Theo báo cáo tổng hợp của 13 tỉnh, thành ĐBSCL, toàn vùng đã có khoảng 82.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, tập trung tại các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau và Tiền Giang. Nguyên nhân do nguồn nước có độ mặn vượt ngưỡng cho phép, các hộ dân thiếu dụng cụ trữ nước ngọt. Dự báo thời gian tiếp theo của mùa khô năm 2020 sẽ có khoảng 158.000 hộ thiếu nước sinh hoạt.
Đối với vụ lúa đông xuân 2019 - 2020, ĐBSCL đã xuống giống 1.505.000 ha, đạt 95% kế hoạch. Trong số đó, diện tích cần tăng cường mạnh các giải pháp thủy lợi để đảm bảo cung cấp đủ nước tưới trong trường hợp xâm nhập mặn kéo dài khoảng 332.000 ha. Ngoài ra, còn có khoảng 136.000 ha cây ăn trái có khả năng bị ảnh hưởng hạn, mặn, bằng 39,1% tổng diện tích cây ăn trái toàn vùng.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết dòng chảy từ thượng nguồn đổ về ĐBSCL đang ở mức rất thấp so với trung bình nhiều năm. Trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp với việc sử dụng và khai thác tài nguyên nước trong khu vực (sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập của Trung Quốc) sẽ làm cho tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trở nên trầm trọng hơn mùa khô năm 2015 - 2016.
Chỉ đạo tại hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh ĐBSCL là vùng đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước, nên cần có giải pháp ứng phó hiệu quả với tình hình hiện nay, cũng như về lâu dài. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ NN-PTNT phối hợp các địa phương tập trung các biện pháp ứng phó hiệu quả.
Bình luận (0)