đại bàng hiếm gặp: 3 tiến sĩ chăm sóc, phát hiện trúng đạn- Ảnh 1.

Anh Quế bàn giao đại bàng đầu nâu cho Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật

NVCC

Ông Lê Trọng Đạt, Phó giám đốc Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật (Vườn quốc gia Cúc Phương), cho biết, sau khi tiếp nhận đại bàng từ người dân, đơn vị đã cùng nhóm bác sĩ, chuyên gia nước ngoài gồm: TS Sander Obbink và 2 vợ chồng tiến sĩ thú ý Marc và TS Lesley Goelkel khám tổng quát, lấy mẫu máu, phân xét nghiệm, chụp X-quang và siêu âm kiểm tra chuyên sâu.

Kết quả cho thấy đại bàng đã bị bắn trước đó và hiện còn một mảnh đạn vẫn găm ở vùng cơ ngực. Ngoài ra, quá trình kiểm tra cũng phát hiện hệ thống tiêu hóa cũng của đại bàng bị suy yếu.

Vụ YouTuber cứu sống đại bàng hiếm gặp: 3 tiến sĩ chăm sóc, phát hiện trúng đạn- Ảnh 2.

Chuyên gia nước ngoài thăm khám cho đại bàng

NVCC

"Sau khi cân nhắc, các chuyên gia quyết định không phẫu thuật gắp mảnh đạn ra mà để cho vết thương tự liền và khối cơ sẽ hình thành lớp mỡ bao bọc mảnh đạn đó lại", ông Đạt nói.

Theo ông Đạt chim đại bàng ở Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật được sống ở một không gian rộng, không bị buộc chân và nhét thức ăn như trước mà khuyến khích tự ăn. Mỗi ngày đại bàng chỉ ăn 2 - 3 lần, thức ăn chủ yếu là chim cút, thịt thỏ…


Vụ YouTuber cứu sống đại bàng hiếm gặp: 3 tiến sĩ chăm sóc, phát hiện trúng đạn- Ảnh 3.

Tất cả các vị trí trên người đại bàng đều được kiểm tra

NVCC

"Trước khi chưa chụp X-quang thì dự kiến khoảng 1 tuần là thả đại bàng về với tự nhiên. Tuy nhiên, sau khi chụp X-quang phát hiện có vấn đề như thế nên cần theo dõi thêm và nhanh nhất cũng phải 10 ngày mới thực hiện tái thả được. Nếu tiến triển theo chiều hướng tốt như hiện tại, tuần này đại bàng sẽ được thả về tự nhiên", ông Đạt thông tin.

Vụ YouTuber cứu sống đại bàng hiếm gặp: 3 tiến sĩ chăm sóc, phát hiện trúng đạn- Ảnh 4.

Mảnh đạn được phát hiện trên người đại bàng

NVCC

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Quế, người cứu sống chim đại bàng hoàng đế tỏ ra bất ngờ khi nhận được kết quả chim đại bàng bị thương trúng đạn. "Tôi hy vọng, với sự chăm sóc của các chuyên gia, chú đại bàng sẽ hồi phục sức khỏe để trở về cuộc sống tự nhiên", anh nói.

Trước đó, tối 2.3, một người đàn ông từ H.Yên Dũng (Bắc Giang) gói một con đại bàng trong bao mang đến nhà nhờ anh Quế nuôi hộ. Con vật này rất yếu, không thể bay, được người này bắt ở mương gần nhà.

Sau khoảng 10 ngày chăm sóc, anh Quế đã liên hệ và bàn giao đại bàng cho Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật.

Được biết đại bàng hoàng đế (đại bàng đầu nâu) là loài chim sống chủ yếu ở châu Âu. Việt Nam là nơi loài đại bàng này di cư qua nhưng không sinh sản nên rất hiếm gặp. Trước nguy cơ tuyệt chủng, loài chim này đang được cả thế giới bảo vệ.

Tại Việt Nam, pháp luật bảo vệ ở mức cao nhất theo Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17.5.2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.