Trong hai ngày 3 và 4.10, hội thảo khoa học toàn quốc Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người VN do Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật T.Ư được tổ chức tại TP.HCM. Các tham luận của đại biểu đều mang đậm hơi thở cuộc sống.
Đọc sách giúp các em phát triển trí tuệ và thưởng thức cái đẹp, tâm hồn nhạy cảm tinh tế hơn - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Nhân cách như viên ngọc, càng mài lại càng trong
|
Bà Thân Thị Thư - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM - đưa ra nhận xét: “Bộ phim tuyệt đẹp Long Thành cầm giả ca (giải Cánh diều vàng) chiếu miễn phí chỉ lưa thưa khán giả đến xem, trong khi nhiều phim thị trường vào dịp tết có doanh thu hàng chục tỉ đồng. Nhiều sân khấu kịch TP.HCM sáng đèn quanh năm nhưng hầu như rất ít vở chính luận xã hội. Loại tác phẩm dễ dãi, mang nặng tính giải trí, chiều theo thị hiếu thấp kém, khai thác mặt tiêu cực của xã hội, sống gấp, sống vội chạy theo đồng tiền bất chấp cả đạo lý... đã làm thui chột năng lượng sáng tạo và triệt tiêu các lý tưởng sống cao đẹp”. Theo NSND Đặng Nhật Minh thì: “Lớp trẻ đang bị bao vây bởi quá nhiều thứ văn hóa đầy tính bạo lực đã khiến cho con người bị lệch lạc về nhân cách và rất dễ có hành vi bạo lực khi bị kích động. Các đối tượng tội phạm trẻ hóa đang gây ra những vụ trọng án với các tình tiết thực hành tội phạm theo “mẫu” được miêu tả tràn lan trên phim ảnh, internet, mạng xã hội”.
Vì vậy, thạc sĩ Lê Thị Ngọc Dung (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) đặt ra yêu cầu phải giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ từ rất sớm, bồi dưỡng tâm hồn, nâng cao năng lực cảm thụ cái đẹp.
Một số ý kiến khẳng định văn chương chính là sức mạnh thẩm thấu tâm hồn con người, khơi gợi tình cảm tốt đẹp trong cuộc sống bằng hình tượng nhân vật hấp dẫn người xem mà thông qua đó còn là tấm gương để noi theo. Ngoài ra, di sản âm nhạc dân tộc khởi nguồn từ thiện tâm của người sáng tạo cũng là cội nguồn cho những cảm xúc hướng thiện ở người thưởng thức. Chính vì vậy, nhân cách phải luôn được bồi dưỡng, giống như viên ngọc, càng mài lại càng trong.
Trách nhiệm của văn học nghệ thuật
Nhà văn Vũ Hạnh hiến kế: “Muốn xây dựng và bảo vệ nhân cách của người Việt thì ngoài sự sáng tạo, VHNT nhiều thể loại cùng hướng về chủ đề này để tạo ra luồng gió ấm, thơm nồng tỏa khắp đất nước, cần củng cố mở rộng lực lượng phê bình trên toàn quốc, giảm bớt các tệ hại của cuộc chiến trên mạng đã gây rối loạn trầm trọng nhân cách của một lớp trẻ và chung sức chung lòng trong sự đổi mới giáo dục cùng với kiện toàn pháp luật”. Còn PGS-TS Trần Luân Kim đề nghị: “Giải thưởng VHNT là một trong những phương pháp sáng tạo và định hướng rõ ràng, hiệu quả, nên cần tổ chức chặt chẽ, trang trọng và thường xuyên”.
“Đất nước phát triển có nhiều thành tựu nhưng cũng có những yếu kém đáng lo ngại, đó là sự suy thoái đạo đức, tha hóa về nhân cách, lối sống của một bộ phận không nhỏ, tệ nạn xã hội có biểu hiện nghiêm trọng hơn nên trách nhiệm đặt ra cho VHNT là hết sức cấp bách. Hội thảo lần này phải làm rõ trách nhiệm của văn học, văn hóa - nghệ thuật, văn nghệ sĩ với việc xây dựng nhân cách con người VN. Đội ngũ làm nhiệm vụ quảng bá, lực lượng phê bình, biểu diễn... cùng ngồi lại tìm ra giải pháp, không thể để xuất hiện nhiều sản phẩm có giá trị thấp, thậm chí dưới văn hóa tác động đến giới trẻ lối sống cực đoan, ích kỷ gây ra bao hệ lụy cho xã hội”, PGS-TS Đào Duy Quát trăn trở tại cuộc gặp gỡ báo chí chiều 2.10 tại TP.HCM.
PGS-TS Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT T.Ư, cho biết thêm: “Chúng tôi đã tiếp nhận gần 100 tham luận và rất nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của những tên tuổi thuộc nhiều lĩnh vực: âm nhạc, mỹ thuật, kiến trúc, hội họa, sân khấu... để cùng thảo luận, đánh giá khách quan. Phải làm sao để góp sức, ngăn chặn các tiêu cực, VHNT và nghệ sĩ phải là những gam màu sáng cho bức tranh xã hội lấn át các gam màu tối. Chúng ta cùng nhau vun đắp điều thiện, đẩy lùi cái ác để cuộc sống ngày càng tươi đẹp”.
Bình luận (0)