Một lãnh đạo của 1 trong 2 CLB sẽ tham dự cuộc gặp với lãnh đạo TP.HCM (dự kiến vào hôm nay 11.8) chia sẻ: “Vào lúc này tiền xin cũng khó, mà kỳ chuyển nhượng giữa mùa giải chỉ còn 1 tuần nên bảo tăng cường gì ngay cũng không dễ. Nhưng việc lãnh đạo thành phố hẹn gặp sẽ là sự động viên rất lớn cho chúng tôi trong cuộc chiến sắp tới. Về lâu dài, có thể 2 CLB bóng đá sẽ đề xuất lên thành phố hỗ trợ thêm như sân tập, cơ chế phát triển...”. Cả 2 CLB TP.HCM và Sài Gòn đều muốn có được trái tim của người thành phố và thực sự đã bỏ ra rất nhiều đầu tư cho chuyện đó. Nhưng có một sự thật là 2 đội bóng đều có mối liên kết rất rời rạc với Liên đoàn Bóng đá TP.HCM (HFF) và Sở VH-TT TP.HCM.
Bóng đá TP.HCM cần phải làm mới lại mình |
Minh Thắng |
Chuyên gia Đoàn Minh Xương bày tỏ: “Vào lúc này, 2 đội bóng đều đang ráo riết tăng cường lực lượng, bổ sung cầu thủ, HLV cần thay cũng thay rồi. Để giải cứu ngay lúc này thì có lẽ cần sự động viên tinh thần nhiều hơn. Nhưng để nói chiến lược phát triển dài hạn bóng đá TP.HCM, thì phải giải được câu hỏi 2 CLB này đầu tư bóng đá làm gì? Nếu làm rõ được, thì chúng ta sẽ có câu trả lời. Thẳng thắn mà nói bóng đá TP.HCM thiếu nền tảng của cơ chế bóng đá chuyên nghiệp và thiếu tính kết dính với cộng đồng. Không phải vô cớ AFC đưa ra tiêu chí bóng đá chuyên nghiệp mà cả 2 CLB đều đang thiếu là: đào tạo trẻ, cơ sở vật chất, chất lượng nguồn nhân lực. Hãy nhìn câu chuyện của CLB Đà Nẵng để đối chiếu khi họ có lực lượng yếu hơn, ngoại binh kém hơn nhưng đá tốt vì thứ nhất họ có bản sắc. Kế đến họ có HLV giỏi, biết yếu từ đầu nên lấy lực lượng trẻ địa phương đá, tận dụng quãng nghỉ xây dựng lối chơi, thậm chí dám bỏ cả Tây ra đá, động viên nhau cắn răng đá. Nhìn CLB Đà Nẵng, có thể thấy sự đồng lòng từ trên xuống dưới, tất cả vì nhau và nhìn cùng một hướng với một chiến lược dài hạn ổn định từ năm ngoái. Ngược lại, 2 CLB ở TP.HCM không rõ ràng về chiến lược, rất mơ hồ. Lực lượng CLB TP.HCM không tệ, với nhiều cầu thủ giỏi như Thanh Thắng, Đình Khương, Tùng Quốc, Văn Khoa, Hoàng Thịnh, Trọng Long, Ti Phông, Tuấn Tài... Nhưng họ và CLB Sài Gòn vẫn loay hoay chưa tìm được lối chơi sau quá nhiều lần thay HLV xoành xoạch. Lỗi đầu tiên rõ ràng thuộc HLV. Nhưng xét về căn cơ, tính ổn định lâu dài của CLB mới là điều cần quan tâm. Chiến lược 2 CLB thay đổi quá nhiều, mỗi năm một HLV, một đội hình... thì mọi thứ rối rắm là dễ hiểu”.
Phải có bản sắc thành phố
Hầu hết các đội bóng V-League đều gắn bó, có sự cộng sinh tích cực với địa phương trong việc xây dựng lực lượng. Nguồn ngân sách nhà nước thông qua các trung tâm đào tạo trẻ - đến U.17 hoặc U.21 tùy mỗi nơi - tạo nguồn bổ sung lực lượng liên tục cho đội 1. “Cả 2 đội bóng thành phố đều chỉ thuê sân Thống Nhất đá, còn lại họ tự bỏ tiền làm theo cách của mình, không cần góp ý của HFF hay Sở VH-TT. Nếu bóng đá TP.HCM có sự kết hợp gắn bó với địa phương như Thanh Hóa, Nam Định, Nghệ An, Đà Nẵng... thì tính gắn kết, bản sắc địa phương sẽ rõ ràng hơn nhiều. Như bóng đá chuyên nghiệp đã trải qua 22 năm, nhiều đội bóng có tên sống nhờ ông bầu nhưng họ chỉ muốn hái kết quả ngay, không chăm cái gốc. Các ông bầu vui thì chơi, buồn thì nghỉ ai mà nói được, thiệt nhất vẫn là bản sắc bóng đá địa phương mà thôi”, chuyên gia Đoàn Minh Xương bày tỏ.
Bình luận (0)