Vua vọng cổ

01/12/2013 09:00 GMT+7

Hơn 70 năm làm nghệ thuật, NSND Viễn Châu được đồng nghiệp mệnh danh là “ông vua vọng cổ” với kho tàng tác phẩm đồ sộ đạt mức kỷ lục. Ông còn là người thầy đã dìu dắt, làm nên tên tuổi hàng loạt ngôi sao thời hoàng kim của cải lương.

Vua vong cổ

NSND Viễn Châu - Ảnh: M.Châu

Tay đàn nức tiếng

 

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, dù cải lương không còn hưng thịnh như trước, nhưng tân cổ giao duyên vẫn có sức sống mạnh mẽ trong lòng công chúng, được nhiều bạn trẻ yêu thích

Viễn Châu còn được gọi là Bảy Bá do là con thứ sáu trong một gia đình vọng tộc ở Trà Vinh. Có thể nói gia đình chính là chiếc nôi khơi nguồn cảm hứng nghệ thuật, bởi từ nhỏ ông được cho đi học quốc văn ở trường làng, lại học thêm Hán văn và cổ nhạc tại nhà. Từ sự đam mê được cha và ông nội truyền cho, ông tự mày mò tìm hiểu, học lỏm qua đĩa nhựa hay các nhóm tài tử làng quê, thông thạo cả đàn tranh, violon, guitar phím lõm. Tuy nhiên ông mê nhất là ngón đàn tranh và cũng đạt được thành tựu cao nhất.

Đàn giỏi, nhưng dấu ấn đầu tiên của ông lại là truyện ngắn Chàng trẻ tuổi được đăng trên báo Dân Mới năm 1942 lúc mới 16 tuổi. Từ đó, ông nổi chí giang hồ, quyết định trốn nhà lên Sài Gòn chơi nhạc. Có lẽ, sự nghiệp cầm bút tuy không phải là mục tiêu ban đầu, nhưng lại có ý nghĩa đặc biệt trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của ông mãi cho đến sau này.

Ở Sài Gòn, ông theo đoàn Tố Như, rồi theo đoàn nhạc kịch Năm Châu ra Hà Nội lưu diễn. Nhưng vừa trở về Sài Gòn thì ông bị người anh lên tìm bắt về. Mấy năm sau, ông lên lại Sài Gòn tham gia biểu diễn cùng các danh cầm Văn Vĩ, Năm Cơ. Nghệ danh Bảy Bá nhanh chóng in dấu ấn sâu đậm trong lòng đồng nghiệp và người mộ điệu. Ngón đàn của ông đơn giản, không phức tạp nhưng sâu sắc, đong đầy cảm xúc làm rung động trái tim người nghe. Tên tuổi Năm Cơ - Bảy Bá - Văn Vĩ được gọi là “tam hùng” của thế hệ nhạc sĩ cổ nhạc từ thập niên 1960, có công khai phá nhiều lối chơi, để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho dàn nhạc cổ trong sinh hoạt đàn ca tài tử và sân khấu cải lương chuyên nghiệp Nam bộ. Thế hệ nhiều nhạc sĩ sau này như NSND Thanh Hải, Duy Kim, Minh Hòa cũng có sự ảnh hưởng từ ngón đàn của ông.

Duyên nghiệp bút nghiên

 

NSND Viễn Châu (1924) tên thật là Huỳnh Trí Bá, là một danh cầm đàn tranh đồng thời là soạn giả nổi tiếng của cải lương. Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật, ông đã sáng tác hơn 70 kịch bản cải lương và hơn 2.000 bài vọng cổ, góp phần làm nên tên tuổi của nhiều thế hệ nghệ sĩ tài danh.

Ông còn là cha đẻ của thể loại tân cổ giao duyên và vọng cổ hài, đóng góp to lớn cho sự phong phú của nghệ thuật cải lương. Ông được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1988 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012.

NSND Viễn Châu có cơ hội tiếp xúc với các nghệ sĩ tài danh bấy giờ như Năm Châu, Trần Hữu Trang, Duy Lân, Lê Hoài Nở... và học hỏi được nhiều kỹ năng về tư duy sáng tác. Vở cải lương đầu tay Hồn chiến sĩ ông viết năm 1945 được tổ chức biểu diễn bán vé để góp quỹ, cổ vũ cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Đến năm 1950, được sự khuyến khích của nghệ sĩ Nguyễn Thành Châu tức Năm Châu, ông viết vở cải lương Nát cánh hoa rừng với bút danh mới là Viễn Châu, hàm ý nhớ về quê hương Đôn Châu xa xôi của mình. Vở tuồng này đã gây tiếng vang lớn trên sân khấu Sài Gòn và bút danh Viễn Châu cũng gắn liền với ông từ đó.

Ông tiếp tục sáng tác nhiều vở khác, tiêu biểu như Tình mẫu tử, Bông ô môi, Sau bức màn nhung, Đời cô Nga, Hoa Mộc Lan, Hàn Mặc Tử, Cưới vợ cho vua... được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Các bản vọng cổ ông viết thời đó có đến hàng nghìn, nhưng vẫn không đủ cung ứng cho các hãng đĩa. Lợi thế của NSND Viễn Châu là ngón đàn điêu luyện, lại có sẵn cái nền tri thức quốc ngữ lẫn Hán văn, do đó ông hòa quyện tất cả các yếu tố đó vào bài vọng cổ. Sáng tác của ông dễ ca, dễ nhớ với cách đặt lời uyển chuyển, mượt mà, bố cục rõ ràng nhưng cũng hàm chứa một lượng kiến thức sâu rộng từ dân ca, tục ngữ đến các điển tích xa xưa.

Ông còn có khả năng sáng tác với tốc độ thần tốc, gần như xuất khẩu là ra vọng cổ. Câu chuyện về hai bài vọng cổ Nhớ mẹ và Trái khổ qua được ông viết ngay tại phòng thu, nghệ sĩ vừa ca xong ba câu vọng cổ là ông đã hoàn tất ba câu còn lại được xem là truyền kỳ trong nghề, vẫn thường được mọi người nhắc lại. Đặc biệt, dù được sáng tác vội vã, nhưng hai tác phẩm này lại rất nổi tiếng.

Thời hoàng kim của cải lương, ở Sài Gòn có đến hàng chục hãng đĩa cạnh tranh nhau, soạn giả cũng phải suy nghĩ để tìm ra cái mới. Năm 1958, sau nhiều đêm suy nghĩ, Viễn Châu mạnh dạn đưa tân nhạc vào bài vọng cổ, đặt cho thể loại mới này một cái tên rất dễ thương “Tân cổ giao duyên”. Tác phẩm đầu tiên Chàng là ai do hãng đĩa Hồng Hoa phát hành năm 1964 với giọng ca Lệ Thủy, lập tức được đông đảo thính giả đón nhận nhưng đồng thời cũng gây ra nhiều tranh cãi trên báo chí thời đó. Nhiều người phê phán ông làm hư bản vọng cổ chính thống, một số báo “dập tơi bời” nhưng ông vẫn cười, tiếp tục sáng tác hàng loạt bài nữa, vừa lắng nghe góp ý vừa vững vàng tiến bước với những thể nghiệm táo bạo. Ông đúc kết được kinh nghiệm rằng bài tân cổ giao duyên chỉ phù hợp với những ca khúc mang âm hưởng gần với chất ngũ cung của cải lương. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, dù cải lương không còn hưng thịnh như trước, nhưng tân cổ giao duyên vẫn có sức sống mạnh mẽ trong lòng công chúng, được nhiều bạn trẻ yêu thích.

Thích nhìn đời bằng đôi mắt lạc quan, nên NSND Viễn Châu lại phát minh thêm một một thể loại độc đáo: Vọng cổ hài. Lối suy nghĩ “hễ vọng cổ là bi thương, sầu thảm” đã bị ông lật ngược một cách ngoạn mục. Bài vọng cổ hài đầu tiên là Đêm tân hôn ông viết cho Văn Hường, sau đó là hàng loạt bài Vợ tôi nói tiếng Tây, Sợ vợ, Tôi mến làng tôi, Chó mực đầu cáo, Lá sớ táo quân, Tề Thiên Đại Thánh… đã giúp Văn Hường đạt đến đỉnh cao vinh quang,  được mệnh danh là “Vua ca vọng cổ hài”.

Bậc thầy “khai quan điểm nhãn”

NSND Viễn Châu được giới sân khấu tôn vinh như thế, bởi ông có cặp mắt tinh tường và đôi tai thẩm âm rất tốt. Chỉ cần nghe ngâm thơ hoặc nói lối đã có thể biết làn hơi thích hợp với bài bản nào, từ đó ông mới sáng tác theo dạng “đo ni đóng giày”. Hầu như giọng ca nào được ông phát hiện hay sáng tác cho vài bài vọng cổ đều trở nên nổi tiếng, như NSND Út Trà Ôn (Tình anh bán chiếu), NSND Út Bạch Lan (Hoa lan trắng), NSND Ngọc Giàu (Áo tình đắp mộ người yêu), NSƯT Thanh Nga (Lắng tiếng chuông ngân), NSND Lệ Thủy (Bạch Thu Hà ), NSƯT Minh Vương (Lòng dạ đàn bà), Minh Cảnh (Tu là cội phúc), Tấn Tài (Hạng Võ biệt Ngu Cơ)... Các lớp nghệ sĩ sau này mới bước chân vào làng thu thanh đều được ông hết lòng dìu dắt, chỉ dẫn từ kỹ thuật hát cho đến cách cảm thụ ý nghĩa, tình cảm trong mỗi tác phẩm.

Từ 1950 trở đi ông toàn tâm toàn ý với cải lương. Mặc dù tuổi cao và bệnh nặng, nhưng ông vẫn miệt mài sáng tác. Theo một học trò của ông, NSƯT Phương Quang, ông từng dặn con trai mình là nhạc sĩ Minh Châu: “Ba chết, nhớ bỏ vô quan tài một mớ giấy bút để xuống đó ba viết bài vọng cổ”. Giới mộ điệu suy tôn ông là “Vua vọng cổ” cũng là xứng đáng.  

Hoàng Kim - Vũ Anh

>> Chuông vàng vọng cổ' vẫn ngân nga
>> Tới chết tôi còn viết vọng cổ
>> Nghệ sĩ sân khấu Ngày ấy... bây giờ - Kỳ 9: Viễn Châu - ông vua vọng cổ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.