Vấn đề chọn hiền tài thông qua thi cử ở nước ta, trong đó đặc biệt được chú trọng ở thời vua Minh Mạng được tác giả Lê Nguyễn phản ánh qua cuốn tác phẩm mới Xã hội Việt Nam thời Lê - Nguyễn (do Dtbooks và NXB Hồng Đức ấn hành) khá thú vị.
Nhà nghiên cứu Lê Nguyễn cho biết: “Việc này được các triều đại từ Lý -Trần đến Lê - Nguyễn tổ chức khá chu đáo, bài thi được rọc phách để tránh trường hợp quan trường lợi dụng cho điểm tốt đối với bài làm của người thân hay học trò của mình. Người đỗ đạt cao dù là Trạng nguyên hay Bảng nhãn cũng phải trải qua một thời gian học hỏi kinh nghiệm tại các nha môn mới được trọng dụng, nắm những trọng trách trong guồng máy cai trị tại triều đình hay ở các địa phương”.
|
Tuy nhiên, trong lịch sử Việt Nam thì vẫn có một số người tài giỏi nhưng không màng đến danh lợi, không muốn “mỏi gối quỳ mòn sân tướng phủ” (Cao Bá Quát) mà chỉ thích đọc sách thánh hiền hay mở lớp dạy học tại nhà, lấy cái thú thanh cao ấy làm lẽ sống của kẻ sĩ. Trong sách đã dẫn, tác giả Lê Nguyễn tiết lộ rằng: “Cũng có những người tuy giỏi, như Cao Bá Quát, Trần Tế Xương, nhưng đường khoa hoạn luôn trắc trở, đi không lại trở về không. Vì thế, ngoài khoa cử, các triều đại đặt thêm lệ bảo cử, tạo điều kiện thu hút những người có tài nhưng vì nhiều lý do, không muốn hay không có cơ hội xuất đầu lộ diện”.
Tiến cử nhầm người, sẽ bị khiển phạt
Tới năm 1429, vua Lê Thái Tổ xuống chiếu định rằng các đại thần từ tam phẩm trở lên có bổn phận tiến cử người hiền tài “hoặc ở trong triều, hoặc ở thôn quê, hoặc đã làm quan, hoặc chưa làm quan… Nếu cử được người có tài bực trung thì thăng tước hai bậc, nếu cử được người tài đức đều giỏi, hơn hết mọi người, thì tất được thưởng hậu…” . Từ đời Hồng Đức đến thời Lê trung hưng, việc bảo cử được hoàn thiện thêm. Năm 1671, vua Lê Huyền Tông định rằng các quan nhị phẩm có thể tiến cử bốn người, quan từ lục phẩm đến bát phẩm được tiến cử hai người, tên được kê khai giao cho Bộ Lại xét tuyển .
Đặc biệt thời Nguyễn, dưới triều Minh Mạng thì lệ bảo cử này được nhà vua rất chú trọng. Khi vừa lên ngôi, vua ban dụ: “Kẻ hiền tài là đồ dùng của quốc gia, khi chưa gặp thời, náu hình ẩn giấu tông tích, thì vua chúa làm sao mà biết được, cho nên ngoài việc khoa cử ra, còn cần có người đề cử… Tới năm 1832, nhà vua ban dụ, đưa ra những qui định cụ thể như: các Thượng thư (chánh nhị phẩm) được tiến cử người giữ chức Bố chánh (chánh tam phẩm); Tham tri lục bộ và Phó Đô ngự sử (cùng tòng nhị phẩm) được tiến cử người giữ chức Án sát (chánh tứ phẩm); Thị lang lục bộ (chánh tam phẩm) và Ấn quan tam phẩm được tiến cử người giữ chức Tri phủ (tòng ngũ phẩm), đồng Tri phủ (chánh lục phẩm) …
|
|
Sách đã dẫn cho biết: “Nhiều quan lại thuộc diện có quyền tiến cử nhưng ngần ngại, không dám hành xử, sợ tiến cử nhầm người, sẽ bị khiển phạt. Mặt khác, tiến cử người bất tài, vô hạnh cũng sẽ bị trừng phạt. Điều này cũng đã từng xảy ra: năm 1836, khi phủ Hoài Đức khuyết chức Tri phủ, Tham tri Bộ Hộ là Vũ Đức Khuê tiến cử người quen biết là Tri huyện Tô Ngọc Huyền vào chức này. Khoa đạo thấy Ngọc Huyền không phải là người trong sạch, cẩn trọng mà Đức Huyền cũng cố tiến cử, bèn hặc tấu vua”.
Khi vua Minh Mạng nghe có “lùm xùm” vụ này đã ban chỉ sai Đức Khuê tâu rõ lại, sau khi kiểm tra thấy tờ tấu có nhiều chỗ chống chế gượng gạo, không nhận lỗi, liền giao ngay cho Bộ Hình bàn xử. Cuối cùng Đức Khuê đang từ hàm tòng nhị phẩm, bị giáng 3 cấp xuống làm Lang trung, hàm chánh tứ phẩm.... Sự nghiêm khắc này phần nào cũng đã nói lên tính rất cẩn trọng của vua Minh Mạng trong việc tìm kiếm người hiền tài thực sự để phụng sự đất nước.
Bình luận (0)