Trang phục đặc trưng của vua hề Charlot trên màn ảnh |
t.l |
Là vua hề vang danh thế giới, nên sự xuất hiện của Charlie Chaplin (1889 - 1977) ở đất “hòn ngọc Viễn Đông”, rõ là cái tin tốt cho báo chí quan tâm săn đón. Và không chỉ Điễn tín hay Sài Gòn là báo chủ nhà, mà những báo đồng nghiệp khác, thậm chí như Ngọ báo ở tận Hà Nội, cũng chớp thời cơ, chuẩn bị bài vở công phu, để hiến độc giả về sự hiện diện của nam diễn viên hài này, ngóng đợi tài tử từ màn ảnh bước ra đời thật, “xem chiếu bóng, người mình thích cách riễu [giễu] của chú hề Charlot lắm. Nay ông Vua cười qua Đông Dương, anh em sẽ có dịp đón xem cho biết”, Ngọ báo số 2576, ra ngày 12.4.1936 chia sẻ.
Tin từ báo Điễn tín số 372, ra ngày 14.4.1936 đề ngay trang nhất Hề Charlot đả [đã] tới Saigon. Theo tin này, Charlie Chaplin cùng vợ là cô đào Paulette Goddard, đã tới Sài Gòn chiều ngày 13.4. Hai vợ chồng đi tàu đến sớm hơn dự tính một tiếng đồng hồ, và thế là, khán giả mến mộ được một phen đón hụt. Con tàu đưa hai minh tinh màn bạc tới đất Việt, là tàu Aramis, theo lời Ngọ báo số 2576.
Paulette Goddard và Charlie Chaplin trên Los Angeles Times |
T.L |
Vẫn tờ báo tận tít Hà Nội cho hay, lịch trình di chuyển của Charlot, ấy là ở đất Đông Dương khoảng 3 tuần. Trong thời gian ấy, vợ chồng vua hề sẽ đi thăm thú những danh lam thắng cảnh Đế Thiên, Đế Thích (tức Angkor Wat, Angkor Thom của Campuchia), rồi Đà Lạt, Huế, Vinh, Hạ Long, sau đó sang đất Hồng Kông. Nhật báo Sài Gòn của anh em Bút Trà Nguyễn Đức Nhuận và Hồng Tiêu đã tường thuật kỹ lưỡng về sự có mặt của Charlie Chaplin tại đất Sài Gòn. Sài Gòn số 803, ra ngày 14.4.1936, tin tức về sự có mặt của Charlot chiếm ưu thế trên trang nhất.
Với bài “Charlot” đến Saigon: Mười lăm phút với chú hề “Charlot”, báo tường thuật chi tiết sự hiện diện của vua hề. Theo đó, sau khi tàu Aramis cập cảng vào lúc 8 giờ 30 sáng, vợ chồng Charlot cùng người hầu lên bờ. Ngay lập tức, giới mộ điệu cùng với phóng viên báo chí đã chờ sẵn để đón. Nhưng đúng theo kiểu Tây phương mà nay ta vẫn thấy khi người nổi tiếng rất sợ cánh paparazzi săn ảnh và người hâm mộ làm phiền, vợ chồng Charlot cũng y vậy: “hình như mấy người danh tiếng ở Âu - Mỹ đã bị mấy anh phóng viên và thợ chụp hình phá rầy quá tay rồi nên người nào củng [cũng] sợ cái “nạn” chụp hình và phõng [phỏng] vấn lắm, đến đâu họ cũng lo trốn tránh mấy nhà làm báo như tội nhơn trốn lính. Chú hề Charlot và cô đào Paullette Goddart củng [cũng] vậy. Bởi thế nên chụp hình và phõng [phỏng] vấn được Charlot không phải là chuyễn dể [dễ]”.
Trái với lời thuật của Sài Gòn, Điễn tín số 374, ra ngày 16.4.1936 lại đưa ra một thông tin khác hẳn. Với mẩu tin Charlot đến Saigon, Lan Đình chép việc Charlot bày tỏ sự lạ lẫm của mình với đất Sài Gòn là “lạ nhứt là sự yên lặng tuyệt đối” và báo cho rằng dân ta cũng như báo chí thờ ơ với sự hiện diện của Charlot.
Vẫn lời Sài Gòn số 803, từ bến tàu, đoàn của Charlot liền kéo đến nhà hàng Continental và tránh mặt, không tiếp ai. Tuy nhiên sau đó, phóng viên của Sài Gòn đã có được 15 phút phỏng vấn. Charlie Chaplin tiếp chuyện với thái độ niềm nở, tươi cười. Khác hẳn hình ảnh anh hề trên màn ảnh, Charlie Chaplin của đời thường “trầm tĩnh, nghiêm trang, nói năng chẩm [chậm] rãi, cữ chĩ [cử chỉ] đoan trang, nét mặt hiền từ nhưng lúc nào trông củng [cũng] thấy phưởng [phảng] phất mỗi vẽ [vẻ] buồn”. Trong cuộc phỏng vấn ấy, phóng viên báo Sài Gòn được nghe vua hề nói qua về thuở hàn vi của mình, cũng như thành công hiện tại.
Trong bài phỏng vấn trên, Charlot cũng tiết lộ cho phóng viên biết nguồn cơn dáng đi khật khưỡng, ngả nghiêng rất đặc trưng của mình ở trên màn ảnh. Ấy là bắt nguồn từ một anh chàng say rượu: “Đã lâu lắm, ở Londres. Một hôm tôi đang đi dạo phố, tình cờ bổng [bỗng] thấy ở phía trước có một người say rượu đi nghiên [nghiêng] ngửa, trông không thể nào nín cười được. Tôi liền đi theo người ấy, xem cách đi đứng của va [anh ta] rất kỷ [kỹ]. Về nhà tôi tập đi đứng, bước lên cầu thang, rọc [dọc] theo vách tường, đúng y như cái kiểu của người say rượu ấy. Trong những cuốn phim sau, tôi dùng cái kiểu đi mới học ấy thì được công chúng hoan nghinh một cách đặc biệt”.
Báo Sài Gòn số 803 phỏng vấn Charlot |
T.L |
Ở đất Sài Gòn ngày 13.4, theo báo Sài Gòn số 803, thì ngày 14.4, “Charlie Chaplin và cô Paulette Goddard đã đi Đế Thiên Đế Thích rồi. Có lẻ [lẽ] ngày 17 Avril họ sẻ [sẽ] trỡ [trở] lại Saigon”. Qua Cao Miên thăm thú, Charlot quay lại Sài Gòn, rồi vua hề ra Trung Kỳ thăm đất Huế.
Ngọ báo số 2589, ra ngày 20.4.1936 cho biết ở đất kinh kỳ của nhà Nguyễn, Charlot đi thăm lăng tẩm và những nơi danh lam thắng cảnh đất này. Vua hề còn đi thăm thành phố Huế. Tiếp đó, bước chân của nhà tài tử nghề chớp bóng tới Viện Bảo tàng Khải Định rồi 10 giờ sáng ngày 19.4, cùng với Paulette Goddard đi ô tô ra Hà Nội. Khi qua cửa Tùng (Quảng Trị), đoàn dừng lại dùng bữa trưa và đến Vinh ngủ lại bữa tối trước khi ra Hà Nội.
Điểm đến tại Hà Nội của vua hề Charlie Chaplin cùng vợ mình, là khách sạn Métropôle, "ông đã gọi điện thoại tới khách sạn Métropôle để lấy phòng”. Vẫn lời Ngọ báo số 2589, Charlot dự định thăm Bắc Kỳ trong 3 ngày rồi đi thăm Hạ Long. Hành trình của vị diễn viên nổi danh với dáng đi ngật ngưỡng như say rượu ở đất Việt, đã diễn ra như thế.
Bình luận (0)