Cụ thể, Thông báo số 172 ngày 14.10.2023 của Văn phòng Chính phủ về dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014, Bộ Công thương được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu xây dựng một nghị định mới thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu theo đúng quy định của luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, trình Chính phủ trong quý 2/2014.
Thực hiện chỉ đạo trên, Bộ Công thương đề nghị các Sở Công thương rà soát, có ý kiến đánh giá những mặt được, những mặt tồn tại của các quy định hiện hành tại các nghị định về kinh doanh xăng dầu. Từ đó, góp ý, đề xuất nội dung mới nhằm xây dựng nghị định mới của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu theo ý kiến chỉ đạo của Thường trực Chính phủ.
Như vậy, nghị định mới này sẽ thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu đã được ban hành trước đây gồm, Nghị định 83, Nghị định 95 và Nghị định 80 vừa được ban hành cách đây hơn 1 tháng (ngày 17.11.2023).
Trong công văn gửi lấy ý kiến từ các Sở Công thương, Bộ Công thương yêu cầu các ý kiến gửi về Bộ trước ngày 12.1, để Bộ tổng hợp, triển khai xây dựng nghị định về kinh doanh xăng dầu mới, báo cáo Chính phủ.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, công bố ngày 4.1, cho rằng, từ việc Bộ Công thương ban hành Thông tư 38 quy định chi tiết một số điều trong Nghị định 83 quy định không cụ thể, rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, quy định thương nhân phân phối xăng dầu được mua bán với nhau trái quy định, dẫn đến nhiều hành vi mua bán xăng dầu trái quy định, hệ thống kinh doanh xăng dầu bị phá vỡ; nghĩa vụ và trách nhiệm của thương nhân đầu mối là thực hiện tổng nguồn, bình ổn thị trường khi cần thiết... nhưng khi mua bán của nhau thì các thương nhân đầu mối thành phân phối, thông qua trung gian làm tăng chi phí lưu thông để hưởng chênh lệch giá. Đặc biệt, khi thương nhân đầu mối xăng dầu mua bán với nhau, thương nhân phân phối mua bán với nhau... tạo ra nhiều tầng nấc trung gian để hưởng chiết khấu, chênh lệch giá, tăng chi phí lưu thông.
Thanh tra Chính phủ tính mức phần tiền chiết khấu, chênh lệch giá mà thương thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong 5 năm hưởng gần 9.800 tỉ đồng.
Bình luận (0)