Ngay từ tên gọi cũng đã hàm ý tham vọng của bốn thành viên. Họ đều ở châu Mỹ nhưng tổ chức họ mới thành lập lại còn hướng cả về phía Thái Bình Dương. Từng thành viên trong đó đều tham gia vào một hay nhiều tổ chức liên kết và hợp tác khác trên châu lục, thậm chí cả liên châu lục. Qua đó, thành viên này có thể sử dụng thành viên kia làm cửa ngõ và bàn đạp để chinh phục thị trường lẫn đối tác thuộc các tổ chức liên kết khu vực, liên châu lục khác.
Ngoài ra, cả bốn thành viên trên còn được coi là những nền kinh tế lớn, có ảnh hưởng chính trị không nhỏ tại châu Mỹ. Với 215 triệu người tiêu dùng, liên minh này tạo thành thị trường chung rộng lớn ở châu lục và cả trên thế giới. Với tổng cộng GDP hằng năm hơn 2.000 tỉ USD, tiềm lực chung của tổ chức rất đáng kể. Bởi thế, liên minh này có thể giúp các thành viên vừa liên kết để tạo hiệu ứng cộng hưởng, lại vừa co cụm để hỗ trợ lẫn nhau nhằm ứng phó với bên ngoài. Nhờ đó, Liên minh Thái Bình Dương tạo nên chỗ dựa, động lực mới cho từng thành viên để hội nhập và liên kết vào khu vực lẫn thế giới.
Ý tưởng rất hay và tham vọng lớn đã bắt đầu được thực hiện nhưng thành công hay không lại là chuyện khác. Cho tới nay, không ít tổ chức liên kết ở đây vẫn hữu danh vô thực và đây cũng là thách thức lớn nhất đối với liên minh trên.
La Phù
Bình luận (0)