Ngày 10.9, tại Hà Nội, Tạp chí Hải quan phối hợp với Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan (Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính) tổ chức diễn đàn thường niên hải quan - doanh nghiệp năm 2024 với chủ đề: "10 năm phát triển quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp".
Phát biểu tại sự kiện, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ cho biết, công tác phát triển quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp và các bên liên quan được ngành hải quan chú trọng thực hiện trong nhiều năm qua, đặc biệt từ năm 2014 đến nay.
Hàng năm, cơ quan hải quan đã tổ chức hàng trăm hội nghị đối thoại hải quan - doanh nghiệp và đã xử lý hàng chục nghìn vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp.
"Công tác giám sát thực thi pháp luật được các đơn vị trong ngành chú trọng và thực hiện qua nhiều kênh. Qua đó, doanh nghiệp có thể tương tác, phản ánh trực tiếp tinh thần, thái độ phục vụ cũng cũng như các vấn đề còn chưa hài lòng trong quá trình làm thủ tục hải quan tại các chi cục", ông Thọ nhấn mạnh.
Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Đỗ Thanh Quang thông tin, địa bàn TP.HCM có kim ngạch xuất nhập khẩu chiếm 20% của cả nước, cùng với lượng doanh nghiệp khổng lồ.
Vì vậy, Hải quan TP.HCM phải có trách nhiệm trong việc tạo môi trường thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nghiêp; trải thảm đỏ thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, sản xuất kinh doanh…
Thời gian qua, Hải quan TP.HCM thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại với doanh nghiệp, đồng thời tích cực giải quyết các vướng mắc. Lợi ích đem lại cho doanh nghiệp thấy khá rõ như: tăng tỷ lệ miễn kiểm tra hồ sơ, miễn kiểm tra hàng hóa; giảm thiểu chi phí lưu kho, lưu bãi; tăng mức độ hài lòng của doanh nghiệp…
Đáng chú ý, thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu nhanh hơn khi hơn 65% hàng hóa thông quan trong vòng 3 giây; 30% hàng hóa thông quan trong 10 phút; chỉ 3 - 5% hàng hóa thông quan trong vòng 1 giờ.
Từ góc độ doanh nghiệp, "vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), nhìn nhận thời gian qua, ngành hải quan đã đạt được nhiều thành tựu trong việc cải tiến các quy trình hỗ trợ doanh nghiệp và phù hợp với các thông lệ quốc tế bao gồm: chuyển đổi số, hải quan thông minh và đơn giản hóa thủ tục…
Điều này giúp doanh nghiệp giảm thiểu những sai sót, mang lại sự an toàn cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Vị này cũng nêu ra nhiều kiến nghị, đề xuất với cơ quan hải quan. Cụ thể, cơ quan hải quan cần đơn giản hóa thêm thủ tục.
"Mặc dù thời gian qua các thủ tục đã được đơn giản hóa đáng kể, nhưng vẫn còn phức tạp đối với một số loại hàng hóa đặc thù, như hàng công nghệ cao hoặc hàng hóa song dụng. Việc chuẩn hóa thủ tục sẽ tiết kiệm thời gian và nguồn lực của doanh nghiệp", ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhấn mạnh.
Cạnh đó, Chủ tịch IPPG đề nghị cần tăng cường giám sát và kiểm tra việc chống gian lận thương mại nhằm đảm bảo mọi hoạt động xuất nhập khẩu tuân thủ nghiêm ngặt quy định pháp luật, giúp bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp làm ăn chân chính, góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và ổn định.
Tại diễn đàn, đại diện một số doanh nghiệp, hiệp hội cũng kiến nghị thời gian tới, ngành hải quan cần tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông quan thực hiện thêm các chương trình hỗ trợ chuyên biệt, đặc biệt là trong việc tiếp cận thông tin…
Bình luận (0)