Đi thực tế các miền đất nước
Học xong 3 năm phổ thông, học sinh (HS) sẽ được đi thực tế ở các vùng miền của đất nước. Đó là mục tiêu mà Trường THCS, THPT Nhân Văn (Q.Tân Phú, TP.HCM) hướng tới và đang thực hiện.
Theo đó, HS lớp 10 của trường sẽ được đi thực tế ở các tỉnh ĐBSCL, khối 11 sẽ đi ở các tỉnh miền Đông và lớp 12 đi các tỉnh miền Bắc.
Chỉ trong năm học vừa qua, Trường Nhân Văn đã tổ chức nhiều chuyến đi theo dự định và thực hiện các chuyên đề giúp HS tiếp cận từ thực tế tới sách vở. Chẳng hạn, HS đi Cần Giờ 2 - 3 ngày để học về hệ sinh thái. Căn cứ vào nhật ký ghi chép và trả lời các câu hỏi trong sổ tay do nhà trường soạn, HS sẽ được chấm điểm 15 phút. Sau đó trên bài viết thu hoạch, sẽ chấm điểm một tiết.
tin liên quan
'Ông bà anh' vào đề kiểm tra học kỳ môn ngữ vănHôm nay, nhiều học sinh đã chia sẻ trên mạng xã hội về nội dung đề kiểm tra ngữ văn trích lời bài hát Ông bà anh của Lê Thiện Hiếu trong chương trình Sing my song.
Bắt đầu từ năm nay, trường cũng giảm thời lượng học các môn chính như toán, lý, hóa để tăng cường cho HS học kỹ năng. Bà Hoàng Thị Minh Liên, Hiệu trưởng nhà trường, thông tin: “Những năm trước căn cứ phân phối chương trình của Bộ chúng tôi thường tăng thời lượng một số môn chính lên gấp đôi, có môn gấp 3 so với quy định thì năm nay giảm tiết tăng ở các môn đó để HS có thời gian làm việc nhóm, học ngoài nhà trường”.
Bên cạnh đó, trường cũng thay đổi hình thức học môn ngữ văn. Chẳng hạn cho HS thực hiện chủ đề “mưu sinh giữa Sài Gòn”. HS bốc thăm, chọn đề tài sau đó trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc với những người đang làm nghề bán hàng rong, chạy xe ôm, làm mướn… để tìm hiểu về công việc, nỗi cực nhọc của họ trong lao động hằng ngày. Từ đó có thể viết ra những bài văn có cảm xúc.
tin liên quan
Học sinh được chọn trường, môn học và giáo viên?Bộ GD-ĐT đang gấp rút thực hiện chương trình - sách giáo khoa mới để thay thế chương trình phổ thông hiện hành với định hướng chuyển mạnh từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, xây dựng nền giáo dục mở, thực học...
Thử sức với người thật việc thật
Cũng theo phương châm học từ thực tế, giúp HS vui thích học tập, Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) đã liên hệ với một số trường ĐH, cửa hàng tiện lợi, bệnh viện... để HS được hỗ trợ học từ thực tế. Mới đây, trường đã tổ chức cho HS đi tham quan Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, tiếp xúc với phòng thí nghiệm. Ngoài ra, trường cũng tổ chức cho HS tới bệnh viện học về các kỹ năng sơ cấp cứu, kỹ năng bảo vệ sức khỏe. Thậm chí dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ, y tá, HS được trực tiếp dùng ống tiêm lấy máu để đưa vào phòng xét nghiệm. Người ngồi cho HS lấy máu không ai khác chính là những giáo viên, ban giám hiệu của trường.
Để được một lần thử sức với công việc thật sự, HS thực hiện chuyên đề 3 ngày làm việc ở siêu thị. “Tại đây chúng em phải sắp xếp hàng hóa, nhận hàng, xếp hàng vào kho, làm giá cho hàng hóa, hướng dẫn, chăm sóc khách hàng, kiểm tra chất lượng, hạn sử dụng của hàng hóa, quan sát camera, dọn dẹp… Đặc biệt, một số bạn còn phải làm những công việc mà ở nhà chưa từng chạm tới như tự tay làm cá cho khách hàng”, Phạm Thị Tú Uyên (HS Trường Lê Quý Đôn) kể.
Một HS khác cho biết: “Qua 3 ngày làm việc ở siêu thị chúng em hiểu và chia sẻ công việc với các cô chú, anh chị đang làm việc tại đây. Từ đó giúp chúng em có hiểu biết thêm về một số ngành nghề để bước đầu có định hướng nghề nghiệp cho tương lai. Đây cũng là một cơ hội để chúng em được trải nghiệm, thử thách, rèn luyện tính tự lập”.
tin liên quan
Sinh viên làm nhà di động tiết kiệm tiền ở ký túc xáThay vì phải tốn khoản tiền lớn để ở ký túc xá, một sinh viên học
ngành thiết kế ở Mỹ đã tự xây căn nhà nhỏ di động với giá chưa tới
340 triệu đồng cho mình.
Bình luận (0)