Sáng nay 11.7, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ TN-MT) cho biết, lúc 1 giờ cùng ngày, dải hội tụ nhiệt đới nối với vùng áp thấp có vị trí ở khoảng 17,5 - 18,5 độ vĩ bắc và 110,5 - 111,5 độ kinh đông, nằm ngay trên vùng biển phía bắc quần đảo Hoàng Sa. Trong 24 giờ tới, vùng áp thấp có xu hướng dịch chuyển chậm về phía tây.
Theo cảnh cáo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong khoảng ngày 12 - 13.7, dải hội tụ nhiệt đới tiếp tục hoạt động mạnh, vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, di chuyển hướng về phía vịnh Bắc bộ.
Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nối với vùng thấp kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh nên trong ngày và đêm nay 11.7, khu vực bắc Biển Đông, bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa; khu vực giữa và nam biển Đông, bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa; vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan tiếp tục có mưa giông mạnh. Trong cơn giông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Khu vực nam Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Trường Sa, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau tiếp tục có gió tây nam mạnh cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao từ 2 - 4 m, biển động.
Cũng theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực bắc Trung bộ kết hợp với gió mùa tây nam cường độ mạnh, nên ở Tây Nguyên và Nam bộ từ chiều tối qua 10.7 đến 1 giờ sáng nay đã có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to.
Tại thành phố Pleiku (Gia Lai) có mưa 28 mm, tại Eakmat (Đắk Lắk) có mưa 55 mm. Còn tại tỉnh Lâm Đồng, lượng mưa đo được tại Trị An là 34 mm; tại Biên Hòa (Đồng Nai) có mưa 32 mm; Phước Long (Bình Phước) mưa 22 mm và Cà Mau ghi nhận lượng mưa 25 mm.
Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với gió mùa tây nam nên trên đất liền các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Nam bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và giông mạnh kéo dài đến hết ngày 12.7. Trong cơn giông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh.
Bình luận (0)