Vực cá thần - Truyện ngắn của Phạm Thanh Thúy

08/01/2023 08:30 GMT+7

Hai mươi tám tết được cho là một ngày rất đẹp. Nghe ngóng mấy hôm liền, thấy trời vẫn yên, rừng vẫn lặng, ông Thuận quyết định xách cần đi câu buổi tất niên.

Chuyến câu tất niên này, ông tin tưởng và hy vọng rằng mình sẽ câu được anh vũ chúa. Anh vũ chúa xây tổ tận đáy vực sông. Đó là vực sông sâu tự nhiên, nơi con sông Bích xanh ngắt đột ngột đổi hướng.

Hồi mới chuyển đến đất này, ông Thuận còn là một chàng trai trẻ. Hôm đầu tiên hò hẹn với người yêu trên bờ vực sông, nàng hỏi không biết nguồn của con sông này nơi nào nhỉ. Thuận chẳng biết nó từ đâu chảy đến, nhưng cứ nhắm hướng ngọn núi cao phủ mây trắng tít chân trời, bảo nó bắt nguồn từ đó.

Nói chơi thế mà đúng thật. Dãy Thiên Sơn sừng sững phía chân trời kia chính là nơi dòng sông Bích khởi nguồn. Dòng sông kỳ lạ, không nhận nước từ bất cứ con suối nhỏ nào, một mình trong veo trôi qua những núi đồi xóm bản ruộng đồng. Chảy đến khúc này, bỗng dưng nó khựng lại, khoáy vào lòng núi đá vôi tạo thành một cái vực sâu, lại lượn quanh, ôm trọn bản Phó nhỏ bé một vòng rồi mới quay đi. Cái vực sâu thăm thẳm, nước quanh năm xanh ngắt, là nơi nghe nói có tổ của một bầy anh vũ.

“Nghe nói”, là vì đến đất này từ thuở trẻ trai, ông Thuận cũng chỉ mới thấy cá anh vũ ở đây một lần, do lão Vạng bắt được. Có lẽ cả bản chỉ có Vạng từng lặn xuống vực sông bắt cá anh vũ, nên những lời lão khó mà chứng thực. Vạng nói, trong một lần lặn xuống tìm cá anh vũ, lão đã chạm mặt anh vũ chúa.

Nó đẹp mê hồn, cả người nó được dát bằng những chiếc vảy bạc sáng rỡ, vây ngọc, mắt vàng. Lần đối mặt ấy, nó bình thản mà uy nghi bơi đứng trước miệng hang sâu hoáy. Cái hang hẳn là tổ của nó, nơi mà có lẽ từ thuở dòng sông Bích tạo thành, chưa từng có con người chạm tới.

“Nó là cá thần đấy. Bản Phó sinh hay diệt là do nó”.

Lão Vạng thần bí, như thể phô trương cái năng lực siêu nhiên mà lão tự cho riêng mình có được ở xứ này.

minh họa: tuấn anh

Lần ấy, ông Thuận chăm chú ngắm nghía con cá anh vũ mà lão Vạng bắt được. Kỳ thực trông nó khá… bình thường, không “rực rỡ” như người ta ca ngợi, càng khó có thể đẹp đẽ uy nghi như con cá chúa mà Vạng miêu tả. Nhưng từ đó, ông âm thầm nuôi khát vọng sẽ câu được con cá chúa đó, mặc dù người ta không câu được anh vũ bao giờ. Anh vũ sống trong các hang đá, nên muốn bắt chúng, phải lặn sâu xuống nước.

Mà, nếu không câu được, thì ít ra cũng một lần thấy nó trong đời chứ. Ông không tin con cá kỳ lạ đó lại chưa từng nổi lên để thấy trời xanh mây trắng lấy một lần, dẫu nó là cá thần hay cá thường đi chăng nữa.

Xách đồ câu trên tay, ông Thuận thong thả bước trên con đường uốn lượn từ phố núi của ông ra vực sông. Những ngày giáp tết trời đất lạnh sâu, không khí trong và có nắng. Bờ sông thanh tân với những vạt cải trổ vàng, từng đàn bướm vàng, bướm trắng đang rập rình bay lượn.

Đến đoạn đường trước cây cầu bê tông bắc qua sông Bích, nối phố núi sầm uất với bản Phó thơ mộng, ông Thuận nghĩ đến những lời lão Vạng, bèn xăm xăm bước sang bên kia cầu. Những chân ruộng bản Phó bắt đầu từ đây. Ông nhìn chăm chú khúc ruộng bị nước xoáy đến mức chủ nó không trồng cấy được nữa. Một luồng nước của trận lũ đầu mùa hung bạo đã tận dụng những khoảng rỗng nguy hại để đục ngang con đường và sộc thẳng xuống mảnh ruộng bên kia.

Từ vị trí này, ông Thuận nhìn sang bờ vực sông, nơi ông ngồi câu cá đã quá nửa đời mình. Cây cầu gỗ xưa hay bê tông nay thì người qua kẻ lại ông đều thấy cả. Một ngày, ông bỗng nhận ra những đứa trẻ từng háo hức sang sông trên cây cầu gỗ, nay phạc phờ sương gió thời gian qua những nhịp bê tông lạnh lùng và vững chắc. Có phải ông đã đợi chờ quá lâu, đã hy vọng quá nhiều ở nơi mà thời gian ngưng lặng?

Tết đang hối hả ồn ào đâu đó, nhưng cái vực sông mà ông Thuận thủy chung gắn bó bao lâu vẫn một vẻ tĩnh lặng thường ngày. Đứng nhìn vực nước trong xanh lạnh lẽo, ông nao nao nhớ đến lời lão Vạng. Mấy ngày trước, lão Vạng bảo sẽ huy động cả bản lên núi lánh nạn. Có vẻ như chẳng có gì bất ổn sẽ xảy ra cả. Lão bạn chắc quá tin vào khả năng chiêm bốc của mình rồi.

“Tết rồi mà chú vẫn đi câu ạ? Lạnh thế này cá nó cắn câu không chú?”.

Một người phụ nữ trẻ mặc áo khoác dạ, quàng khăn len đang đi bên vách núi đá nhỏ xùm xòa những cây hoa dẻ thơm để đến chỗ ông.

“Ừ. Tôi câu cho vui thôi. Mà cô đi đâu?”.

“Cháu vào bản mua ít gạo ăn tết chú à”.

“Mua gạo hử? Ừ. Đầu năm mới mà hết gạo thì không nên đâu, các cụ kiêng đấy...”.

Ông nói, và nhớ đó là tục kiêng của người miền xuôi quê ông. Ở quê, giàu nghèo thì trước và trong tết chum gạo cũng phải đầy, nước trong lu phải ăm ắp và than trong bếp luôn phải rực hồng. Nếu thiếu một trong ba thứ ấy thì cả năm khó mong đủ đầy no ấm.

Mua gạo ở đâu giờ cũng không khó, nhưng mua gạo bản Phó là khó. Khó là bởi hiếm.

Dòng sông Bích gần như ôm trọn bản Phó. Cả bản làng ấy, dù ở bất cứ chỗ nào, bất cứ lúc nào cũng nghe tiếng nước chảy róc rách. Nước sông tràn trên các thửa ruộng bao quanh bản, ăm ắp các con mương nhỏ đầy bèo hoa tím, và không rõ có phải đất ruộng bản Phó chứa vi khoáng đặc biệt, nước sông Bích trong mát ngọt lành, hay bởi con cá thần độ cho riêng bản Phó, mà chỉ bản Phó trồng được giống lúa nước mà hạt gạo tròn, trong suốt, dẻo mịn, thơm lừng.

Người phụ nữ này đã đến chỗ ông ngồi câu trên bờ vực sông nhiều lần, vì nhiều lần vào bản mua gạo. Cô nói chồng cô mê thứ gạo ấy như gã si tình bị bùa yêu.

Nhiều lần cô dừng lại khi đi ngang thấy ông đang ngồi câu. Có lẽ cô tò mò muốn biết ông già kia câu cá thế nào, vì sao mà ông say mê làm vậy. Lần nào nhìn vào cái thùng nước trong veo bên cạnh người câu cá, cô cũng chỉ thấy một đôi con cá mương hay một chú dầm xanh nhỏ nhẹ nhàng khua vây. Chỉ với vài chục ngàn, ông có thể dễ dàng có gấp mấy lần số cá đó... ở chợ. Vậy một người dành nhiều thời gian câu vài con cá nhỏ như thế để làm gì?

Để làm gì? Làm sao cô biết được những nung nấu trong lòng ông. Chuyện ông câu cá thường xuyên, triền miên ở vực sông này có lẽ cả phố núi biết, mà phố núi biết thì dân cả bản Phó biết. Họ chỉ biết ông câu cá, còn lão Vạng bạn ông thì biết điều khác biệt.

Nghĩ đến lão Vạng, bất giác ông Thuận đưa tay chỉnh gọng kính lão, ngước mắt nhìn trời. Trời vẫn trong và nắng ấm. Ông lại phóng tầm mắt về phía rừng xa, không gian vẫn yên ả, tĩnh lặng. Ông nhìn dòng sông trong xanh, nước cạn sâu, nhiều chỗ trơ ra những tảng đá nâu như con trâu đang đằm mình tắm mát. Tất cả đều yên ả, vậy mà lão Vạng bảo sẽ thuyết phục dân bản Phó lên núi cao tránh nạn.

Lão Vạng là người bản địa, sống kín đáo và mê tín. Đời trước, ông, cha lão từng làm thầy bói, thầy cúng, không hiểu sao lão không được truyền nghề, hay không theo nghề, nhưng cuộc đời luôn chìm đắm trong thế giới thần thánh, ma quỷ và cả thuật chiêm bốc. Không là trưởng bản, không quyền cao chức trọng, nhưng năm nào lão cũng nuôi dê, rồi giết dê tế lễ trời đất, chủ yếu dùng xương dê để xem bói cho gia đình (và cả bản). Lão bảo đó là dương cốt bốc, một bí thuật từ xa xưa.

Ông Thuận nhớ những ngày đầu tiên lên vùng này lập nghiệp, lần đầu nhìn thấy vực sông Bích, ông đã say mê như say một người gái đẹp. Gần như ngày nào anh chàng Thuận cũng ra vực sông ngắm cảnh, và luôn đặt câu hỏi rằng có loài giao long, thủy thần hay thủy quái nào sống trong cái vực nước thăm thẳm ấy không, vì trông nó huyền bí và nguy hiểm. Khi đó anh gặp Vạng, một thanh niên bản địa trạc tuổi đang chăn một đàn dê. Dê của Vạng ăn cỏ non ven sông, uống nước sông trong vắt, hít khí trời mát lành, có thể nói thân thể chúng sạch sẽ tinh khiết. Con dê đẹp nhất đàn luôn được chăm sóc kỹ lưỡng nhất, vì đầu năm sau nó sẽ được làm linh vật tế thần núi, thần sông, thần đất... Xương của nó sẽ cho biết vận mệnh của gia đình (và cả bản) trong năm đó.

“Có họa lớn, ông ạ!”. Đầu xuân năm nay, lão Vạng không kiêng dè gì mà xồng xộc chạy vào nhà ông Thuận để thông báo cái kết quả chiêm bốc xương dê của mình. Sau này cái Minh, con gái lão Vạng, còn kể vào giây phút đọc kết quả chiêm bốc, mặt lão Vạng tái đi, phải mất vài giây để trấn tĩnh. Tất nhiên, ngoài lão, chả ai hiểu cái xương dê kia nói gì.

“Năm nay sông Bích có lũ lớn, nguy đến cả bản Phó”.

Lũ thì năm nào chả có. Lũ lớn cũng đâu có phải đặc sản hiếm hoi gì mà toáng lên. Nhưng nhìn nét mặt nghiêm trọng cùng với việc quên phắt phải kiêng dè trong ba ngày tết khi đến nhà người khác báo tin xấu của lão Vạng, ông Thuận cũng chột dạ.

Giữa năm, cơn lũ đầu mùa khoét một cái hang rỗng qua con đường vào bản Phó, ông Thuận bảo nó đấy chăng. Lão Vạng lắc đầu.

Bây giờ, sắp sang năm mới, một con dê mới trong đàn nhà lão Vạng sắp được tế thần, thì cái họa kia chắc đã tự thoái lui rồi. Cơ mà, hôm 25 tết, lão Vạng vẫn bảo sẽ thuyết phục dân bản dọn đi trước khi cơn lũ quét sạch cả bản. Đi lánh nạn khi mà tết đang đến gần, và vì mấy cái vết rạn, hay chấm đen trên xương dê nhà lão ư? Có họa điên.

“Năm nay lạnh quá, thế mới ra dáng tết, chú nhỉ?”.

Người phụ nữ trẻ bắt chuyện. Có vẻ như việc đi mua gạo ở bản Phó kia chẳng vội vàng gì. Cô từng kể vợ chồng cô đều từ dưới xuôi lên đây lập nghiệp. Cô dạy mầm non, còn chồng cô mở một hiệu cầm đồ.

Gã chồng cô, ông Thuận chưa từng gặp bao giờ. Tiếng là đóng đô đất này gần trọn đời người, nhưng ông ít giao lưu gặp gỡ. Đặc biệt sau khi nghỉ hưu, ông chỉ dành phần lớn thời gian chìm đắm trong thế giới tĩnh lặng của thiên nhiên. Còn việc gã ấy mê gạo bản Phó không có gì lạ. Của ngon của hiếm có mấy người không mê...

Người phụ nữ gợi cho ông nhớ đến vợ mình. Bà là mối tình đầu, và là mối tình duy nhất của đời ông. Ngày ông mới đến đây và họ mới yêu nhau, bà luôn hỏi ông con sông Bích bắt nguồn từ đâu, vì sao ngọn Thiên Sơn được gọi là núi thiêng, vì sao chúng ta lại yêu nhau, vì sao và vì sao...

Những ngày bệnh nặng, bà nắm tay ông hỏi: Vì sao chúng ta yêu thương nhau nhiều thế, mà ông trời không cho ta một đứa con?

Ông giữ chặt bàn tay nhỏ gầy guộc của vợ trong bàn tay cũng gầy guộc của mình. Tại sao bà khát khao làm mẹ đến thế, mà bà cả đời không rời xa ông cơ chứ… Chỉ có tình yêu, cái gọi là tình yêu ấy, mỗi người sẽ thấy khác nhau, nhưng có một điểm chung, ấy là vì yêu, người ta sẵn sàng làm cho nhau tất cả.

Sau trận ốm của vợ, ông Thuận mới lại xách cần đi ra vực sông Bích câu cá. Ai cũng biết ông mê câu cá, nói đúng hơn là mê việc ngồi hàng giờ trong nắng, trong gió, trong sương. Thời gian vợ ốm, ông ở nhà chăm bà, xét cho cùng cũng chỉ non tháng, nhưng với ông như thể cả năm trời. Vẫn con đường từ nhà ra vực sông, mọi thứ thân quen mà ông thấy nhớ nhung kỳ lạ. Cái sự mong nhớ về một khoảng không gian gắn bó lâu nay khiến ông thấy mình như chàng trai Thuận ngày xưa đầy hồi hộp và nao nức trước khoảnh khắc được thấy người mình yêu đang đợi mình nơi đó.

Một chiếc xe máy Vision biển số ngoại tỉnh dựng kín đáo sát vách trái núi đá nhỏ đang vàng ruộm hoa dẻ, thơm mát ngọt ngào. Cái bờ vực sông phía sau trái núi nhỏ này lâu nay chẳng có ai qua lại ngoài ông và lão Vạng, khi lão đi thả đàn dê và đến ngồi cạnh, kể lể mãi cái chuyện cũ là gặp con cá anh vũ chúa đàn năm xưa. “Tôi chắc chắn nó còn ở đó. Nó có vẻ đã nghìn năm tuổi rồi. Ai động đến nó coi như hại đến bản Phó”. Lão nói, như vừa cổ vũ lại như vừa ngăn cản tinh thần chờ đợi và khao khát câu được, hay được gặp nó một lần của bạn. Quỷ thật, ông Thuận nung nấu ý muốn đó suốt mấy chục năm qua, nào có nói cho ai hay lấy một lần, mà lão Vạng như thể đọc suốt được vậy.

Định quay về, nhưng tiếng chuông nhỏ đeo cổ con dê đầu đàn của lão Vạng leng keng mời gọi, ông Thuận dấn bước ra phía cái bờ vực sông quen thuộc của mình. Những làn gió chỉ khẽ lay các vòm lá, đưa hương dẻ tỏa lan. Một đôi trai gái đang ôm hôn say đắm trên bờ vực sông, đúng nơi ông Thuận năm xưa ngồi cùng người yêu, là vợ ông bây giờ, cũng chính chỗ ông ngồi câu bấy lâu nay.

Ông quay đi, nhưng không kịp, đôi trai gái đã thấy ông và bối rối buông nhau ra. Ông nhận ra con Minh, con gái của lão Vạng. Thi thoảng nó thay cha đi thăm đàn dê được thả tự do ăn cỏ quanh hai bên bờ sông Bích. Còn chàng trai, có vẻ hơi cứng tuổi, bối rối đeo cái máy ảnh lên trước bụng. Anh ta giải thích rằng thích đi chụp phong cảnh đẹp trong vùng...

“… làm sao mà nhanh hết thế cơ chứ. Thôi, cháu vào bản mua gạo chú à”.

Ông Thuận mải nghĩ ngợi, không để tâm người phụ nữ trẻ nói gì. Chị ta nói từ biệt, nhưng không rời đi nhanh, tuồng như còn muốn nấn ná đợi chờ điều gì đó. Cuối cùng, chị quay bước.

Một cơn gió từ phía xa thổi đến mát lạnh và tiếng gì đó rầm rĩ khác thường. Chân trời, nơi dãy Thiên Sơn tối sầm từ lúc nào, mà mải suy nghĩ nên ông không để ý. Quả tim trong lồng ngực già nua của ông bỗng nhiên đập dồn, như nó đã từng đập trong những lần ông hò hẹn người yêu. Cảm giác này lạ lắm. Như có một trường lực lạ lùng hút ánh mắt ông về phía xa xăm. Nước sông bỗng nhiên dâng lên, và ông không thấy những tảng đá nâu như những chú trâu đằm giữa dòng nữa. Phía xa, một vệt vàng nâu như đang sầm sập lao tới.

Có ai đó thò tay vào tim ông Thuận bóp mạnh. Bất giác ông nhìn xuống vực sông. Nước trong xanh dường như bởi một sức mạnh nào đó ẩn sâu từ đáy vực dâng lên. Trơ cứng như hóa đá, ông không còn tin vào hiện thực. Từ dưới đáy vực, một đàn cá tuyệt đẹp với những vây, đuôi sặc sỡ nổi lên. Bơi ở chính giữa, một con cá to lớn, vàng rực, lấp lánh hệt như chú cá chép được mạ vàng mà người ta vẽ trong các bức tranh tết ở quê nhà. Nó đang thanh thản khua vây. Vẻ như nó kéo cả đàn ra để đón đợi một làn nước mới lạ, một thứ có thể là hủy diệt...

Cá chép. Một đàn chép lửa, chứ không phải là cá anh vũ như lời lão Vạng kể. Rồi trong giây lát, làn nước lũ vàng nâu cuồn cuộn ào vào vực sông. Đàn cá, không biết có kịp lặn xuống đáy, hay đã bị cuốn trôi…

Chính vào lúc nước lũ ập vào phủ lên màu xanh trong của vực sông, thì người phụ nữ dường như không hề biết cơn lũ vừa tràn đến một cách lặng lẽ, cô lái xe qua cây cầu để sang bản Phó, tin tưởng sẽ mua được thứ gạo dẻo thơm mà người chồng của cô say thèm. Nhìn thấy người phụ nữ trên chiếc xe máy, ông Thuận bàng hoàng.

“Cô ơi! Dừng lại! Dừng lại! Lũ đấy!”.

Ông quýnh quáng lấy hết sức gọi to.

Khi ông tưởng mình bị bứt khỏi bờ vực sông và bay lên, thì dường như người phụ nữ đã nghe tiếng ông và nhận ra cơn lũ đang sầm sập dưới chân cầu…

Khi con nước lạ lùng trượt qua, một khoảng lớn con đường phía bờ kia sụt xuống và biến mất. Nước lũ xộc vào cái hốc hẳn là đã bị những trận lũ trước khoét sâu trong lòng đường, và cuốn nó đi.

Dòng sông lại yên ả chảy, vẫn thứ nước ngầu đục của lũ từ đầu nguồn dồn về, nhưng chẳng mấy nó lại trong như trước. Vực sông cũng thế, có thể ngày mai nó lại xanh trong. Và cơn lũ bất thường, đúng như dự đoán của lão Vạng, đã không lớn đến mức cuốn đi cả bản Phó.

Có một số thứ đã bị cuốn đi. Ông Thuận nghĩ khi giúp người phụ nữ dắt chiếc xe máy mà cô bỏ lại trên cầu để chạy thoát thân. Chiếc xe ấy đã từng dựng ở dưới tán những chùm hoa dẻ, người đàn ông chụp ảnh phong cảnh hồi giữa năm đã cùng nó ngại ngùng từ biệt ông Thuận, cô gái trẻ và đàn dê đang gặm cỏ. Con dê đầu đàn rung chiếc chuông nhỏ ngân vang trên cổ nó như lời tạm biệt.

Ông thấy anh vũ, còn tôi thấy chép vàng. Thấy gì, rốt cuộc chỉ chúng ta tự biết mà thôi - ông Thuận nghĩ, mình sẽ nói thế khi gặp lão Vạng. Có thể lão ta đang chuẩn bị một chú dê để tế thần rồi…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.