Với “vua đầu bếp” Ngô Thanh Hòa, được đón tết trên chính quê hương mình là niềm hạnh phúc, và “năm nào cũng giống như năm nào”. Chia sẻ với bạn đọc TNTS, câu chuyện của anh cũng bắt đầu từ những điều bình dị, bếp núc…
Thời còn sống ở Úc, mỗi dịp Tết Nguyên đán là tôi nhớ sự hối hả của mọi người ở quê hương khi chuẩn bị mua sắm đồ để đón giao thừa, nhớ cái cảm giác tất bật khi dọn dẹp, trang trí nhà cửa…
Tết ở nước ngoài cũng có bánh chưng, bánh tét, thịt kho hột vịt, dưa món, củ kiệu… nhưng cái vị không giống như được ăn tại quê nhà. Có thể những món nhìn rất đẹp, rất chau chuốt nhưng ăn vào vẫn thấy thiếu thiếu. Mặc dù không thể diễn tả được nhưng có lẽ với những ai mang trong mình dòng máu Việt mà sống tại nước ngoài cũng đều có cảm giác giống như tôi.
“Mọi người chỉ muốn ăn đơn giản”
Tính thêm năm nay nữa thì đây là cái tết thứ 4 tôi trở về VN. Chính những năm sống ở nước ngoài khiến tôi cảm thấy vô cùng háo hức khi đón tết tại VN. Không khí đón tết là điều quan trọng nhất trong những ngày đầu xuân.
Dịp tết, gặp gỡ bạn bè cái chính là trò chuyện vui vẻ bên nhau, còn ăn uống đôi khi chỉ là việc phụ. Có những người cả năm không gặp, thì dịp tết là cơ hội gặp nhau. Đôi khi tôi muốn xuống bếp nấu nướng đãi bạn bè, nhưng mọi người chỉ muốn ăn những món đơn giản. Tức là có gì ăn nấy, nhà tôi thì lúc nào cũng có nồi thịt kho hột vịt, măng nấu với vịt rồi cuốn bánh tráng… Ngày thường vẫn có thể ăn và nấu những món này, nhưng không phải vì thế mà tết thỉ không nấu. Bởi ăn trong dịp tết sẽ cho chúng ta một dư vị hoàn toàn khác biệt, đó là những món ăn đã đi vào tiềm thức của mọi người.
Ngoài hai món trên, vào dịp tết, trên bàn ăn của gia đình tôi không bao giờ thiếu dưa món, củ kiệu và một số món bánh mứt như thơm, bánh thuẫn vì ba mẹ tôi là người Quảng. Khi chế biến những món này, tôi vẫn giữ nguyên phương pháp truyền thống nhưng thay đổi một chút gia vị để có thể phù hợp với khẩu vị của mình. Ví dụ thịt kho hột vịt, tôi sẽ nêm thêm hoa hồi, đinh hương để mùi vị trở nên khác biệt một chút. Măng thì má tôi hầm cùng sườn heo hay thịt vịt, nấu món này tôi thường nêm thêm một chút gừng, một chút ngò rí, bột ớt chuông. Những gia vị này làm cho món măng đậm đà hơn.
Thời còn bé, khi gia đình tôi còn sống ở Phan Thiết vẫn thường nấu bánh chưng hoặc bánh tét. Phần tặng cho bà con, chòm xóm; phần là để mọi người trong nhà. Quan trọng nhất, ngày gói bánh là những dịp để các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau. Sau này gia đình tôi chuyển vào Sài Gòn, tôi lại qua định cư tại Úc, điều kiện nấu nướng khó khăn hơn nên gia đình tôi không còn giữ được nếp quen nấu bánh vào cuối năm nữa. Dù không trực tiếp nấu nhưng ngày tết tôi vẫn cố gắng tìm mua bánh ở những nơi nấu có chất lượng.
|
Đam mê không phân biệt tuổi tác
Dù đã lớn tuổi, chân má lại đau nhưng một tuần má vẫn đi chợ từ một đến hai lần rồi vào bếp nấu nướng cho gia đình. Có lẽ đam mê không phân biệt tuổi tác và má chính là người đã truyền cho tôi niềm đam mê nấu nướng. Mỗi buổi sáng má vẫn nấu cho tôi một tô canh. Buổi tối tôi thường tranh thủ về nhà để ăn cơm cùng với ba má và những buổi cơm ấy, má là đầu bếp chính. Tôi thường làm bánh, hay chuẩn bị những loại nước xốt khác nhau để hỗ trợ cho má trong công việc nấu nướng.
Nhà tôi vẫn còn giữ truyền thống nấu nướng mâm cỗ vào dịp Tết Nguyên đán cả khi đang sống ở VN hay ở nước ngoài. Má tôi là người Việt, sống ở VN từ nhỏ đến lớn nên những văn hóa đó sao có thể bỏ qua được. Chuyện phiền hà khi chuẩn bị mâm cỗ là do tư duy và suy nghĩ của mỗi người. Một mâm cỗ không cần phải năm, sáu, bảy món. Đôi khi chỉ cần một đến hai món đủ để mình thể hiện tình cảm của mình với ông bà tổ tiên. Món xuyên suốt mà mâm cỗ tết gia đình tôi không bao giờ thiếu là mì quảng và thịt gà luộc ăn cùng cháo đậu xanh. Mì quảng là món bà ngoại tôi rất thích nên cứ mỗi dịp cúng giỗ là má lại nấu mì quảng. Sau này tôi sẽ tiếp tục làm điều này cho má tôi. Một tháng nhà tôi lại nấu mì quảng ăn một lần, mặc dù gần nhà tôi bán mì quảng rất nhiều, nhưng má tôi vẫn thích vào bếp để nấu theo vị của mình. Còn thịt gà luộc xé ăn cùng cháo đậu xanh là món giản dị nhưng lại rất ngon. Hai món này đều xuất hiện trong mâm cỗ của gia đình tôi vào những dịp đặc biệt.
30 Tết, luộc con gà rồi lấy nước luộc gà nấu cháo đậu xanh. Nghĩ về món này thôi mà tôi đã thấy thèm rồi! Tôi tin rằng mỗi gia đình đều có một món truyền thống luôn xuất hiện trên mâm cỗ. Tất nhiên, những món này được chính tay họ nấu thì rất là ngon mà không đầu bếp nào sánh bằng.
Ngô Thanh Hòa trở thành “vua đầu bếp” 2013 sau khi tham dự cuộc thi trong chương trình Master Chef VN được truyền hình trực tiếp trên VTV3. Anh sống thời thơ ấu tại Phan Thiết và sang Úc du học năm 18 tuổi. Sau đó, Ngô Thanh Hòa đã định cư tại đây đến khi trở về nước vào năm 2013. Ngoài công việc là đầu bếp, Ngô Thanh Hòa từng xuất bản cuốn sách Từ niềm đam mê nấu ăn.
|
Bình luận (0)