Vùng đất khó Hậu Giang phát triển đô thị

16/09/2023 14:28 GMT+7

Tỉnh Hậu Giang tiếp tục đẩy mạnh phát triển đô thị nhằm mang đến cuộc sống sung túc hơn cho người dân.

Đầu năm 2004, tỉnh Cần Thơ chia tách thành tỉnh Hậu Giang và TP.Cần Thơ trực thuộc T.Ư. Lúc mới thành lập, tỉnh nghèo Hậu Giang chỉ có 9 đô thị nhỏ lẻ, quy mô khá khiêm tốn.

Những thông tin lưu tâm

Tỉnh Hậu Giang đi lên từ gian khó, nỗ lực vượt bậc qua từng nhiệm kỳ và tiến nhanh trong quá trình đô thị hóa. Đặc biệt, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đô thị được xác định là 1 trong 4 trụ cột then chốt trong phát triển kinh tế của tỉnh Hậu Giang. Vì thế, toàn tỉnh tích cực đẩy mạnh mời gọi, xúc tiến đầu tư trong ngoài nước để phát triển đô thị.

Vùng đất khó Hậu Giang phát triển đô thị - Ảnh 1.

Thành phố Vị Thanh, tỉnh lỵ Hậu Giang

Quang Minh Nhật

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 11.2022 - 3.2023, UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành 9 quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu đô thị mới tại TP.Vị Thanh (tỉnh lỵ), TP.Ngã Bảy, TX.Long Mỹ, H.Châu Thành, với tổng diện tích hơn 110 ha, tổng kinh phí dự kiến hơn 4.115 tỉ đồng. Các dự án này sau khi hoàn thành sẽ mang lại điểm nhấn đặc biệt cho đô thị Hậu Giang. Vậy là sau gần 20 năm hình thành, phát triển, tính đến giữa tháng 9.2023 Hậu Giang đã có 18 đô thị được xếp loại, trong đó 1 đô thị loại II (TP.Vị Thanh), 2 đô thị loại III (TP.Ngã Bảy, TX.Long Mỹ), 15 đô thị loại V (4 đô thị loại V là đơn vị hành chính xã chưa lên thị trấn) với tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 29,75%.

Cũng theo ông Đồng Văn Thanh, đô thị Hậu Giang phát triển khá đồng bộ, từng bước đáp ứng các chỉ tiêu đô thị trung tâm và khu vực. Kết cấu hạ tầng đô thị ngày càng được chú trọng, thị trường bất động sản Hậu Giang tiếp tục khởi sắc. UBND tỉnh Hậu Giang đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn đạt hơn 32%; xây dựng H.Châu Thành, H.Châu Thành A theo hướng phát triển đô thị - công nghiệp; đầu tư TP.Vị Thanh, TP.Ngã Bảy, TX.Long Mỹ xứng tầm là những đô thị hạt nhân tăng trưởng của tỉnh; đồng thời triển khai những dự án chiến lược, trọng điểm có sức lan tỏa để hỗ trợ các đô thị khác phát triển.

UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ theo hướng hiện đại, tiếp cận những tiêu chí đô thị xanh, đô thị văn minh đối với các đô thị trọng điểm; tập trung nguồn lực để đầu tư nhiều tuyến đường giao thông trọng yếu tại đô thị, khu vực có lợi thế về thu hút đầu tư nhằm khai thác quỹ đất (2 bên đường) một cách hiệu quả; xây dựng và phát triển hài hòa giữa đô thị - nông thôn, con người - thiên nhiên, bảo vệ tốt môi trường, giữ gìn cân bằng sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu…

Vùng đất khó Hậu Giang phát triển đô thị - Ảnh 2.

Một dự án phát triển đô thị tại Hậu Giang

Quang Minh Nhật

Quy hoạch cho tương lai

Nghị quyết số 17 (NQ17) của HĐND tỉnh Hậu Giang về việc thông qua quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14.7.2023.

Theo NQ17, Hậu Giang tới đây sẽ có nhiều vùng đô thị - công nghiệp tập trung, là những khu vực động lực phát triển. Theo đó, vùng đô thị - công nghiệp gần TP.Cần Thơ gồm các đô thị Một Ngàn, Rạch Gòi, Cái Tắc, Ngã Sáu, Mái Dầm và các khu - cụm công nghiệp Sông Hậu, Tân Phú Thạnh, Nhơn Nghĩa A, Đông Phú, Mái Dầm (giai đoạn 1, 2, 3). Vùng đô thị - công nghiệp gắn với TP.Vị Thanh - Long Mỹ bao gồm những đô thị (Vị Thanh, Nàng Mau, Vĩnh Tường, Long Mỹ) và các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Vị Thanh, Tân Tiến, Nàng Mau, Long Mỹ. Vùng đô thị - công nghiệp gắn với TP.Ngã Bảy gồm đô thị Ngã Bảy và cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Ngã Bảy. Vùng đô thị - công nghiệp H.Phụng Hiệp tại nút giao giữa cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Vùng đô thị - công nghiệp H.Long Mỹ tại nút giao giữa cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu.

Vùng đất khó Hậu Giang phát triển đô thị - Ảnh 3.

Thị trấn Ngã Sáu, trung tâm H.Châu Thành

Quang Minh Nhật

Theo ông Trần Văn Huyến, Phó bí thư Thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang, NQ17 xác định các đô thị động lực của tỉnh Hậu Giang vẫn là TP.Vị Thanh (đô thị loại II) trung tâm về chính trị, hành chính, thương mại, dịch vụ, du lịch. TP.Ngã Bảy (đô thị loại III) đô thị vệ tinh của vùng du lịch cảnh quan sinh thái, là cực phát triển phía Đông của tỉnh Hậu Giang. TX.Long Mỹ là đô thị vệ tinh, đầu mối trung chuyển, chế biến nông sản công nghệ cao theo QL61 và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Thị trấn Ngã Sáu (H.Châu Thành) đến năm 2030 là đô thị loại IV, trung tâm kinh tế, văn hóa, thương mại, dịch vụ, du lịch sinh thái và khoa học công nghệ, phát triển đô thị công nghiệp ven sông Hậu.

"NQ17 khẳng định phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn, bảo vệ môi trường, giữ gìn cân bằng sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tỉnh tiếp tục mở rộng các đô thị, phát triển bất động sản đô thị quy mô lớn, gắn với mạng lưới đô thị du lịch, nghỉ dưỡng tích hợp các ngành kinh tế. Phấn đấu đến năm 2030 Hậu Giang có 19 đô thị được xếp loại trong đó 1 thành phố (đô thị loại II), 1 thành phố và 1 thị xã (đô thị loại III), 4 đô thị loại IV, 12 đô thị loại V…", ông Trần Văn Huyến thông tin.

Vùng đất khó Hậu Giang phát triển đô thị - Ảnh 4.

Một góc đô thị TP.Ngã Bảy

Quang Minh Nhật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.