Vui buồn diễn kịch theo mùa

30/09/2022 07:02 GMT+7

Hiện nay có một số sân khấu TP.HCM đang áp dụng mô hình biểu diễn theo mùa, và có lẽ đó là hướng đi linh động trong tình hình khó khăn. Nhưng biểu diễn theo mùa cũng có cái được và cái mất chứ không hẳn chỉ thuận lợi một chiều.

Đi đúng hướng

“Ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Sân khấu IDECAF (TP.HCM), chính là người tiên phong trong xu hướng biểu diễn theo mùa. Năm 2000, khi ra mắt những vở kịch thiếu nhi tại IDECAF, ông Tuấn nhận ra không gian đó quá nhỏ so với nhu cầu thể hiện những câu chuyện cổ tích, bởi cổ tích cần cảnh trí lớn, trang phục rực rỡ, nhảy múa rộn ràng, thì phải có một không gian lớn hơn, hoành tráng hơn. Thế là ông Tuấn mang Ngày xửa ngày xưa ra Nhà hát Bến Thành. Ông chọn mùa hè là “mùa diễn” cho Ngày xửa ngày xưa, xếp luôn một lúc hơn 30 - 40 suất trải suốt 2 tháng, gọi là “đánh nhanh rút gọn” vì các em nhập học thì không đi xem nữa. Sau đó, khi thấy vở còn thu hút thì IDECAF xếp thêm mùa trung thu, diễn khoảng 10 suất, vậy là kết thúc luôn vở thiếu nhi ấy, sang năm làm vở mới.

Vở Mùi của hạnh phúc tại sân khấu Hoàng Thái Thanh

H.K

Ông Tuấn tiếp tục chiến lược diễn theo mùa bằng các vở kịch dành cho người lớn. Bí mật vườn Lệ Chi mở đầu với hơn 20 suất, sau đó thu gọn lại diễn tại sân khấu IDECAF thêm 84 suất nữa. Tiếp theo là 12 bà mụ, Ngàn năm tình sử, Vua thánh triều Lê, Tiên Nga. Ông nói: “Thú thật chúng tôi rất sướng khi diễn tại sân khấu lớn như thế. Có 3 mục tiêu chúng tôi đạt được: Thứ nhất, khiến cho khán giả tôn trọng nghệ thuật kịch bởi thấy nó nghiêm túc và hoành tráng. Thứ hai, chúng tôi tạo được tiếng vang, thương hiệu. Và thứ ba, nghệ sĩ làm nghề thỏa mãn, có cơ hội rèn luyện, nâng cao”.

“Diễn theo mùa phải có gì đặc sắc hơn bình thường thì mới tạo cơn sốt cho khán giả mua vé. Chứ bình bình thì cũng bị trôi đi. Chính vì vậy, chúng tôi phải dốc tiền dốc sức làm ra một tác phẩm xứng đáng, bắt buộc bản thân phải nỗ lực cao độ”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Thật sự cải lương khoảng 20 năm nay cũng đã áp dụng mô hình diễn theo mùa chứ không xếp lịch hằng tuần được. Đạo diễn - NSƯT Hoa Hạ nói: “Nhiều vở đầu tư rất lớn, công phu; diễn viên ngôi sao, âm nhạc mới mẻ, cảnh trí hoành tráng. Thế nhưng vẫn không diễn được nhiều suất là vì khán giả cải lương ngày càng thu hẹp, fan trung thành chỉ còn chừng hơn 1.000 người, họ có đi xem thì chỉ lòng vòng nhiêu đó người thôi. Diễn một đợt 1 - 2 suất phải ngưng. Nàng Xê Đa của ông bầu Hoàng Song Việt, Thái hậu Dương Vân Nga của bà bầu Kim Ngân diễn được 5 - 6 suất là quá giỏi rồi”.

Sân khấu Hoàng Thái Thanh cũng vừa áp dụng biểu diễn theo mùa, khởi động mùa đầu tiên từ tháng 5 - 7.2022 với 10 kịch bản cũ ấn tượng. Sau đó khép lại hoàn toàn các vở này. Mùa diễn thứ hai bắt đầu từ tháng 9 - 11.2022 với vở mới Mùi của hạnh phúc. Suất diễn chiêu đãi và suất “sneak show” kín hết ghế với những phản hồi tích cực từ khán giả và báo chí, tạo cơ hội cho phòng vé sôi nổi hẳn lên. Đạo diễn Ái Như nói: “Cái được của hướng đi này là chúng tôi không phải lưu giữ cảnh trí lâu năm, trong khi mặt bằng quá chật. Mời diễn viên, xếp lịch diễn cũng bớt căng thẳng, vì hiện nay diễn viên chạy show nhiều lắm. Gom gọn lịch diễn trong khoảng 2 tháng rưỡi thì diễn viên cũng dễ chủ động trong kế hoạch của họ”.

Thật sự biểu diễn theo mùa giúp “ông bà bầu” dễ quản lý tác phẩm, quản lý kinh phí của mình hơn. Ông Huỳnh Anh Tuấn cho biết, vở Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinh Bá - Đại chiến nàng tiên cá trong mùa hè đã diễn được 50 suất, nhiều gấp rưỡi các vở khác mọi năm, và nếu diễn dàn trải mỗi tuần như trước kia thì phải mất 3 năm rưỡi (bởi còn phải xếp lịch chen với các vở khác). Lâu như thế thì có nguy cơ vở bị nguội, các em dễ bỏ qua. Đó là những thuận tiện mà các ông bà bầu rất quan tâm.

Vở Tiên Nga của sân khấu IDECAF

Điều còn tiếc

Tất nhiên phương cách biểu diễn theo mùa cũng không hẳn là hoàn hảo, vẫn còn chỗ đáng tiếc. Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, diễn rải ra trong các tuần thì nghệ sĩ có cơ hội chiêm nghiệm và chỉnh sửa cho bản thân, cho tác phẩm, còn diễn liên tiếp trong một mùa có khi nghệ sĩ không kịp thời gian chấn chỉnh. Đặc biệt, có khi diễn vài suất đã “hết mùa” thì nghệ sĩ chưa thấm nhân vật.

Có 3 mục tiêu chúng tôi đạt được: Thứ nhất, khiến cho khán giả tôn trọng nghệ thuật kịch bởi thấy nó nghiêm túc và hoành tráng. Thứ hai, chúng tôi tạo được tiếng vang, thương hiệu. Và thứ ba, nghệ sĩ làm nghề thỏa mãn, có cơ hội rèn luyện, nâng cao.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Sân khấu IDECAF

Đạo diễn Ái Như cũng tiếc là còn nhiều anh em diễn viên gắn bó với mình nhưng không thể đưa hết vào một vở, đành hẹn chờ vở sau, hoặc xếp “đúp” vai để ai cũng có đất hoạt động. May là ai cũng có nhiều show bên ngoài, nên họ vui vẻ chờ.

Điều đáng lo nhất vẫn là kinh phí. IDECAF đầu tư rất lớn cho các vở ra Nhà hát Bến Thành, nhưng chưa bao giờ thu hồi đủ vốn (trừ vở thiếu nhi luôn có lãi). Ông Tuấn nói: “Phải chấp nhận thôi, để mùa diễn đó sôi nổi, gây được chú ý, giữ lửa cho anh em làm nghề thật “đã”. Chứ đầu tư lèng èng thì càng thua hơn”.

Nghệ sĩ Kim Ngân, bà bầu của vở Thái hậu Dương Vân Nga, Đam mê và quyền lực, cũng nói: “Dựng một vở rất công phu và tốn kém, mà chỉ diễn một đợt vài suất thì tiếc lắm, nhưng biết sao giờ! Không làm thì thôi, đã làm phải tới nơi tới chốn, chúng tôi chấp nhận, bởi tình yêu nghề còn lớn hơn”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.